Là một người làm công tác tuyên giáo, sinh sống tại Quảng Ninh, tôi đã nhiều lần đi tuyên truyền về chủ quyền biên giới, biển đảo, nhưng chưa một lần được ra Cô Tô, hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Lần này được ra thăm đảo cùng đoàn thanh niên các đơn vị cảm nhận thật nhiều thú vị về nhân dân trên hòn đảo giàu truyền thống này.
Đúng 6 giờ, chuyến tàu cao tốc chở đầy những bóng áo xanh xuất phát hướng ra biển, một lúc sau mặt trời mới nhô khỏi đỉnh núi xa xa. Cảnh bình minh trên mặt vịnh thật huyền ảo. Có ngồi trên tàu lúc này mới hiểu hết hình ảnh trong câu hát “thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng…”. Một bác đã luống tuổi, mang theo một cái máy ảnh với ống kính dài, say sưa nheo nheo ngắm ngắm. Có lẽ bác đang thả hồn với những cảnh đẹp lung linh, muốn thu tất cả vào ống kính những chân thực của thiên nhiên, của đất nước. Hơn 1 tiếng đầu, tàu lướt êm trong vịnh Bái Tử Long với những núi đá nhấp nhô, kỳ thú, người ta bảo đó là những chú rồng con đang đón rồng mẹ từ trên trời bay xuống. Một bạn gái trẻ nhất đoàn, ngồi sau ghế của tôi bỗng thốt lên với người bạn trai: “anh ơi, nhìn kìa, thích quá”. Nhìn theo tay cô gái tôi thấy một đảo đá với những rặng cây xanh mướt, ẩn hiện trong đó là một cửa hang nhỏ, phía dưới là một viền cát trắng, rạng lên dưới ánh mặt trời, xung quanh có một số đảo nhỏ quây thành như một hồ bơi; có lẽ đôi bạn trẻ đó đang mơ mộng được một kỳ nghỉ tuyệt vời trên hòn đảo này.
Đang say sưa với những suy nghĩ, bỗng nhiên tôi thấy tàu lắc lư mạnh. A! cửa Đối đây rồi. Những con sóng như muốn nhấc con tàu lên khỏi mặt nước, hoá ra biển có lúc rất dịu êm nhưng cũng có lúc rất dữ dội; có lẽ đã nhìn thấy sự mênh mông không bến bờ của biển, những con sóng ầm ào gào thét rồi tan vụn ra nên một người con gái đã thốt lên “đừng ví em là biển, em chỉ là em thôi”. Thêm gần 1 tiếng đồng hồ với bốn bề là biển, tàu chúng tôi cập bến Cô Tô, một bến cảng chạy dài với rất nhiều tàu, thuyền đi và đến. Đón chúng tôi tại cảng, anh Hoàng Văn Thắng, Bí thư huyện Đoàn Cô Tô hồ hởi nói: “đây là đoàn thứ 5 thanh niên ngành Than – Khoáng sản đến với Cô Tô. Ngày mai có thêm một đoàn của Công ty Than Hòn Gai. Tính đến hôm nay, lượng khách đến với Cô Tô năm 2012 đã gấp 5 lần so với cả năm 2011. Ngành Than Khoáng sản đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của huyện đảo, bà con trên đảo vẫn nhớ và nhắc đến nhiều”.
Điểm đến đầu tiên của cả đoàn là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Bác dừng chân nói chuyện với đồng bào Cô Tô trong lần đầu tiên ra thăm đảo. Nhớ Bác, kính trọng Bác, nhân dân Cô Tô đã đề nghị được dựng tượng Bác. Với tấm lòng của mình đối với vùng đảo thiêng liêng, nơi địa đầu của Tổ quốc, với những người dân đang bám đảo, bám biển, bảo vệ chủ quyền của đất nước, Bác đã đồng ý, và đây là bức tượng Bác đầu tiên được dựng khi Bác còn sống. Bác đứng đó, hướng nhìn ra biển, như nói với mọi người: “đây là biển đảo, chủ quyền của Việt Nam, chúng ta phải giữ lấy”. Phía trước tượng đài là Bãi biển Bác Hồ, rất dài và sạch, được viền bằng một dải phi lao xanh, một con đường gạch chạy dọc theo biển, rất nhiều người đã chọn nơi này để đi dạo và ngắm cảnh hoàng hôn trên biển.
Sau khi dâng hương và báo công với Bác, đoàn chúng tôi toả về các nhà dân, thực hiện “3 cùng: cùng ở, cùng ăn, cùng sinh hoạt với nhân dân”. Cô Tô mới phát triển, kinh tế còn khó khăn, chưa có nhiều nhà nghỉ, khách sạn cho các du khách đến với đảo; đây chính là một nét trong ý tưởng phát triển du lịch của huyện đảo, và cũng là một nội dung trong “hành trình biển đảo quê hương” của thanh niên, sẽ thu hút được nhiều khách, có thêm thu nhập, thêm việc làm, cải thiện được cả đời sống vật chất, tinh thần, kiến thức cho người dân, thông qua giao lưu, trao đổi. Tất cả đoàn được bố trí ở thôn Hải Tiến, cách trung tâm huyện khoảng 4 cây số. Anh Bốn, trưởng thôn nhận nhiệm vụ “phân phối” về các gia đình, anh bảo, phải cố gắng công bằng, có những nhà không có người đến ở, rất thắc mắc, ai cũng rất quí và muốn anh em đến ở. Tôi được ở trong gia đình anh Đậm, chị Thu. Anh Đậm người Quỳnh Côi, Thái Bình, chị Thu người Kiến An, Hải Phòng. Anh chị cùng ra lập nghiệp tại Cô Tô từ năm 1979 và cùng nhau xây dựng gia đình tại đây. Anh làm ngư nghiệp, còn chị làm nông nghiệp. Tâm sự với chúng tôi anh nói: “trước đây cuộc sống vất vả lắm, nhưng gần đây được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, người dân trong đất liền ra thăm đảo ngày càng đông, nên đời sống của bà con trên đảo khá hơn trước rất nhiều, không còn nhà tranh tre dột nát, đảo đã có đầy đủ bệnh viện, trường học các cấp, nhiều nhà như nhà tôi đây đã xây được nhà 2 tầng”. Tôi sang nhà chị Trình gần đó chơi. Thấy chúng tôi, chị nói: “mấy anh em ở nhà chơi nhé, tôi phải tranh thủ đi cấy, còn mấy sào nữa”. Thấy thế, mấy anh vốn quê ở Thái Bình, Hải Dương đề xuất “cho bọn em đi cấy với”. Thế là ngay chiều hôm đó, toàn bộ ruộng của nhà chị đã được cấy xong.
Nắng đã dịu, cả đoàn tập hợp sinh hoạt tập thể tại bãi biển, công việc đầu tiên là vệ sinh môi trường, nhặt rác làm sạch bờ biển, tiếp đến là thi kéo co giữa các đoàn, tiếng hò reo vang rộn cả bờ biển. Tuổi trẻ Than Khe Chàm, với những chàng thợ mỏ lực lưỡng đã giành giải nhất, sau đó là đá bóng và chơi bóng chuyền bãi biển, cuối cùng tất cả oà xuống, tắm mình trong làn nước biển trong xanh. Bữa cơm tối ở những nhà dân thật đầm ấm. Chị Thu vừa sắp mâm vừa mời chúng tôi: “đây là thịt gà của nhà nuôi, đây là cá của anh ấy mới đi biển về hôm qua, còn đây là canh cua đồng, trời nắng nó ‘ngôm” lên nhiều ở ruộng, rau nhà trồng được, thêm một tí cay cay nữa nhé”. Tất cả cười vui, một bữa ăn ngon thực sự đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tám giờ tối, tất cả các đoàn có mặt đông đủ tại sân tượng đài Bác để tham gia chương trình giao lưu. Đoàn thanh niên các đơn vị vùng Quảng Ninh có vẻ “áp đảo” về số lượng, lại có nhiều giọng hát đã thành danh trong các hội diễn của Tập đoàn, nhưng cũng thật ngạc nhiên trước sự say mê, nhiệt huyết của các bạn sinh viên Trường đại học Công đoàn. Những ca khúc ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi biển đảo, Quảng Ninh, những hành khúc của tuổi trẻ vang lên, hoà cùng tiếng cổ vũ của hàng trăm người dân trên đảo. Giữa chương trình là phần quyên góp giúp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, với sự giới thiệu của huyện Đoàn, Đoàn Than Quảng Ninh đã trao 10 suất quà cho 10 em nhỏ đang sinh sống trên xã đảo Thanh Lân, hàng ngày phải đi thuyền sang trung tâm huyện để học. Tôi vinh dự được anh em thanh niên mời lên trao tặng, những gương mặt còn non trẻ nhưng đã sạm nắng gió, có những em nhà xa không sang nhận được, những phần quà của mình vẫn còn quá nhỏ bé.
Sáng hôm sau là hành trình khám phá đảo, một con đường mòn gập gềnh sỏi đá dẫn chúng tôi đến với một trong những ngọn hải đăng có tầm nhìn tuyệt vời nhất ở Việt Nam, ngọn đèn biển chạy bằng pin năng lượng mặt trời, đứng ở lan can nhìn thấy toàn bộ huyện đảo Cô Tô, một biển trời xanh thẳm, đó là biển và trời của Việt Nam, nơi chúng ta đang đứng đây, đang giữ chính là “phên dậu” của đất nước. Đi tiếp 14 km, chúng tôi qua thôn Hải An để đến bãi biển Vạn Chải, cái tên Hải An được đặt do phần lớn người dân ở thôn này đều quê ở Kiến An, Hải Phòng. Trong thời gian tìm hiểu và trò chuyện với những người dân, chúng tôi biết trong thôn có 1 em trai đang học lớp 10, cha mẹ mất sớm, đang ở với bà nội, hàng ngày phải đi bộ gần 10 km đến trường, anh em liền trích quĩ hơn 1 triệu để mua 1 chiếc xe đạp tốt tặng em đi học. Vạn Chải là 1 trong 2 bãi biển đẹp nhất Cô Tô, mới được khám phá nên còn nguyên vẻ hoang sơ, thuần khiết, bờ biển uốn cong được bao bọc bởi dãy núi với cánh rừng nguyên sinh, bãi cát mịn, sạch sẽ và trắng tinh, sóng nhẹ nhàng vừa đủ để nô đùa thư giãn, rất thích hợp với những đôi muốn có những ngày nghỉ thơ mộng, lãng mạn và có phần kín đáo. Do thời gian nên chúng tôi chưa đến được đảo Thanh Lân và bãi biển Hồng Vàn, nhưng đứng trên đỉnh núi cũng có thể nhìn thấy, với những bờ cát trải dài mềm mại, những thảm hoa muống biển tím ngắt, nước biển êm ả, lăn tăn như một hồ nước.
Rồi giờ phút chia tay cũng đã đến, chúng tôi đi chào tất cả các gia đình, những lời hẹn sẽ gặp lại, anh Thắng Bí thư và một số anh chị em trong huyện Đoàn lại tiễn chúng tôi đến tận mạn tàu. Tạm biệt những con người đang hàng ngày vững vàng trước sóng gió; chắc chắn hành trình của những đoàn viên thanh niên ngành Than sẽ tạo thêm được nguồn lực tinh thần và vật chất, góp phần yên lòng những người dân nơi hải đảo xa xôi, nó còn một ý nghĩa nữa là khơi dậy được lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ đối với chủ quyền của đất nước. Tạm biệt Cô Tô, tạm biệt nàng công chúa xinh đẹp của biển cả, hẹn gặp lại trong “hành trình biển đảo quê hương”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hanh-trinh-bien-dao-que-huong-2446.htm” button=”Theo vinacomin”]