Trong căn gác xép hẹp như lòng một toa goòng của ngôi nhà ủng đối diện cổng chợ ngoại ô phía đông Tp Hạ Long – Nguyễn Trọng Thái hỏi tôi bằng một giọng xởi lởi: ” Sao bác tới muộn thế?’. Tôi cười: ” Mới hơn tám giờ. Cũng muốn để cậu ngủ nướng thêm tí nữa.” Thái: “ồi, dân thợ lò mà anh. Biết bao nhiêu cho đẫy mắt.” Tuần này Thái đang đi ca hai. Nghĩa là buổi sáng có thể ngủ dài dài hoặc làm gì mặc sức, 13h45 mới phải có mặt ở công trường. Câu chuyện giữa chúng tôi bỗ
Thái bảo: Anh biết không, thời chưa vợ, em suốt ngày bị ông chú ruột cũng là dân thợ lò kỳ cựu của mỏ Hà Lầm mắng: “đồ vô tích sự” bởi thói ngủ vùi. Em có thể ngủ thâm chiếu mọng mắt, chẳng cần ăn, chẳng cần biết sáng tối là gì. Vì rằng cứ tan ca, tụi em toàn thằng chưa vợ lại chải chuốt rõ oách rồi đi nhảy nhót, bia bọt hoặc cầm chân nhau trong chiếu “tá lả” cho đến sát nút ca sau. Có đứa xuống lò, vừa đẩy goòng vừa ngủ… Bây giờ, lứa của Thái hầu hết đều đã là thợ lành nghề hoặc giữ cương vị chỉ huy của các công trường khác. Nguyễn Trọng Thái cũng đã thành tổ trưởng Tổ đào lò thuộc Công trường xây dựng cơ bản I mỏ Hà Lầm thống lĩnh một mũi 40 thợ suốt 15 năm qua. Tôi từng chứng kiến cảnh Thái đứng trước toàn đội trước lúc xuống lò. Sau khẩu lệnh như thét của anh: “Hôm nay sản xuất không để xảy ra tai nạn, sự cố, có được không?” – Tiếng đồng thanh ba lần dõng dạc: “Được”, Được”, Được”. Nhưng ngay sau đó, con mắt người chỉ huy già dơ vẫn kịp “nhặt” ra ba bốn “đồ- vô – tích – sự”. Chàng thiếu ngủ mắt như khói hun; chàng bài bạc mặt lúc đỏ lúc tái; chàng chưa tỉnh rượu đèn trên mũ cài không sát đế…Thái không bắt ai nghỉ việc nhưng lập tức phân công lại phần việc của thợ nhóm này. Kỹ sư Phạm Công Hương, giám đốc cũ của mỏ Hà Lầm nhận xét về Thái: ” Thằng đó gần bốn mươi rồi vẫn còn thích đi “phượt” nhưng quân tướng anh nào cũng nể là vì trong lò việc gì nó cũng có thể xông vào. Nó điều khiển được thiết bị đào lò combai, lái được máy xúc lật; sử dụng thành thục máy khoan tamrock. Lính tráng kiêu căng nó làm cho trắng mắt ngay. Tôi đã với Phiệt (giám đốc đương nhiệm): đừng thấy nó hay mà nhấc lên đâu. Hãy để nó ở đó. Nó sẽ là cái khuôn đào tạo cho anh những thợ lò bậc cao và những tổ trưởng đi lò lão luyện.”. Qủa thực, 15 năm chỉ huy – Tổ đào lò mang tên Nguyễn Trọng Thái luôn là đơn vị có năng suất cao nhất; ít sự cố nhất. Liên tục 7 năm liền từ 2001 – 2007 dẫn đầu Vinacomin về sản lượng đào lò với mức bình quân từ 2,1 – 2,4m/ca trên tiết diện 8,5 – 12,5m2. Năm 2008, Công ty than Hà Lầm thực hiện cổ phần hóa. Năm 2009, mỏ quyết định đầu tư trên 2.000 tỷ đồng mở một lò giếng đứng độ sâu -300 với trữ lượng than 110 triệu tấn, công suất khai thác 2,5 triệu tấn/ năm. Hiện tại, tổ đào lò Nguyễn Trọng Thái đã chạm được tới độ âm này, chuẩn bị mở một “giếng gió” khổng lồ phục vụ cho việc khai thác vào năm 2014. Tương lai của mỏ Hà Lầm đang đặt trọn trên vai cánh thợ đào lò. Trong đó có Thái và những người anh em của Thái. Tôi bảo:”Bây giờ, chắc chả ai dám mắng cậu là “đồ vô tích sự?” ” Có đấy, vợ em!” – Thái cười vang.
Làm tổ trưởng sản xuất kiêm chủ tịch công đoàn phân xưởng; mỗi tháng đều đặn 26 ngày công chui lò không tính những thời gian họp hành phải ở luôn công trường thông ca. Anh em trong tổ bảo: “hắn là người sắt”. “Người sắt” cao 1,78m; nặng 70kg; chân giày cỡ 42, một tay nhấc bổng thanh vì lò 45kg đặt lên vai mặt không biến sắc. 39 tuổi, Thái vẫn giữ nguyên phong độ của một chàng ở tuổi đang “xoan”: mê điện ảnh, nhạc nhẹ, picnic. Rảnh rỗi vẫn kéo bạn bè đi câu lạc bộ nhảy nhót. Không rượu, không thuốc lá; không bài bạc- bỏ mọi thói tập nhiễm không lành mạnh để chống lại bệnh tật và sự trì trệ là cái đích mà “Người sắt” muốn hướng tới không chỉ đối với riêng mình. Cuộc cách mạng công nghệ đưa năng suất và sản lượng than của Hà Lầm tăng vọt nhưng cũng buộc những người thợ hầm lò phải từ bỏ hẳn lối tư duy và phong cách làm việc thủ công. Bởi vì giờ đây trong lò là tàu điện monoray; băng tải tự động; thiết bị khoan xúc; giá thủy lực di động và hàng loạt hệ thống cơ giới hiện đại cùng lúc vận hành. Người thợ chỉ cần chểnh mảng, ăn bớt quy trình thao tác hoặc gây một sơ suất nhỏ, hiểm họa lập tức ập xuống đầu. Năm 2011, tổ của Thái đã có 6 trường hợp phải kỷ luật do vi phạm ATLĐ. Thái bảo: ” Đuổi một người mắc lỗi khỏi ca rất dễ nhưng cái cần hơn là phải tránh gây thêm áp lực cho cả tập thể đang làm việc giữa một môi trường vốn dĩ nhiều bất trắc. Bởi thế, càng căng thẳng, người chỉ huy càng phải biết sâu sát, bao dung”. ở tổ Nguyễn Trọng Thái, đi được một mét lò cơ bản là sự vật lộn đầm đìa của cả tập thể 40 con người suốt 8 giờ ròng rã. Nghệ thuật “hành binh” của Thái là nghệ thuật “dặm” người. Để làm được điều này, anh phải nhìn ra ngay thể trạng của mỗi đồng nghiệp và bổ lại vị trí một cách chính xác cho từng người trước khi tất cả xuống lò. “Dù anh là thợ bậc cao, thậm chí anh là nhóm trưởng nhưng nếu ca này, vào lúc này – anh có vẻ uể oải và sa sút, tôi nhất định rút anh ra khỏi bộ phận bắn mìn…” – Thái dứt khoát. Đó là nguyên tắc cực kỳ khe khắt của Nguyễn TrọngThái khi cầm quân. Cứ như thế: mạnh đỡ yếu; xốc vác thúc đẩy chậm chạp. Khí thế công việc cuốn nhau đi. Thái bảo: ” Lửa nhiều, củi tươi nào cũng phải cháy”.
Vượt lên năm tháng
Nghề thợ lò là một nghề nguy hiểm. Công bằng, nếu một người làm việc liên tục trong môi trường này, sau 20 năm đã đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu. Hiển nhiên, nếu như không ốm yếu, chẳng người đàn ông nào muốn cầm sổ “chờ tàu” khi tuổi đời mới ngoại bốn mươi. Nhưng để giữ được nhịp độ làm việc bình thường, phải có sức khỏe bền dai. Muốn sức khỏe bền dai, lại phải biết giữ gìn ngay từ khi đang còn trai tráng. Thái bảo: ” Thời hai mươi, rượu em tu cả chai không đỏ mặt. Mấy năm sau khi làm nhóm trưởng, phải “úp hũ” ngay. Vì rằng sợ không bảo được anh em. Thói thường, chỉ huy nghiện thứ gì, tất người dưới quyền noi theo thứ ấy. Mấy năm trước, cứ bữa ăn ca, nhiều anh em lại đưa rượu thủ sẵn từ nhà ra. Bây giờ thì chẳng ai làm thế nữa. Rượu, thuốc lá, bài bạc …Tất cả chỉ là do thói quen.” …Tôi hiểu điều Thái muốn nói: một thói quen uống rượu; một thói quen bài bạc, cẩu thả. Nếu tích lại sẽ thành ra vô vàn hệ lụy của đời người. Tôi bảo:” Nhưng bỏ rượu, bỏ sạch những thú quen không sợ tẻ nhạt sao?” Thái cười: ” Thiếu gì đâu, ra khỏi lò là câu lạc bộ mỏ, là sân thể thao. Ngày nghỉ, bọn em từng nhóm vẫn kéo nhau đi chơi xa. Năm nào mọi người cũng được đi du lịch nước ngoài. Không đi không chịu được. Khi mọi người đều sống vui thì công việc dù ngất trời vẫn thấy nhẹ băng. Hết ca là trời xanh mây trắng, là bao nhiêu đam mê chứ không phải là rượu hoặc những giấc ngủ vùi.” Với Thái, với tổ đào lò của anh, bí quyết vượt lên gian nan, sự đơn điệu, mòn mỏi của thời gian và năm tháng chính là niềm vui sống.
Tôi vẫn cảm thấy khó hình dung thời gian biểu của Thái như thế nào. Còn “chàng” thì hết sức thản nhiên: cũng như hôm nay thôi. Tuần này ca hai. 7h em ăn sáng xong. 7h30 kiểm tra cặp “anh mẫu giáo” 5 tuổi. Xong quay ra nhẩm tính kế hoạch hôm nay tổ sẽ làm gì. Tháng này, lương em tụt xuống 12 triệu đồng, bằng nửa mọi khi vì phải dồn hết khả năng xử lý một túi nước dò nên tốc độ đào chững hẳn. Trưa ăn sớm hơn để có thể ngả lưng một chút. 13h45 lên công trường. 12h đêm sẽ trở về nhà…
Ra thế, hèn chi cậu bị bà xã gọi là “đồ vô tích sự”. Thái lại cười vang: “Anh nhầm to. Chỉ có một đôi lần trót “gạ” trước nhưng vì sự cố lò, em về quá muộn, người bẩn như ma lem, lại oải quá nên “khất nợ” làm cô ta chưng hửng, hờn mát tí thôi. Chuyện hơi khó kể. Chỉ dám tiết lộ với bác, em vẫn oách phết, lên xuống -300 áo chỉ dính tí mồ hôi!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-doi-khong-de-ke-1729.htm” button=”Theo vinacomin”]