TP. Cẩm Phả có bến xe, nơi tập kết xe ca đưa công nhân lên mỏ, dân thường gọi là Bến Ba tầng. Ở nông thôn, vào lúc gà gáy sáng, nông dân dậy chuẩn bị ra đồng, trẻ em dậy ôn bài chuẩn bị đến trường. Ở vùng Mỏ, vào thời điểm “gà gáy”, thợ mỏ rậm rịch ra bến xe để vào ca một.
4 giờ sáng một ngày không đẹp trời, tôi cũng ra Bến Ba tầng, lân la các quán nước, nghe chuyện thợ mỏ trước lúc vào ca. Ngày không đẹp trời có thể hiểu, đó là những ngày thợ mỏ phải đối mặt với những khó khăn gay gắt do lượng
Gọi là quán, thực ra chỉ mỗi cái ô, căng bên gốc cây, mấy cái ghế nhựa. Quán sơ sài mà đông khách lạ. Tôi đến sớm nên có ghế ngồi, những người đến muộn phải đứng hoặc mua xôi, gói trong túi nilon rồi vội vã lên xe. Chủ quán là bà Thu, chừng 56 tuổi. Bà kể, trước đây bà làm công nhân Mỏ than Thống Nhất. Năm 1992, bà nghỉ “một cục”, về bán xôi ở Bến Ba tầng từ đó đến nay. Với “thâm niên” 20 năm bán xôi ở bến xe, bà Thu dường như quen mặt các khách hàng, biết họ làm ở đâu, thậm chí, biết cả sở thích, nhu cầu của từng người. Nhìn anh công nhân bê bát xôi đầy ụ, bà bảo, anh này là thợ lò Khe Chàm, công việc nặng nhọc, phải ăn nhiều; chị kia làm ở văn phòng Mỏ Cọc Sáu, ăn ít để giữ eo…
– Ông nhà báo đi đâu sớm thế?
Trong ánh sáng mờ mờ, tôi nhận ra người vừa hỏi tôi là anh H. Phó giám đốc Công ty Đ. Nom anh đường bệ, quần áo phẳng phiu, tóc đánh luống mượt mà, có vẻ không “hạp” với quán bình dân xô bồ này. Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, anh nói nhỏ, cốt thanh minh với tôi:
– Sáng ra tranh thủ làm tý xôi cho dễ nuốt.
Anh nói vậy chứ ở tuổi anh, sáng ra, làm tô phở dễ nuốt hơn. Sau tôi mới biết, Công ty anh cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đó là một trong những đơn vị phục vụ khâu cuối cùng của tiêu thụ than. Từ khi việc xuất khẩu than chậm, Công ty anh thiếu việc làm, doanh thu và đời sống CNCB giảm sút. 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Công ty chỉ đạt 38% kế hoạch; thu nhập của CNCB Công ty giảm khoảng 20%; riêng anh mỗi tháng giảm khoảng 3 triệu đồng. Trước khó khăn, Công ty quán triệt mọi CNCB thực hành tiết kiệm tối đa những thứ có thể tiết kiệm được. Và, chắc hẳn, anh đi xe ca, ăn sáng bình dân cũng không ngoài chủ trương thắt chặt chi tiêu…
Người bán chè chén gần nửa thế kỷ
Áp tường ngoài bến xe là 12 quán nước. Trong đó, quán ông Dũng Dân và quán bà Thủy trang bị cả chăn màn, ti vi, bán thâu đêm, còn lại chỉ phục vụ ban ngày, chủ yếu là ca một. Các chủ quán trước ở đây đều là công nhân mỏ, người thì nghỉ hưu, người nghỉ “một cục”.
Người bán nước ở bến xe đầu tiên là bà Huân, năm nay 76 tuổi (chồng bà tên là Trần Lê Huân, công nhân Mỏ than Cọc Sáu, về hưu năm 1984). Từ thời bao cấp, cách đây hơn 30 năm, tôi đã ghé vào quán nước của bà. Ngày ấy, quán của bà chỉ chiếc bàn con, trên đó bày bán thuốc lá cuộn, thuốc lá Bông Sen, vài chùm dâu da, mấy lọ kẹo. Bây giờ, quán của bà có nhiều loại thuốc lá sang, nhiều loại bánh kẹo và nước ngọt. Tóc bà bây giờ đã bạc trắng. Bà bảo, ngày bà bán nước ở Bến Ba tầng, con trai bà mới sinh, nay anh ấy đã gần năm mươi.
Ngày còn làm công nhân Mỏ than Đèo Nai, bà đã bán nước. Nhưng ngày ấy, bà chỉ là “nghiệp dư”. Ban ngày đi làm, tối về mang cái mẹt, cái làn ra bến xe. Từ khi nghỉ hưu, bà mới “thâm canh” nghề này. Ông bà có 6 người con, nay đã trưởng thành. Tôi hỏi lương hưu của ông bà bao nhiêu? Bà bảo, mỗi tháng hơn 6 triệu. Một khách hàng mặc áo thợ tếu táo: “Các con của ông bà toàn người khá giả, có anh ở bên Úc, thi thoảng gửi tiền về cho ông bà. Ông bà chẳng phải làm gì vẫn sống đàng hoàng. Nhưng khổ quen rồi, giờ sướng quá, bà không chịu được; già rồi sáng vẫn cứ lọ mọ ra bến nhặt mấy đồng vụn”. Bà cười, nói: “Đúng như vậy đấy. Mấy chục năm, thức khuya dậy sớm với công nhân quen rồi. Giờ mà nhàn rỗi, không khéo ốm”. Nói đoạn, bà mang nắm tiền lẻ ra đếm. “Đây. Từ sáng đến giờ được tám chục nghìn. Trừ chi phí, may ra được bốn mươi nghìn”. Tôi hỏi: “Thời gian này, ngành Than đang gặp khó khăn, quán nước của bà có bị ảnh hưởng không?”. “Ảnh hưởng nhiều chứ. Trước đây, tầm này các quán đều đông nghịt, nay lèo tèo thế này. Đấy, anh nhìn xem, công nhân ra bến, họ tót lên xe luôn, có mấy ai vào quán đâu”. Anh công nhân khác góp lời: “Bây giờ công nhân họ tính toán chi tiêu chi li, căn chỉnh giờ giấc chính xác, khoa học lắm. Chỉ những người sáng không kịp ăn, họ mới vào quán xôi bà Thu, còn lại đa số úp mì tôm, rang cơm nguội. Ăn xong, họ uống nước luôn”.
Trong quán bắt đầu rộ lên chuyện ăn tiêu, chuyện giá cả leo thang, chuyện việc làm, lương thưởng ở các mỏ. Anh mặc áo xanh, trên áo mang tên Công ty than Cao Sơn cho hay, mọi hoạt động của Công ty anh vẫn diễn ra bình thường; các hoạt động văn hóa thể thao vẫn sôi nổi. Một anh ở Công ty Tuyển than Cửa Ông thì nói, Công ty nghỉ luân phiên, mỗi tháng 20 công nên thu nhập giảm sút. Trong khó khăn, các hoạt động của Công ty vẫn sôi nổi, thậm chí Công ty còn cho công nhân xuất sắc đi tham quan nước ngoài. Anh mặc áo vàng giải thích, Công ty anh thiếu việc vì năng suất khoan của các mỏ tăng nhanh quá; đất đá bắn mìn còn nhiều, phải tạm thời giãn việc. Nhìn màu áo và tên đơn vị trên ngực, tôi mới biết, anh làm ở Công ty CN Hóa chất mỏ Cẩm Phả.
– Khó khăn bây giờ đã ăn nhằm gì so với trước bà Huân nói “Tôi bán hàng ở đây mấy chục năm, tôi biết hết”.
Rồi bà kể nỗi khổ cực của bà khi mới 13 tuổi đã phải lên tầng làm lơ ve (quét tầng); rồi đưa cơm cho xu ba zăng (Đốc công mỏ thời Pháp); rồi thời chiến tranh bom đạn ác liệt; rồi thời bao cấp túng thiếu đủ thứ. Sang thời đổi mới cũng mấy phen lao đao. Cái khó bây giờ so với năm chín chín (1999) cũng chưa là gì. Thời ấy, công nhân mỏ nghỉ việc hàng loạt, rồi nhao ra đường kiếm ăn. Người chạy xe ôm, người bán rau, bán cá. Cái bến xe này xác xơ. Bây giờ, khó là khó vậy nhưng ai cũng có việc làm, ai cũng có lương; chưa ai phải đứng đường…
Quay sang tôi, bà bảo:
– Tôi nghỉ hưu lâu rồi nhưng biết khối chuyện ở mỏ đấy nhé…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ga-gay-o-ben-ba-tang-2640.htm” button=”Theo vinacomin”]