Dễ đến hơn 3 năm tôi mới trở lại công trường sàng tuyển của Xí nghiệp Chế biến Tiêu thụ than Hòn Gai (Công ty TNHH MTV than Hòn Gai). 3 năm – một quãng thời gian không được coi là dài nhưng cũng không ngắn, đủ để một phóng viên nữ như tôi có những cảm nhận riêng về sự đổi thay nơi đây.
Lần đầu tiên khi tôi có mặt trên công trường sàng tuyển than, tôi đã rất ấn tượng với sự hối hả nơi đây. Sự hối hả từ tiếng máy sàng, sự hối hả của những chuyến xe tải vào ra, sự hối hả của bóng áo xanh những người thợ, sự hối hả qua những trao đổi nhanh gấp gáp… Và lần này, sau 3 năm quay lại, sự hối hả vẫn là điểm chủ đạo gây ấn tượng mạnh với tôi.
Trong tiếng máy ồn ào, anh Trịnh Văn Thao – PGĐ kiêm Quản đốc Phân xưởng Sàng tuyển – cho biết, Phân xưởng hiện có 5 cụm sàng với công suất máy sàng khác nhau, dao động từ 170 tấn/giờ đến 90 tấn/giờ. Toàn bộ Phân xưởng có khoảng 250 CBCNV với nhiệm vụ tiếp nhận than nguyên khai, tổ chức khâu gia công chế biến chuẩn bị chân hàng phục vụ tiêu thụ. Sản lượng than tiêu thụ bình quân thực hiện 3.500 tấn một ngày. Qúa trình sản xuất tiến hành cùng với việc bảo tu, sửa chữa máy móc, thiết bị đảm bảo nhịp nhàng trong sản xuất.
Theo chân PGĐ Thao, chúng tôi đến với tổ sàng máy SR100 (còn gọi là Cụm sàng 4 hay Sàng 4) – đơn vị giành một cú đúp trong Hội nghị tôn vinh khen thưởng thợ lò, tổ đội xuất sắc của Công ty khi vừa được thưởng Các tổ đội đạt năng suất kỷ lục cấp công ty năm 2010 và vừa được thưởng Các tổ đội hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2010 vào dịp ngày Truyền thống công nhân vùng mỏ – Truyền thống ngành Than 12/11.
Tiếp chúng tôi trong một công ten nơ loại nhỏ rộng chừng 20m2 có trang bị điều hòa nhiệt độ mà anh chị em ở đây vẫn gọi vui là “ngôi nhà di động”, chị Đỗ Thị Cúc, tổ trưởng cho biết, cụm sàng của chị có 15 công nhân trong đó có 13 là nữ, được chia làm 3 ca làm việc một ngày. Trong mỗi ca làm việc gồm năm người thì mỗi người phụ trách một phần việc khác nhau, người phụ trách khâu vận hành chung của máy, hai hoặc ba người đứng bên phễu chọc máng và một người ở dưới nhặt than cục sô trên băng đá. Nghe thì có vẻ đơn giản thế nhưng thực tế mỗi người trong ca làm việc phải tập trung cao độ vào công việc của mình để các băng than luôn được vận hành trôi chảy.
Chị Cúc tâm sự, nghề của các chị rất vất vả. Trời mưa than ướt không sàng được còn trời nóng thì… ôi chao là vất vả. Nóng thiêu đốt, gió quất bụi ràn rạt. Hai, ba lớp khăn che mặt mà cũng chả ăn thua. “Tuy nhiên vất vả là nghề của than gio rồi nhà báo ạ”, câu nói chân thành, giản dị với nụ cười hồn hậu ấy làm chúng tôi hiểu một phần nguyên nhân thành công của cụm sàng của này.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về nguyên nhân thành công của cụm sàng này khi công suất máy ở đây còn thua các cụm sàng 1, 3 (công suất 110 tấn/giờ) và 5 (công suất 170 tấn/giờ), chị Cúc bảo, phần lớn là nhờ tinh thần làm việc của anh chị em nơi đây. Chia cắt việc nhanh chóng, bảo trì, bảo dưỡng máy tốt là những nguyên nhân tạo nên sự thành công của Cụm.
Ăn tự chọn: Ngon tuyệt
Tổ chức ăn tự chọn cho công nhân không phải là điểm mới đối với nhiều đơn vị trong Vinacomin nhưng với quy mô một Xí nghiệp thì còn khá mới mẻ. Và điều đặc biệt là nhà ăn của Xí nghiệp đặt tại Phân xưởng và do người của Phân xưởng quản lý.
Tại tổ phục vụ đời sống, trước mắt chúng tôi là không khí tất bật của khoảng chục chị em đang tất bật chuẩn bị cho trưa bắt đầu vào 11 giờ mỗi ngày. Người rửa rau, người gọt củ quả, người đang nêm nếm những món mặn… tất cả đều luôn chân, luôn tay, rất nhuần nhuyễn và gọn gàng.
Trong bếp, bên bếp lửa than hồng rực, chị cấp dưỡng đang nhanh tay đảo món thịt bò xào cần tỏi, bên cạnh, trong chiếc nồi gang cỡ đại, mùi gừng của món thịt gà kho tỏa ra thơm ngào ngạt. Chị cho biết, thực đơn hôm nay ngoài các món món rau củ luộc, thức ăn mặn gồm có thịt gà kho gừng, đậu phụ nhồi thịt và thịt bò xào cần tỏi… Nhìn những đôi tay đang thoăn thoắt chế biến, nghe mùi thức ăn vấn vít trong không gian, tôi đã mường tượng ra một bữa trưa ngon tuyệt.
Chị Đoàn Thị Minh Nguyệt, quản lý nhà ăn, cho biết, với đơn giá 27.000 đồng/suất (đối với cấp quản lý) và 29.000 đồng/suất (đối với công nhân), mỗi bữa ăn ở đây gồm 12 món, các chị phải căn ke, tìm mối mua thực phẩm tại gốc để sao cho thực phẩm tươi ngon, đảm bảo mà lại giá rẻ hơn so với thị trường. Để nguồn lương thực thực phẩm luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định, đơn vị đã ký kết hợp đồng với các đại lý thu mua rau củ, các cơ sở giết mổ và các cửa hàng thực phẩm tươi sống. Việc mua lương thực thực phẩm mỗi ngày được căn cứ vào thực đơn được lên vào mỗi tuần và căn cứ vào số lượng lao động thực tế trong mỗi ca làm việc được tổng hợp từ các tổ sản xuất để tránh dư thừa, lãng phí. Ngoài phục vụ các bữa ăn chính trong ba ca làm việc, riêng ca 3 còn có thêm bữa phụ vào giờ nghỉ giữa ca vào khoảng 2 giờ đến 3 giờ sáng gồm các món như phở, cháo, xôi, trứng vịt lộn… Thực đơn mỗi bữa ăn thường xuyên được thay đổi để người lao động luôn cảm thấy ngon miệng, cảm thấy mình được quan tâm chăm sóc ngay tại nơi làm việc. Đặc biệt, bếp ăn không sử dụng thức ăn chế biến sẵn bởi như thế sẽ không kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời giá thành đắt lên ảnh hưởng đến mỗi bữa ăn. Như việc mua gà thịt, các chị không mua gà đã làm sẵn ở chợ mà nhập nguyên con, tự giết mổ vì như thế sẽ tiết kiệm được bộ lòng để chế biến thêm một vài món ăn ngon cho người lao động. Hoặc khi trời nắng nóng, bao giờ cũng có món canh chua chua như ngao nấu chua, hà nấu chua hoặc bát canh cua mùng tơi để người lao động thấy ngon miệng hơn, dễ ăn hơn.
Cái nóng đầu hè gắt gao, nhìn rõ những đám bụi ở các cụm sàng tỏa lên. Những người thợ áo xanh ấy vẫn đang miệt mài lao động. Với họ, đó là những công việc thường nhật nhưng với chúng tôi, họ đã để lại những dấu ấn thật khó quên.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dau-an-tho-che-bien-than-1764.htm” button=”Theo vinacomin”]