Trời hôm đó hửng nắng, gió nhẹ sau những ngày mưa phùn dầm dề cuối Xuân. Suốt đoạn đường hơn chục cây số lầy lội đất than, gập ghềnh ổ trâu, ổ voi lên khai trường XN than Tân Lập (Công ty than Hạ Long) chỉ rặt màu xanh cây rừng và màu trắng xám của cây cỏ lau rập rờn trước mỗi cơn gió. Chuyến đi hôm ấy, đoàn chúng tôi được đích thân Giám đốc Xí nghiệp Đoàn Đắc Thọ đưa lên thăm khai trường và vào thăm khu nhà tập thể của thợ lò để “các nhà báo mục sở thị thợ lò Tân Lập ăn ở ra sao” (lời của GĐ Th
Gặp anh Đ.V.Hải – một thợ lò gắn bó với Tân Lập gần như lâu năm nhất nên tâm tư tình cảm của anh em thợ lò anh nắm khá rõ. “Khổ nhất là bọn trẻ ở xa. Lúc nào cũng canh cánh nỗi nhớ nhà. Tôi quê Hưng Yên, đất nhãn lồng nổi tiếng đấy. Nhưng giờ thì bám trụ với vùng than Quảng Ninh rồi. Vợ con cũng đưa hết ra đây. An tâm công tác, không phải đi đi về về nữa”. Người thợ lò lâu năm ấy tâm sự với chúng tôi như vậy. Anh nói vậy cũng đúng. Tuy nhiên, số anh em thợ lò mới đâu có phải ai cũng dễ dàng thu xếp gia đình được như người đồng nghiệp cao tuổi của mình.
Hồi mới cưới vợ, hết phép rồi trở lại Xí nghiệp sống trong nỗi nhớ nhà, nhớ người da diết, Đ.V.Hải bàn với vợ cùng ra ngoài này xây dựng cuộc sống mới. Chị đồng ý. Thế là bìu ríu nhau ra Quảng Ninh. Hai vợ chồng gần như tay trắng, phải thuê nhà trọ để ở, con cái lại nhỏ. Nhưng với sự cần cù, chịu thương chịu khó, chắt chiu tiết kiệm, hai vợ chồng anh đã cất được một ngôi nhà 2 tầng xinh xắn. Vợ anh có một cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà, chẳng kiếm được nhiều tiền nhưng cũng đủ chi trả cho sinh hoạt của gia đình hàng ngày. Với Hải, sau một ca làm mệt nhọc, được về nhà, ăn bữa cơm canh cua vợ nấu, ngắm 2 cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi là hạnh phúc. Giản dị nhưng bình an!
Với cánh thợ lò trẻ, nỗi nhớ nhà luôn thường trực. Sau gần 2 năm học nghề tại trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm, N.V.Đông về làm việc tại Tân Lập. Đông kể, nhà em cách TP. Thái Nguyên 80 cây số. Ngoài quê bố mẹ chưa già, nhưng việc nhà nông vất vả, cực nhọc vô cùng. Nhà có ba anh em trai, Đông thường phải lo lắng về gia đình như trách nhiệm của người anh cả. Đông kể, cái nghèo hiện hữu thường trực ở quê em, có thể nhìn rõ nhất ở phiên chợ quê. Quê em mỗi tuần mới họp chợ 1 lần, thế nên thức ăn thường là của nhà có gì ăn nấy. Con cá nhỏ trong ao, quả trứng gà mới đẻ, nắm rau trong vườn sáng ra hái vội. Lương thợ lò mới vào nghề, làm đủ công, trừ hết các khoản tiền ăn, tiêu hàng tháng Đông cũng để dành ra được khoảng hơn 6 triệu đồng. Số tiền ấy Đông kể cậu không tiêu mà gửi về hết cho mẹ để trang trải cho gia đình và giữ hộ để dành cho sau này. “Số tiền ấy bằng cả gia đình ở quê em làm mấy tháng đấy”. Cứ 2 đến 3 tháng, chàng thợ lò trẻ ấy lại về thăm nhà một lần để đỡ tốn kém, để dành được nhiều tiền hơn. Không hút thuốc, không ghiền cà phê, bia, rượu, Đông được anh em trong phòng trêu là “thanh niên sạch”.
– Đông có người yêu chưa? Có quen được em gái địa phương nào không?
– Làm gì có thời gian mà quen ạ. Với lại em muốn lấy vợ ở quê để còn gần gũi, đỡ đần bố mẹ em.
Trong mỏ sóng điện thoại di động phập phù, lúc được, lúc mất nên rất hạn chế cho các đôi nam nữ thăm hỏi tâm tình. Có mấy cô bạn học ở quê, muốn điện thoại “buôn dưa lê” cho đỡ buồn mà cũng chịu. Đông bảo những lúc ấy em nhớ nhà lắm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Là lao động chính trong gia đình, Đông nói mức lương hiện tại của em là mơ ước của bao người ở quê, nơi vùng bán sơn địa đến củ sắn mọc lên cũng còi cọc. Vốn con nhà nông, vất vả đã quen, lại đang ở độ tuổi sung sức, bẻ gãy sừng trâu, ước mong của Đông chỉ là làm sao để tháng nào cũng làm đủ công, để có thể mỗi tháng gửi về cho mẹ được nhiều thêm một chút.
Khác với Đông, Nguyễn Văn Kiên (bạn cũng phòng với Đông, quê Bắc Kạn) lại khá trầm ngâm, kín tiếng khi chúng tôi gợi chuyện. Những câu chuyện xã giao vẫn không làm Kiên bớt đi vẻ lo lắng diệu vợi. Hỏi ra mới biết, quê em vừa trải qua một cơn lũ ống. Nhà em may mắn không bị thiệt hại về người nhưng đợt lũ kinh hoàng cũng đã kịp cuốn trôi mất 2 con trâu – tài sản quý giá với một gia đình miền núi như em.
Như bản chất của những chàng trai miền núi, Kiên khá rụt rè, bẽn lẽn khi nói chuyện, đặc biệt là chuyện tình cảm. Phải gợi ý mãi Kiên mới “khai” rằng đã có bạn gái. Cô bạn học bằng tuổi thời trung học. Kiên bảo rằng hiện tại em đã tiết kiệm được gần 80 triệu để cưới vợ rồi. Kiên rất tiết kiệm. Lương và thu nhập thêm cũng chưa nhiều, nhưng lâu lâu gia đình có việc gì cần tiền, em cũng gửi về dăm triệu.
– Lấy vợ rồi thì Kiên định tính thế nào?
– Em sẽ đưa vợ ra ngoài này. Vợ em có nghề may nên em định mở một của hàng may đo nhỏ.
Kiên bảo, Quảng Ninh tuy đắt đỏ nhưng dù sao còn dễ kiếm tiền hơn nhiều so với quê em, nơi mà mấy chục “con dao quăng” mới đến nhà hàng xóm. Vả lại, tình cảnh vợ một nơi, chồng một nẻo khăn khó lắm thay. Mặc dù biết trước tình cảnh vợ chồng trẻ, phải chịu cảnh thuê mướn nhà rồi bao nhiêu thứ khó khăn trước mắt nhưng Kiên vẫn rất lạc quan. Cái lạc quan ấy hiện hiển trong giọng nói, trong cách thể hiện, trong lăng kính mà em nhìn vào cuộc đời. “Mọi thứ rồi sẽ ổn”, Kiên khẳng định chắc nịch.
Vậy là bằng tình yêu với vùng Mỏ, với hòn than hay một sự gắn bó vô hình nào đó không thể gọi tên, họ – những người thợ lò ấy sẽ vẫn chọn nơi đây làm quê hương thứ hai. Mặc dù vậy, quê hương bản quán vẫn là nơi tình cảm thiêng liêng họ cất giấu đâu đó cho riêng mình. Và nó càng cồn cào, da diết hơn mỗi khi “chạm” tới. Những người thợ lò trẻ như Đông, Kiên và biết bao thợ lò khác còn đau đáu những nỗi niềm quê xa.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/noi-niem-tho-lo-xa-que-1659.htm” button=”Theo vinacomin”]