Nhiều người ngoài ngành Than – Khoáng sản cho rằng, than chỉ việc đào lên để bán, quá dễ. Nhưng thực tế không phải như vậy. Để khai thác được một tấn than là cả một quá trình với dây chuyền công nghệ khép kín, nhiều thiết bị, máy móc hiện đại, đầu tư lớn. Thêm vào đó là bao nhiêu công sức của hàng vạn thợ mỏ làm việc chân tay, vì thực tế máy móc chưa hoàn toàn thay thế được sức người trong lao động khai thác mỏ.
Thợ mỏ phải làm việc trong điều kiện đường lò chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu không khí trong lành, nhiều khí độc, khí cháy thải ra trong quá trình khai thác; áp lực mỏ lớn… tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể xảy ra sự cố v.v. Có thể nói, mỗi tấn than được khai thác từ dưới lòng đất lên chứa cả mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu. Bằng chứng là đã nhiều thợ mỏ của chúng ta đã hy sinh sau những tai nạn bất ngờ. Đó là trong khai thác hầm lò. Còn trong khai thác lộ thiên, để khai thác được một tấn than, người ta phải nổ mìn, phá đất đá và vận chuyển đi nơi khác mười đến mươi lăm tấn đất đá. Cung độ vận chuyển càng ngày càng xa do các bãi thải ngày càng lớn, thiếu chỗ đổ thải.
Than là tài nguyên không tái tạo. Mỗi ngày, thợ mỏ lại càng phải khai thác xuống sâu hơn trong lòng đất. Trước kia, ta khai thác tại các mức dương ở lưng núi. Than chỉ việc kéo bằng xe goòng theo đường lò bằng ra ngoài. Thì nay, thợ mỏ phải đào giếng nghiêng, hay giếng đứng xuống khai thác tại mức âm sâu đến vài trăm mét dưới mực nước biển. Mỏ than Khe Chàm hiện đang khai thác tại mức âm hai trăm hai lăm mét (-225) và đang đào mỏ mới Khe Chàm III xuống mức -300 mét. Mỏ than Mạo Khê đang khai thác tại mức -150. Mỏ than Mông Dương đang xuống khai thác tại mức -250 v.v. Mỏ than Hà Lầm cũng đang đào mỏ mới xuống đến -300 mét. Mỏ Núi Béo đang tiến hành đào mỏ mới ở mức tương tự. Tới đây, mỏ Khe Chàm II-IV sẽ xuống khai thác đến mức -500 mét so với mực nước biển. Ngay cả mỏ lộ thiên Cọc Sáu cũng đã khai thác dưới mức -150. Để xây dựng một mỏ hầm lò mới cho đến ngày đưa ra những tấn than đầu tiên, thợ mỏ phải đào hàng chục ki lô mét đường lò trong vòng năm đến bảy năm và đổ vào đó có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Để tạo ra lòng moong khổng lồ của Cọc Sáu, mỗi năm mỏ này phải cõng hàng chục triệu mét khối đất đá (năm nay kế hoạch của Cọc Sáu giảm xuống bốc xúc 37,79 triệu m3) và bơm hàng triệu mét khối nước từ lòng moong lên. Khai thác mỏ xuống sâu cũng có nghĩa là giá thành khai thác ngày một tăng cao do phải chi phí nhiều hơn. Thợ mỏ đã phải gồng mình tiết kiệm mọi khoản chi phí để hạ giá thành khai thác nhưng với điều kiện ngày càng xuống khai thác sâu như vậy, giá thành vẫn còn cao. Đấy là chưa kể các yếu tố đầu vào do nhiên, nguyên vật liệu trên thị trường tăng chóng mặt từng ngày.
Vậy nhưng, bao nhiêu năm nay, giá than bán cho nhiều hộ, đặc biệt là hộ điện vẫn được Chính phủ chỉ định ở mức dưới giá thành. Như vậy, thợ mỏ không chỉ mang trên vai sứ mệnh cao cả là khai thác than với sản lượng ngày càng tăng cao để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn âm thầm gánh thêm trọng trách nặng nề là ổn định nền kinh tế vĩ mô. Và dường như chịu đựng đã là bản lĩnh của giai cấp công nhân vùng Mỏ. Trong nỗi khó khăn quá lớn thời gian qua, thợ mỏ vẫn bình thản cho ra lò những tấn than lấp lánh.
Tin vui
Sau nhiều lần đề nghị, gần đây, Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giảm thuế xuất khẩu than và tăng giá bán than cho ngành điện. Đây là tín hiệu điều hành tích cực của liên Bộ và Chính phủ nhằm từng bước tháo gỡ cho ngành Than – Khoáng sản vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, cũng như thực hiện chủ trương sớm thị trường hóa giá than, mang lại sự công bằng cho thợ mỏ.
Đây thực sự là niềm mong đợi của hàng vạn thợ mỏ từ nhiều năm nay. Và càng sớm thực hiện ngày nào thì thợ mỏ đỡ khó khăn ngày ấy. Theo đề nghị của Bộ Công thương trình Chính phủ, giá bán than cho ngành điện được Bộ Công thương đề nghị cho điều chỉnh tăng lần 1 vào đầu tháng 9 và đến quý 4-2012 tiếp tục tăng giá than lên bằng giá thành sản xuất than của năm 2011 (đã được kiểm toán). Đến đầu năm 2013, giá than sẽ được điều chỉnh thêm theo đúng giá thị trường, bằng giá bán cho các hộ tiêu thụ khác trong nước. Trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu than đá từ 20% hiện nay xuống mức 10% để tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam. Chỉ có như vậy, các đơn vị mới có tiền trả lương cho công nhân mỏ xứng đáng với sức lao động, đảm bảo duy trì sản xuất khi đất nước có nhu cầu sử dụng than tăng cao…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dao-than-len-de-ban-khong-de-2939.htm” button=”Theo vinacomin”]