Một ngành nghề, một doanh nghiệp không thể cái gì cũng làm được mà cần huy động được mọi nguồn lực xã hội. Đó chính là một xu thế tất yếu. Và hiện nay Vinacomin đang dịch chuyển theo hướng đó.
Kế đó, trong vài năm tới, một số đơn vị sẽ chuyển từ việc vận chuyển đất đá bằng ô tô sang hình thức băng tải và chủ trương của Tập đoàn cũng sẽ huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các tuyến băng tải này. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, sau đó mời các doanh nghiệp tư nhân vào đấu thầu để xây lắp, vận hành các tuyến băng tải theo đơn giá vận chuyển. Đó là việc, tới đây, hai tuyến băng tải đá lớn với suất đầu tư trên dưới 2.000 tỷ đồng/dây chuyền của Công ty than Cao Sơn và Công ty than Đèo Nai để vận chuyển đất đá cũng sẽ được Tập đoàn chỉ đạo đấu thầu theo hình thức trên. 2 tuyến băng tải này dài 5km chở đất đá ở mỏ Đèo Nai và mỏ Cao Sơn với sản lượng khoảng 50 triệu tấn/năm. Hiện mỗi dự án đã thu hút trên, dưới 10 công ty tư nhân đến đăng ký tham gia đấu thầu. Qua tính toán, việc huy động các nguồn lực xã hội vào các dự án tiết kiệm được khoảng 15% chi phí sản xuất. Chủ trương của Tập đoàn tới đây sẽ huy động các nguồn lực xã hội vào các phần phụ trợ bao gồm vận chuyển, bốc xúc đất đá, các công trình ngoài hầm lò…
Thời gian qua, việc Vinacomin mở thầu cho tư nhân làm tuyến băng tải cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê có thể khẳng định là một thành công. Tuyến băng tải xã hội hóa đầu tiên này dài 4 km từ kho than nhà sàng tuyển Mạo Khê tới Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê. Qua tính toán, giá khoán vận chuyển là 20.700 đồng/tấn, nhưng Công ty Cơ khí Yên Thọ – một đơn vị tư nhân ở Quảng Ninh đã thắng thầu với giá chỉ có 16.200 đồng/tấn. Như vậy, Vinacomin đã tiết kiệm được 20% chi phí, trong khi đó lại không phải tuyển dụng, đào tạo lao động, nhà máy lại được công ty thắng thầu đảm bảo vận hành trong thời gian 25 năm.
Đối với các mỏ hầm lò, hiện nay đa phần các mỏ đã phải khai thác xuống sâu, nhiều mỏ đã xuống khai thác ở mức âm 300m so với mặt nước biển. Các giếng hầm lò Núi Béo, Hà Lầm đang đào dưới âm 300m và chiều sâu của giếng khoảng 400m. Riêng mỏ Khe Chàm II-IV chuẩn bị khởi công vào cuối năm nay, giếng sẽ có chiều sâu trên 580m. Nhiều mỏ được tư vấn thiết kế còn sâu hơn. Mỏ hầm lò càng xuống sâu, đầu tư càng lớn, đồng nghĩa với giá thành khai thác than ngày càng cao, suất đầu tư lớn, nếu không huy động các nguồn lực xã hội, Tập đoàn sẽ không đủ vốn để xây dựng mỏ. Ngay cả việc chỉ thu xếp các khoản vốn đối ứng để vay cũng đã khó khăn.
Theo nhu cầu của nền kinh tế và cũng là nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Tập đoàn đến năm 2015 phải sản xuất 55 triệu tấn than, năm 2020 là 60 triệu tấn và sau năm 2020, nhu cầu có thể lên đến hàng trăm triệu tấn. Nhưng để có 55- 60 triệu tấn than, giai đoạn 2015- 2020, Tập đoàn cần phải đầu tư xây dựng nhiều mỏ hầm lò mới với lượng vốn lên đến 40.000 tỷ đồng/năm. Để vay được lượng vốn trên, Tập đoàn phải có ít nhất 20% vốn chủ sở hữu, tương đương 8.000 tỷ đồng. Đây là một bài toán khó, nhất là trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Do vậy, huy động các nguồn lực xã hội có lẽ là con đường đi phù hợp nhất với Tập đoàn hiện nay, và cũng là một xu thế tất yếu trong nền kinh tế hội nhập.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/huy-dong-cac-nguon-luc-xa-hoi-xu-the-tat-yeu-2443.htm” button=”Theo vinacomin”]