Đó là Trung tâm rèn luyện kỹ năng và sát hạch nghề Khai thác mỏ và cơ điện hầm lò tại Phân hiệu Cẩm Phả, Trường Cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm. Nơi đây có hệ thống khai thác hầm lò với các thiết bị hiện đại, giống như mỏ hầm lò “trên cạn” để học sinh thực tập nghề.
Do đã quá quen với các đường lò tại các mỏ than, khi bước chân vào Trung tâm, cảm giác đầu tiên chúng tôi thấy là các đường lò giống như thật, chỉ có điều đường lò ngắn hơn. Trong lò cũng có hệ thống các đường ray, toa xe vận chuyển, hệ thống hầm bơm, trạm điện, đường ống nước, khí nén, tời trục, các lò chợ v.v. Có thể coi đây là một mỏ than hầm lò thu nhỏ với đầy đủ các thiết bị giúp cho học sinh thực tập nghề ngay tại Trung tâm một cách dễ dàng. Trên một đoạn đường lò dốc dài chừng vài chục mét, một tốp học sinh đang được hướng dẫn vận hành tời trục; chỗ khác học vận hành bơm nước, tàu điện… Có đến 5 – 6 lò chợ đang được học sinh thực hành các công nghệ chống từ cột thủy lực đơn đến giá thủy lực di động và có cả máy khấu than combain. Đây là loại máy khấu MW – 200 đã từng áp dụng tại một lò chợ Công ty than Khe Chàm, giờ được đưa ra cho học sinh thực tập. Một số đường lò có loại máy đào lò và các loại băng tải trong lò… Nhìn chung, với một hệ thống các đường lò khá bài bản và các thiết bị trong lò đầy đủ, học sinh dễ dàng có thể hình dung được công việc của mình trong tương lai khi ra trường xuống các mỏ làm việc.
Thạc sỹ Vũ Văn Thịnh, Phân Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm tại Cẩm Phả cho biết, với mục đích để học sinh sau khi ra trường thành thạo với công việc thực tế sản xuất của các mỏ, ngoài việc thực tập thường xuyên tại Trung tâm này, học sinh còn được thực tập lao động sản xuất tại các mỏ trong vòng 6 tháng. Trung tâm được thiết kế và đầu tư thiết bị hiện đại, phù hợp với công nghệ khai thác hiện nay và tương lai, có đủ các vị trí thực tập để học sinh rèn luyện và sát hạch theo các tiêu chí về kỹ năng của bộ Tiêu chuẩn kiến thức – kỹ năng nghề đã xây dựng. Bộ tiêu chuẩn kiến thức kỹ năng cấp bằng trung cấp nghề gồm các nghề: Kỹ thuật khai thác hầm lò, Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và Kỹ thuật cơ điện hầm lò. Việc ban hành các bộ tiêu chuẩn trung cấp nghề là cơ sở kiểm định chất lượng để cấp bằng cho học sinh các trường cao đẳng nghề thuộc Tập đoàn cũng như kiểm tra đầu vào những công nhân trước khi đến làm việc tại các doanh nghiệp. Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn nhằm tiếp cận phương thức đào tạo và đánh giá chất lượng mới. Trong đó, nghề kỹ thuật khai thác hầm lò có 48 kỹ năng nghề từ kỹ năng chuẩn bị sản xuất tới các kỹ năng khoan nổ mìn, bốc xúc, vận tải, dựng vì chống, củng cố lò, di chuyển, thủ tiêu sự cố, kết thúc ca….Nghề cơ điện hầm lò có 63 kỹ năng nghề. Kèm theo đó là các tiêu chí đánh giá, chấm điểm cụ thể từng kỹ năng theo thang điểm 100. Các kỹ năng này được xây dựng từ thực tế sản xuất của các doanh nghiệp Tập đoàn cũng như công nghệ khai thác hiện đại.
Học sinh yên tâm với nghề đã chọn
Hiện nay, Phân hiệu Cẩm Phả có trên 5000 học sinh các ngành nghề đang học tập, trong đó riêng nghề Khai thác hầm lò chiếm trên 3000 học sinh. Trong tốp thợ khá đông, tôi ấn tượng với anh Ngô Trung Lập. Lập có dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen nhưng dáng đi và đôi mắt nhanh nhẹn. Lập đang học lớp Khai thác và đã đi thực tập tại Công ty 86 (Tổng Công ty Đông Bắc). Lập cho biết, quê anh ở thôn Tổng Gia, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Đó là một huyện miền núi nghèo của Lào Cai, cách thành phố hơn 80 km. Lập còn một người em nữa cũng đang học nghề Khai thác tại trường, sau Lập một khóa. Hai anh em Lập cùng đi học nghề ở trường này là do cán bộ Nhà trường lên tận địa phương hướng nghiệp, tuyển sinh. Lúc đầu, bố mẹ và 8 anh em trong gia đình đều không yên tâm khi Lập quyết tâm đi học nghề hầm lò. Sau, bố mẹ Lập thương con xuống thăm, thấy con ăn ở đàng hoàng quá, được bao cấp tất cả các khoản đóng góp, lại còn cho tiền về nghỉ hè, nghỉ Tết… Bố mẹ Lập ra chơi được anh em đón tiếp chu đáo thế là về nhà, em trai lập cũng được bố mẹ động viên đi học tiếp theo nghề của anh. Giờ đây, Lập đã đi thực tập đợt một. Lương của Lập đạt khoảng 8 triệu đồng/tháng. Một số tiền mà trước đây cả nhà Lập cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Trước đây, khi chưa đi học, Lập đi làm thuê, làm gỗ trên rừng vất vả lắm. Nói rồi, Lập hăm hở cùng anh em bước chân về phía cửa lò Trung tâm.
Còn Nguyễn Đình Đại thì quê ở xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, Hải Dương. Anh đi học theo chỉ tiêu của Công ty than Thống Nhất đã gần 2 năm. Chỉ một vài tháng nữa là anh ra trường và về mỏ làm việc. Quê Đại cũng có nhiều người ra học tại trường này.
Qua tiếp xúc với nhiều học sinh đang học tập tại trường, chúng tôi thấy các em đều được chuẩn bị tâm lý khá tốt trước khi ra trường trở thành người công nhân chính thức. Tuy nhiên, thiết nghĩ, với tuổi trẻ, mọi điều chỉ là khởi đầu. Trong quá đình ra trường đến các mỏ làm việc, nhất là giai đoạn đầu, các doanh nghiệp tiếp nhận cũng cần tiếp tục rèn nghề và tạo mọi điều kiện giúp đỡ các em để các em yên tâm làm việc lâu dài trong ngành Mỏ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mo-ham-lo-tren-can-1626.htm” button=”Theo vinacomin”]