Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, phẩm chất cách mạng anh hùng, bất khuất, thông minh, trí tuệ đã hình thành rất sớm trong Nguyễn Văn Cừ từ tuổi thiếu niên. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, khi còn đang học ở trường Bưởi. Trước khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã có những
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Ngày 18 tháng 2, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhận được chỉ thị chuẩn bị thành lập tổ chức Đảng cộng sản đầu tiên tại khu mỏ. Chỉ sau đó ít ngày, tại căn nhà nhỏ đơn sơ hẻo lánh, cạnh xóm thợ phía Nam của Mỏ Mạo Khê đã diễn ra lễ kết nạp đảng viên và chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ giới thiệu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thay mặt Đảng công nhận 5 đồng chí: Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Nguyễn Huy Sán, Bùi Đức Giao, Bùi Văn Mạo vào Đảng, đồng chí Đặng Châu Tuệ được bầu làm bí thư chi bộ. Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930 đã quyết định thành lập các Đặc khu, trong đó có Đặc khu Đồng Triều – Hòn Gai – Cẩm Phả, đồng chí tiếp tục chỉ đạo thành lập Đảng bộ Đặc khu mỏ trực thuộc Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Tháng 3 năm 1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trong khoảng thời gian 2 năm (1938 – 1940), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, Đảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh cách mạng đòi dân sinh, dân chủ sục sôi trong cả nước. Chính những năm tháng là công nhân mỏ, hoạt động trong phong trào công nhân đã phần nào giúp đồng chí tự học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn từ những bài học thành công và thất bại; từ đó tổng kết, khái quát thành lý luận; lấy lý luận soi rọi vào thực tiễn; tạo nên phương pháp cách mạng rất sát hợp với cách mạng Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn là người thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong cuộc đời hoạt động, để tuyên truyền, vận động cách mạng, tập hợp lực lượng, đồng chí đã viết tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương” và tác phẩm “Tự chỉ trích”; các tác phẩm này chính là tài liệu giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, là vũ khí tự phê bình và phê bình, chống lại chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội dưới mọi mầu sắc. Đặc biệt, tác phẩm “Tự chỉ trích” đã đóng góp rất quan trọng vào công tác xây dựng Đảng cả về chính trị tư tưởng và tổ chức; rất phù hợp với dịp toàn Đảng ta đang tiến hành triển khai thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, tự hào là nơi đồng chí đã từng làm việc và hoạt động cách mạng, thời gian vừa qua, Đảng bộ Công ty TNHH Than Mạo Khê đã có những hoạt động thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị; tham gia hội thảo về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; tổ chức hội nghị báo cáo viên và tuyên truyền về quá trình tham gia cách mạng của đồng chí, đặc biệt là thời kỳ gắn bó với công nhân mỏ, với ngành Than. Đúng vào ngày 9 tháng 7 năm 2012, lễ dâng hương tưởng niệm đã diễn ra tại tượng đài của đồng chí ở Mạo Khê, với những hoạt động văn hoá, văn nghệ thiết thực; tất cả để chúng ta cùng nhớ đến “Đồng chí Nguyễn Văn Cừ – người công nhân vùng mỏ”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dong-chi-nguyen-van-cu-nguoi-cong-nhan-vung-mo-2285.htm” button=”Theo vinacomin”]