Cơn mưa dai dẳng sau hoàn lưu bão cũng không làm không khí vùng sơn cước Na Dương trở nên mát mẻ. Ngược lại, sau những ngày nắng như đổ lửa cuối tháng 7, nước mưa xuống chỉ khiến không khí thêm oi nồng, khó chịu.
Chị Sắc trong bộ quần áo cũ kỹ, mồ hôi nhễ nhại cặm cụi quét dọn lại khoảng sân nhỏ trước nhà vừa bị nước tràn vào đêm qua. Từng cụm bèo tây, cỏ dại xen lẫn rác rưởi còn đọng lại khiến căn nhà càng trở nên tiêu điều, xơ xác…
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà xiêu vẹo của chị Lương Thị Sắc (công nhân PX Sàng tuyển, Công ty than Na Dương) và những người thân có hoàn cảnh “đặc biệt” của chị.
Nói là nhà nhưng thật ra nó giống như một căn chòi vì đã rất xuống cấp giữa ba bề bốn bên là ao chuôm. Mỗi khi trời mưa to một chút là trong nhà chẳng khác gì ngoài ao bởi nước ngập quá nửa. Trong nhà cũng chẳng có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc xe máy Trung Quốc cũ mèm.
Chị Sắc khá dè dặt và ít mở lòng khi tiếp chúng tôi. Có lẽ khi nỗi đau và quá nhiều nỗi truân chuyên cùng ập đến, con người ta khó có thể trải lòng, hoặc cũng có thể chị cảm thấy ái ngại khi nói về hoàn cảnh gia đình mình.
Theo chân chị Mai (Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty và cũng là hàng xóm nhà chị Sắc), chúng tôi ra phía chái nhà, nơi cháu Dương (con gái đầu của chị Sắc) bị “nhốt” suốt nhiều năm qua. Không khí ẩm thấp và quánh đặc một thứ mùi của sự lưu cữu. Thấy có người lạ, Dương ngồi bật dậy, mắt lờ đờ tỏ rõ sự khó chịu khi bị “quấy rầy”.
Chị Mai cho biết, Dương bị tâm thần khoảng trên dưới một chục năm nay, không tự chủ được bản thân, cũng như không tự làm được vấn đề vệ sinh cá nhân. Đã vậy còn ốm đau liên miên, khi thì khóc la quằn quại, lúc thì đập phá đồ đạc, có khi lại lầm lũi ngồi một xó, không nói chuyện với ai.
Chị Mai nói chuyện với chúng tôi mà nước mắt rơm rớm. Những năm qua, chị không nhớ nổi Dương đã suýt chết bao nhiêu lần. Có lần em bị thương do nghịch dao, bị ngã do leo trèo rồi lại suýt chết đuối… Có lần em đập phá tan tành những đồ vật trong nhà. Có lần em xé hết quần áo trên người rồi lao ra đường. Các vết thương trên tay, chân em là do những lần lên cơn mà không có thuốc uống nên em tự cắn làm máu chảy bê bết, để lại nhiều vết thương còn lở loét. Và chị Sắc đã phải đắng lòng, nốt nước mắt vào trong “nhốt” con nơi chái nhà này.
Phần vì thương chị Sắc đã quá đau khổ, phần vì thương cho cái kiếp khốn khổ của bé Dương, hơn 10 năm qua, Công đoàn Công ty, bà con chòm xóm thường xuyên qua lại, động viên giúp đỡ chị cả về vật chất cũng như tinh thần. Cũng chả nhiều nhặn gì bởi cùng cảnh công nhân nhưng cũng ấm lòng.
Vợ tảo tần chăm chồng
“Có ai đang chĩa máy ảnh vào theo dõi nhà tôi đấy. Tôi sợ lắm!”, chúng tôi giật mình khi có tiếng đàn ông kêu thất thanh. Một người đàn ông cao gầy, đầu tóc bù rối, ánh mắt thất thần, liêu xiêu đi về phía chúng tôi. Thì ra đó là anh Vi Văn Lục, chồng chị Sắc. Nghe câu nói, nhìn điệu bộ của anh, chúng tôi đã hiểu vì sao chị Sắc lại nói “Số phận tôi nghiệt ngã lắm!”
Hơn chục năm trước đây, ai cũng ngỡ gia đình anh chị Lục – Sắc là một gia đình hạnh phúc, hoàn hảo, vợ chồng thu nhập ổn định, con cái có nếp có tẻ, ngoan ngoãn, học giỏi. Thế rồi, không hiểu sao từ khi về hưu non khi XN Xây lắp mỏ Na Dương giải thể, sức khỏe anh Lục cứ yếu dần. Ban đầu chỉ là những dấu hiệu như đau đầu, thể lực giảm sút, chán ăn rồi chuyển sang gần như không muốn ăn uống (mỗi bữa chỉ ăn một nửa bát cháo nhỏ), có dấu hiệu bị tâm thần hoang tưởng. Hiện tại anh hoàn toàn mất sức lao động, lúc nào cũng có cảm giác như đang bị theo dõi, cảm giác sắp mất vợ, cảm giác sắp đổ nhà…
Đợi chồng qua cơn hoảng loạn, chị Sắc dìu lại anh vào buồng. Đôi mắt rưng rưng, chị cho biết: “Tôi đi làm nhưng lúc nào cũng canh cánh mọi chuyện ở nhà. Cháu Dương thì đã vậy nhưng bố cháu cũng chả khá hơn. Có những khi quẫn bách quá, thấy cuộc sống cũng cực quá tôi chỉ muốn chết nhưng rồi nghĩ lại thấy mình bậy quá. Tôi chết thì dễ thôi nhưng nếu vậy thì ai sẽ nuôi con tôi, ai sẽ chăm chồng tôi”.
Số phận như trêu ngươi
Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, tuyệt nhiên chị Sắc không nói về người con trai thứ hai. Chỉ khi chúng tôi gợi chuyện mãi thì chị mới nói qua một chút rằng cháu sinh năm 1990, đã học xong nghề tại Trường CN Mỏ Việt Bắc, hiện chưa đi làm ở đâu cả.
Nhưng theo tìm hiểu, cháu trai trước đây sức khỏe hoàn toàn bình thường nhưng gần đây cũng có những biểu hiện khác lạ như tự nhiên cười, nói và có những hành động “không giống ai”. Và chúng tôi cũng hiểu tại sao chị Sắc lại giấu kín chuyện này. Bản năng của người mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng hay những nỗi đau chồng chất nỗi đau đã khiến chị bấu víu niềm tin vào những thứ mong manh nhất.
Lương tháng trên 3 triệu, thuốc thang, nuôi dưỡng cả gia đình bệnh tật. Người phụ nữ ấy đang ngày ngày căng mình ra gồng gánh lo toan. Rời vùng sơn cước nghèo khó này ra về, hình ảnh của những gương mặt thất thần, những đôi mắt đau đáu dõi theo như cầu mong được sự giúp đỡ cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Lòng chúng tôi cảm thấy nhói đau.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chop-mat-cung-so-phan-2523.htm” button=”Theo vinacomin”]