Từ tháng 5/2005, nghĩa là từ cách đây hơn 7 năm, Vinacomin đã phối hợp với Rame (Hiệp hội nghiên cứu mỏ và môi trường tại Việt Nam của CHLB Đức) thực hiện Chương trình hợp tác về môi trường.
Chương trình đã thực hiện một số công việc chủ yếu, gồm: đào tạo nâng cao năng lực quản lý môi trường cho cán bộ của Vinacomin; ổn định và phủ thảm thực vật bãi thải, thử nghiệm tại bãi thải Chính Bắc (mỏ Núi Béo); ứng dụng công nghệ đầm lầy sinh học để xử lý nước thải, thử nghiệm tại khu vực Tràng Khê (huyện Đông Triều, Quảng Ninh); giảm thiểu bụi từ khai thác mỏ, thử nghiệm tại mỏ Núi Béo; phương pháp quy hoạch sử dụng đất sau khai thác mỏ thân thiện với môi trường, thử nghiệm với vùng Hòn Gai.
Đào tạo nâng cao năng lực quản lý môi trường cho các học viên là cán bộ quản lý và các kỹ sư trực tiếp làm công tác môi trường của Vinacomin được Vinacomin và Rame xác định là dự án trọng điểm và triển khai ngay từ khi bắt đầu, kéo dài suốt quá trình thực hiện chương trình. Từ năm 2005 – 2011, đã tổ chức 19 khóa đào tạo về quản lý môi trường, công nghệ ổn định bãi thải, công nghệ phủ xanh bãi thải, công nghệ xử lý nước thải, cơ sở dữ liệu môi trường cho 176 học viên (năm nay dự kiến tổ chức 1 khóa đào tạo về quy hoạch sử dụng đất sau khai thác mỏ cho 10 học viên); tổ chức 9 đợt khảo sát tại Đức cho 80 người với mục tiêu tìm hiểu và học tập kinh nghiệm bảo vệ môi trường trong ngành mỏ của CHLB Đức (năm nay dự kiến tiếp một đợt cho 10 người, tìm hiểu về quy hoạch sử dụng đất sau khai thác mỏ thân thiện với môi trường); cử 3 cán bộ làm công tác môi trường của Vinacomin đi đào tạo sau đại học tại Đức, họ đã tốt nghiệp.
Dự án ổn định và phủ thảm thực vật bãi thải; về ổn định bãi thải, Vinacomin và Rame đã lắp đặt 4 thẩm kế để xác định mức độ thẩm thấu nước qua các lớp đất đá bãi thải, đào hào thăm dò tìm hiểu mật độ và phân bố các lớp đất đá thải, tiến hành thí nghiệm về lực trượt của đất đá; đổ thải thử nghiệm theo lớp, gồm 4 lớp, mỗi lớp dày 4m với tổng khối lượng đất đá 312000m3 để đánh giá mức độ đầm nén của đất đá thải và sự ảnh hưởng ổn định đến bãi thải; quan trắc dịch động, toàn bộ khu vực bãi thải Chính Bắc và khu vực đổ thải thử nghiệm, ngoài ra, Rame còn thực hiện quét bằng laser để theo dõi sự biến dạng của các tầng thải; quan trắc nước mặt, tại 23 điểm, phân tích 33 chỉ tiêu với tần suất quan trắc 1 tháng 1 lần; thăm dò địa chất công trình – thủy văn bãi thải, khoan 3 lỗ khoan thăm dò địa chất công trình – địa chất thủy văn với tổng chiều sâu 465m, đào 10 hào thăm dò với tổng khối lượng 500m3. Hiện Vinacomin và Rame đang phối hợp phân tích các số liệu đã thu thập được nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố địa chất công trình – địa chất thủy văn cũng như hiệu quả đổ thải thử nghiệm đối với ổn định bãi thải.
Về phủ xanh bãi thải, Vinacomin và Rame tiến hành nhiều chuyến khảo sát, thu thập dữ liệu về đất đá thải, các loại thực vật bản địa sinh trưởng trên bãi thải, phương pháp và cách thức trồng, chăm sóc cây tại các công ty than Núi Béo, Hà Tu, Đèo Nai từ năm 2006. Đầu năm 2008, Rame lắp đặt 1 trạm khí tượng trên đỉnh bãi thải Chính Bắc nhằm thu thập các số liệu về khí tượng như bức xạ, lượng mưa, tốc độ gió, hướng gió trong khu vực. Tháng 3/2009, Rame tiến hành trồng thử nghiệm các loại cây trên mặt và sườn bãi thải Chính Bắc, lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tình trạng thổ nhưỡng trong từng ô trồng thử nghiệm và thường xuyên đo đạc, đánh giá mức độ sinh trưởng của cây, phân tích mẫu đất và mẫu thực vật nhằm biết được những thay đổi thổ nhưỡng và thực vật. Hiện dự án đã kết thúc, Rame đang hoàn tất báo cáo kết quả cuối cùng.
Về quản lý nước thải, áp dụng tại mỏ Vàng Danh, Vinacomin và Rame tiến hành nhiều chuyến khảo sát, thu thập dữ liệu về chất lượng, lưu lượng nước thải các cửa lò, khu vực mặt bằng của mỏ. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, Rame đã nghiên cứu, xây dựng modul xử lý nước thải quy mô phòng thí nghiệm, tiến hành lấy mẫu và thử nghiệm trên modul; từ các dữ liệu thu được qua thử nghiệm, Rame đề xuất thiết kế cơ sở và phối hợp với Vinacomin lập thiết kế kỹ thuật trạm xử lý nước thải Vàng Danh, công suất giai đoạn I là 800m3/h. Hiện trạm xử lý nước thải Vàng Danh đã cơ bản hoàn thành, chạy thử vào cuối tháng 6/2012 (đầu tư hết 68 tỷ VND).
Về ứng dụng công nghệ đầm lầy sinh học để xử lý nước thải, Rame và Vinacomin khảo sát, lựa chọn địa điểm tại chân bãi thải Lộ vỉa 1B khu vực Tràng Khê, lấy mẫu phân tích chất lượng nước. Trên cơ sở kết quả phân tích chất lượng nước và điều kiện địa hình chân bãi thải Lộ vỉa 1B, hai đơn vị đã xây dựng đầm lầy sinh học thử nghiệm xử lý nước thải với công suất 4,4m3/h, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2009 (hết 3,1 tỷ VND). Nước sau khi qua đầm lầy được lấy mẫu phân tích định kỳ, kết quả cho thấy chất lượng nước đạt tiêu chuẩn môi trường.
Về giảm thiểu bụi từ khai thác mỏ, dự án được khởi động từ tháng 3/2010. Rame đã lắp đặt 5 trạm quan trắc bụi tự động, kết hợp với thiết bị di động quan trắc bụi tại bãi thải, khai trường, đường vận chuyển, khu vực sàng tuyển, khu vực bốc xúc than và đất đá thải. Việc quan trắc bụi đang tiếp tục thực hiện. Năm nay Rame dự kiến tiến hành thử nghiệm một số biện pháp giảm thiểu bụi tại khu vực sàng tuyển của Công ty than Núi Béo. Dự án tiếp tục đến tháng 2/2013.
Về phương pháp quy hoạch sử dụng đất sau khai thác mỏ thân thiện với môi trường, dự án này được chính phủ Đức phê duyệt thực hiện từ 2011 – 2013, bắt đầu từ tháng 9/2011. Vinacomin và Rame đã có các cuộc họp nhằm xác định nội dung và các bước cần thiết để triển khai dự án; phía Rame đã tổ chức 2 chuyến khảo sát; Vinacomin đang thu thập và cung cấp các tài liệu cơ sở. Trên cơ sở các tài liệu đó, Rame sẽ nghiên cứu và tiến hành khảo sát thực địa chi tiết để thử nghiệm lập quy hoạch sử dụng đất sau khai thác mỏ thân thiện với môi trường cho vùng Hòn Gai. Dự án sẽ tiếp tục đến năm 2014.
Chương trình hợp tác Vinacomin – Rame về môi trường đem đến nhiều kinh nghiệm quý cho các cán bộ quản lý và các kỹ sư trực tiếp làm công tác môi trường của Vinacomin. Chẳng hạn, trước khi thiết kế công trình môi trường, cần tiến hành điều tra, khảo sát tỉ mỉ, thu thập đầy đủ dữ liệu phục vụ cho việc thiết kế để đỡ mất thời gian phải sửa chữa nhiều lần. Khi thiết kế công trình môi trường, cần thực hiện một cách khoa học, tổng thể, tính toán bằng lý thuyết, chứng minh bằng thí nghiệm (nếu cần phải có thử nghiệm quy mô nhỏ) để đảm bảo chắc chắn công trình đạt được các thông số kỹ thuật yêu cầu. Các kiến thức, kinh nghiệm thu được trong quá trình hợp tác là rất quý giá, tuy nhiên, cần phải vận dụng một cách thông minh vào điều kiện cụ thể, không dập khuôn, bắt chước v.v. Và đặc biệt, cái được lớn của Chương trình này là nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật làm công tác môi trường của Vinacomin đã được nâng cao một bước; tư duy và phương pháp làm việc đã có sự thay đổi theo hướng khoa học, chiến lược hơn; đồng thời Chương trình đã tạo cơ hội cho họ tiếp nhận và nắm bắt được một số công nghệ, kinh nghiệm xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường tiên tiến của Đức khi tham gia các dự án xử lý, bảo vệ môi trường trong Vinacomin sau này.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cai-duoc-lon-tu-mot-chuong-trinh-hop-tac-2227.htm” button=”Theo vinacomin”]