Tôi lặng người đi khi nghe lời điếu văn của ông Khu trưởng khu phố 1 Phường Hồng Gai trong lễ tiễn đưa di cốt của LS Phạm Hùng Phong của khu 1 Phường Hồng Gai TP Hạ Long về Nghĩa trang liệt sỹ Hà Tu: “Anh Phong ơi! Gốc đa trước của nhà tù (của thực dân Pháp), trên đường đi về từ Nhà máy cơ khí Hòn Gai còn đó. Bến phà Hồng Gai, dấu tích xưa còn đó. Gốc nhãn trước hiên nhà ta ở vẫn còn đây, nó lưu giữ những kỷ niệm thời thơ ấu của anh nay đã thành cổ thụ trường xuân, mãi mãi ghi lại hình bóng
Gia đình nhà tôi ở con ngõ dốc ngược này có lẽ từ khi bố tôi là thợ tiện của Nhà máy chính Hongay từ thời Pháp còn đóng quân ở Hongay. Anh em chúng tôi đã quen với con dốc ngược này cho đến tận bây giờ, chỉ có khác là đã được đổ bê tông và nhà nhà xây bậc lên xuống. Anh Phong lớn lên là học sinh của Trường cấp 3 Hồng Gai (nay là Trường THPT chuyên ban Hồng Gai), đi học nghề rồi là công nhân thợ gò của Nhà máy cơ khí Hòn Gai. Tiếng máy bay Mỹ gầm rú vào ngày 5/8/1964 khi chúng bắn phá Căn cứ 1 Hải quân ngay cạnh bến phà là dấu ấn chiến tranh đầu tiên của anh em tôi. Những tràng súng kiên cường bắn trả máy bay Mỹ từ các tàu Hải quân đã gieo vào lòng anh em chúng tôi một thôi thúc, phải cầm súng bảo vệ tổ quốc. Ngày 30/7/1967 anh Phong được lên đường trong đội hình Binh đoàn Than tăng cường cho Miền Nam. Chuyến phà đưa anh tôi về đơn vị chưa cập bến. Mẹ tôi thương anh, chỉ biết khóc mà không đủ can đảm bước xuống bậc của con ngõ dốc, tiễn con. Cha tôi không nói mà chỉ nhìn đứa con trai đầu lên đường đánh giặc, mong có ngày con trở về lại là người thợ giỏi của Nhà máy. Bà cô ruột của anh em chúng tôi, cầm chặt tay anh Phong cho đến lúc anh lên phà. Trời Hồng Gai hôm ấy đầy mây giông của một cơn mưa mùa hạ. Con phà rời bến. Có lẽ hình ảnh người cha già và người cô ruột bật khóc là hình ảnh cuối cùng đọng lại trong anh tôi khi rời Hồng Gai. Bởi vì, sau này gia đình chỉ còn giữ được ba lá thư trong đó lá thư cuối cùng đề ngày 19/2/1968 của anh Phong viết từ Quảng Trị. Nhà của gia đình tôi đã bị bom Mỹ phá huỷ. Đây là kỷ vật duy nhất, được gia đình tôi đặt trân trọng trên bàn thờ anh.
Hồi đó, Nhà máy cơ khí Hòn Gai bị máy bay Mỹ bắn phá, nhiều máy móc phải đưa đi sơ tán. Ông Bưởi – tên thường gọi của cha tôi- người thợ tiện già tài hoa và cả tôi, được nhà máy phân công ở lại trông coi. Rồi một ngày có người quen cha tôi, vừa từ chiến trường Miền Nam ra, báo tin anh Phong của chúng tôi đã hy sinh. Cũng không biết anh hy sinh ở đâu, vì tin này cũng do một đồng đội của anh tôi, điều trị ở một trạm y tế tiền phương, nói lại. Nhưng gia đình tôi vẫn được chị Đạt – người của Thị đội Hồng Gai- tháng tháng đưa tiền phụ cấp cho gia đình tôi- có người đi B- ngay tại căn hầm của Công ty than Hòn Gai. Cha tôi quyết định phải hỏi Thị đội Hồng Gai. Vào một ngày tháng7/1972, tại căn hầm của Công ty than Hòn Gai ở phố Hàng Than bây giờ, khi một sĩ quan của Thị đội Hồng Gai trao tờ giấy báo tử liệt sỹ Phạm Hùng Phong hy sinh ngày 18/2/1969 tại chiến trường Miền Nam, chỉ có bố tôi, tôi và chị Đạt. “Lễ truy điệu” anh tôi đơn giản: không cờ, không bàn thờ Tổ quốc, không bản nhạc Chiêu hồn tử sĩ. Gia đình nhận thêm một lá thư chia buồn của Tỉnh Đội Quảng Ninh, một tút thuốc lá Điện Biên và mấy gói chè ngon. Chiến tranh là thế. Gia đình tôi rất hiểu hoàn cảnh đất nước ta ngày ấy, chấp nhận hết, chỉ đau đáu, mong ngóng nghe tin chính thức về nơi yên nghỉ của anh tôi.
Sau năm 1975, có hai người lính Binh đoàn Than trở về Nhà máy cơ khí Hòn Gai. Thông tin từ hai anh chỉ là liệt sỹ Phong hy sinh vào ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tại một trảng rừng ở Tây Ninh, trong một lần giáp chiến với biệt kích Mỹ. Từ đó gia đình tôi biết chính xác ngày giỗ của anh tôi. Nỗi băn khoăn, khắc khoải của mẹ tôi, rồi bố tôi và cuối cùng là cô tôi về cõi vĩnh hằng mà không nhìn thấy dù là hài cốt của anh. Còn tôi vẫn nằm mơ thấy anh Phong tôi về nhà mà không nói với ai điều gì. Bẵng đi một thời gian rất dài gần 40 năm (1972-2011), tưởng chừng nguyện vọng tha thiết của gia đình tôi là tìm lại hài cốt của anh tôi đã rơi vào quên lãng, thì vào một ngày chờ lĩnh lương hưu trước Tết Kỷ Mão 2011, cũng tình cờ nói chuyện với người đồng đội của anh tôi ở Binh đoàn Than lành lặn trở về Nhà máy, ông chợt nhớ ra: Anh Phong của chúng tôi hy sinh tại một cánh rừng bên bờ con suối Rây tỉnh Tây Ninh. Ngay đêm đó, con trai tôi lên mạng, tra cứu trên bản đồ toàn quốc đã biết được: Suối Rây nằm ở huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh. Rồi cũng lại tình cờ, tôi nói chuyện với một người bạn mới quen. Anh nhận lời ngay, gọi điện cho một người trong gia đình đang sống ở Tây Ninh đi tìm hộ ở Nghĩa trang LS Tân Châu có mộ LS Phạm Hùng Phong không. Cũng chỉ vài ngày sau, có điện từ Tây Ninh ra báo tin, Tân Châu không có nghĩa trang LS. Ông đã đi tìm tiếp tại huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, Sở LĐ-TB-XH Tây Ninh… không có tên LS Phạm Hùng Phong. Đến đây lại phải cảm ơn công nghệ thông tin đã cung cấp những trang mạng làm từ thiện. Con tôi, tức cháu bác Phong, vào 3 giờ đêm một ngày sau đó, cháu đã tìm thấy thông tin về người bác ruột của mình có tên trên trang mạng địa chỉ Nguyễn Sỹ Hồ, người Hà Tĩnh, hiện đang sống ở Bình Dương: có hai liệt sỹ Quảng Ninh ở nghĩa trang huyện Tân Biên. Gia đình xin giấy giới thiệu của Phòng LĐ-TB-XH Hạ Long gửi vào Tây Ninh để ông Chân- người anh em của bạn tôi ở Tây Ninh – được vào các nghĩa trang tìm kiếm. Lần thứ nhất không vào được, vì nghĩa trang nằm trong khu quân sự, đang diễn tập. Lần thứ hai gia đình nhận được điện thoại, đã tìm thấy mộ liệt sỹ Phạm Hùng Phong quê quán chỉ ghi Vụng Đâng. Thế là, ông lại phải cất công đi hàng trăm km đến trụ sở Quân Khu 7. Một vị tướng đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ tìm hồ sơ của Quân Khu, xác nhận Hồng Gai Quảng Ninh có hai liệt sỹ, trong đó ghi đầy đủ liệt sỹ Phạm Hùng Phong quê quán Vụng Đâng- Hồng Gai-Quảng Ninh. Cầm tờ xác nhận của Quân Khu, đến Ban quản lý Nghĩa Trang liệt sỹ Tân Biên, mừng mừng, tủi tủi nghĩ đến ngày được đón anh về. Thế nhưng, gia đình còn phải trải qua rất nhiều lần đi lại xin giấy tờ, thủ tục biết bao phức tạp. Đó là chưa kể, suốt mấy tháng trời, biết bao công sức của ông Chân, một người chỉ là cùng quê Miền Bắc, bao lần đi đi về về giữa các cơ quan ở Tây Ninh, gia đình tôi mới đủ thủ tục hành chính của các cơ quan hữu trách cho phép đón di hài anh tôi về Hạ Long.
Ngày 17/3 Âm lịch 2011, bốc mộ. Ngày 19/3 về đến Hà Nội. Ngày 20 về đến Hạ Long. Gia đình để hài cốt anh tôi lưu lại cùng họ hàng một ngày để ngày 21/3 là ngày giỗ của mẹ tôi, để anh tôi lần đầu tiên được chứng kiến ngày giỗ mẹ vì anh đã ra đi trước mẹ 30 năm. Lễ tiễn anh tôi về Nghĩa trang liệt sỹ Hà Tu có đủ cô bác, họ hàng, làng xóm và bao đồng đội. Còn tôi, viết những dòng này để nhớ về một thời khi anh Phong nhập ngũ, cùng những người công nhân mỏ trong Binh đoàn Than đã lên đường chống Mỹ, góp phần giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ Quốc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/don-anh-ve-trong-long-dat-me-ha-long-2283.htm” button=”Theo vinacomin”]