Trọn đời ông giảng dạy và nghiên cứu khoa học về ngành Than. Ông có nhiều công trình khoa học có giá trị được ứng dụng trong các lĩnh công nghệ khai thác, áp lực mỏ hầm lò, tin học ứng dụng, bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ… tại vùng Quảng Ninh, ông cũng là Hội viên chi hội Nhà báo Tạp chí Vinacomin. Đó là GS.TSKH Lê Như Hùng, trường Đại học mỏ – Địa chất Hà Nội.
Là một tiến sĩ khoa học ngành khai thác Mỏ có đến 43 năm gắn bó, lăn lộn với ngành, GS. Lê Như Hùng dường như có mặt ở hầu hết các đường lò, mỏ than tại vùng Quảng Ninh. Ông sinh ra ở Hà Nội. Học xong phổ thông, năm 1964 ông thi vào Trường Đại học Bách Khoa, sau đó ông được cử sang Trung Quốc học. Đến năm 1966, Trung Quốc diễn ra Cách mạng Văn hóa, Lê Như Hùng về nước học tiếp 18 tháng nữa, rồi vừa học, vừa làm ở mỏ than Hà Lầm. Đúng lúc đó, khoa Mỏ Trường Đại học Bách Khoa tách ra thành Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Lê Như Hùng về Trường luôn. Lúc đầu ông không hề muốn ở lại Trường, mà nguyện vọng được đi công tác các nơi. Tại đây, ông làm rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học gắn với ngành nghề khai thác mỏ. Tiếp đó, sau 2 năm học tiếng Nga, năm 1977, Lê Như Hùng sang Nga làm nghiên cứu sinh. Nhiều đồng nghiệp kể rằng, khi ông vẽ bản vẽ kỹ thuật, các bạn Nga phải kinh ngạc vì những kiến thức thực tế của mình. Sau khi nhận bằng Phó tiến sĩ, ông cũng được đề nghị đi chuyển tiếp sinh sể làm bậc 2 luôn, nhưng đến năm 1987 mới được làm thực tập sinh bậc 2. Năm 1991 ông nhận bằng Tiến sĩ… Từ đó, ông làm Trưởng khoa Mỏ và cứ thế gắn bó với môn khoa học đất đá này đến ngày hôm nay.
GS.TSKH Lê Như Hùng thường tâm sự, ngành Mỏ là một ngành “xương xẩu”, nhưng nó cũng là một môn khoa học có sức hút đặc biệt đối với những người yêu thích nó, nhất là ở lĩnh vực Khai thác hầm lò rất vất vả và tiềm ẩn nguy hiểm. Hồi mới về trường, mỗi lần đi thực tế trong mỏ đều choáng váng, ù tai, đang đứng mà như mất trọng lượng, nhưng mà vẫn rất thích và say sưa nghiên cứu.
Khi được hỏi ông đánh giá thế nào về sự tiến bộ về khoa học công nghệ trong ngành Mỏ Việt Nam trong những năm gần đây? GS. TSKH Lê Như Hùng nhận xét, so với trước đây ngành Mỏ của ta có những bước tiến lớn, mạnh mẽ. Xét về thứ bậc trên thế giới, công nghệ của ta ở tầm trung, cũng tiến bộ nhiều. Việt Nam có quá nhiều công nghệ lạc hậu để lại từ trước, chống lò và khấu than toàn là thủ công. Mặt khác địa chất vùng Quảng Ninh khá phức tạp nên khó áp dụng công nghệ tiên tiến. Ví dụ như ở các nước, tùy điều kiện địa chất, một lò chợ cơ giới hóa đồng bộ của họ dài đến khoảng hơn 200m, thậm chí hơn có thể khai thác khoảng 1 triệu tấn than một năm, nhưng của mình cũng cơ giới hóa đồng bộ như Khe Chàm, Hồng Thái, Vàng Danh, hiện nay do điều kiện khó khăn nên chỉ đạt tối đa 200 ngàn tấn/năm đến 400 ngàn tấn/năm. Nhưng trong tương lai, nhiều vị trí vẫn áp dụng được. Đó là ở Quảng Ninh. Còn tiềm năng than của ta ở bể than Đồng bằng Sông Hồng lớn lắm. Với trình độ công nghệ như hiện nay, bằng kinh nghiệm và cách nhìn của mình, tôi cho rằng, bể than sông Hồng chắc chắn mình làm được. Cá nhân tôi thấy khả thi với điều kiện phải thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của khoa học và công nghệ. Đối với công nghệ khai thác dưới sâu, nếu chỉ khai thác với mức độ nhất định thì phần nứt nẻ bên trên sẽ bớt đi, không bị ảnh hưởng. Thông thường càng xuống sâu, càng gần tầng địa nhiệt, càng nóng. Nóng thì ta đặt điều hòa, có thể đặt trạm điều hòa trung tâm trên mặt đất, mọi yếu tố đã được tính toán. Ngoài ra, để khai thác phía dưới không ảnh hưởng đến cuộc sống phía trên, cần phải giữ những trụ than bảo vệ lớn và chắc chắn, tất nhiên làm như vậy sẽ giảm sản lượng khai thác, nhưng phần tổn thất tài nguyên bao giờ cũng phải có trong các công trình khai thác. Nói chung, về việc khai thác bể than sông Hồng, mọi người cứ hình dung sẽ có một công trường ngầm phía dưới, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống bên phía trên, có chăng chỉ có “lộ” ra một chút, đó là một diện tích nhỏ dùng làm mặt bằng công nghiệp. Thế giới cũng đã làm thế lâu rồi, ở Ucraina họ khai thác -900m là bình thường, rồi Trung Quốc v.v.
Với 54 công trình nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tế cho hiệu quả cao, GS.TSKH Lê Như Hùng có một bảng vàng thành tích: Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 1984; Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1985; Huy chương Vì sự nghiệp Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật năm 2001; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, năm 1996. Đặc biệt ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III năm 2004 và Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” năm 2008.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-suot-doi-gan-bo-voi-nganh-than-2068.htm” button=”Theo vinacomin”]