Nhằm chủ động ứng phó với bối cảnh khó khăn chung, Tập đoàn đã ban hành công văn số 3682/CV- KH về việc cắt giảm sản lượng đất bóc và than khai thác. Theo kế hoạch điều chỉnh này, nhiều đơn vị lộ thiên lớn như Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu giảm sản lượng than khai thác trung bình từ 200.000 đến 300.000 tấn; kéo theo đó khối lượng đất bóc và doanh thu cũng sụt giảm. Phần việc còn lại trong những tháng cuối năm không “còn” nhiều trong khi vẫn phải đảm bảo duy trì ổn định việc làm và thu nhập
Tình hình suy thoái kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động SXKD của Tập đoàn, dẫn tới các chỉ tiêu sản xuất đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ, nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Tính đến hết tháng 8, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 50 ngàn tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm và bằng 82,3% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, doanh thu sản xuất than đạt 32 ngàn tỷ đồng, bằng 48% kế hoạch năm, bằng 76% so với cùng kỳ.
Trước bối cảnh đó, Vinacomin đã sớm ban hành công văn số 3682/ CV-KH về việc điều chỉnh sản lượng đất bóc và than khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo kế hoạch này, nhiều đơn vị lộ thiên lớn như Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu, Hà Tu… giảm sản lượng than khai thác trung bình từ 200.000 đến 300.000 tấn, kéo theo đó khối lượng đất bóc và doanh thu cũng sụt giảm.
Ghi nhận của phóng viên Tạp chí cho thấy, các đơn vị đã và đang triển khai nghiêm túc việc thực hiện công văn này. Cụ thể, tại Công ty than Đèo Nai, sản lượng than khai thác đã được điều chỉnh giảm xuống còn 2,5 triệu tấn so với kế hoạch 2,7 triệu tấn đầu năm; khối lượng bóc đất đá cũng giảm từ 30,750 triệu mét khối xuống khoảng 24 triệu mét khối. Ở Công ty than Cọc Sáu, sau khi điều chỉnh, sản lượng than còn 3,5 triệu tấn, khối lượng đất đá bóc xúc còn 37,790 triệu mét khối. Từ đầu quý III, Công ty than Hà Tu cũng đã cắt giảm sản lượng than khai thác theo kế hoạch. Trong tháng 7 và 8, Than Hà Tu chỉ khai thác trung bình khoảng 100.000 tấn than/tháng.
Như đã đề cập ở trên, việc giảm sản lượng than khai thác và khối lượng bóc đất đá kéo theo doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người lao động.
Khó thêm khó ở chỗ, hết 6 tháng, nhiều đơn vị đã thực hiện “quá nửa” kế hoạch phối hợp kinh doanh đã ký với Tập đoàn từ đầu năm. Đặc biệt là chỉ tiêu bóc đất đá. Qua khảo sát, 6 tháng đầu năm, Đèo Nai đã bốc xúc 16,2 triệu mét khối đất đá, bằng 52% KH năm và bằng 67% KH điều chỉnh theo 3682. Như vậy, 6 tháng cuối năm, Than Đèo Nai chỉ “phải” bóc xúc 7 triệu mét khối đất đá. Tương tự, phần việc còn lại của Than Cọc Sáu cũng không nhiều. Lý giải cho “hiện tượng” này, các đơn vị đều cho rằng, những tháng đầu năm, tranh thủ thời tiết tốt nên đẩy nhanh tiến độ mở vỉa để tạo thuận lợi cho kế hoạch ra than vào mùa khô cuối năm. Đó là chưa kể, việc huy động thuê ngoài bốc xúc đất đá để cho “chắc” khả năng hoàn thành KH năm.
Vấn đề đặt ra lúc này là, trong khi khối lượng công việc còn lại không nhiều song năng lực về con người và thiết bị của các mỏ lại rất “dồi dào”. Điều này đang trở thành một bài toán khó cho các đơn vị trong việc điều hành sản xuất cũng như trong bố trí, sử dụng lao động một cách hợp lý.
Theo ông Nguyễn Văn Thuỵ, Bí thư Đảng uỷ Công ty, Than Đèo Nai không “bỡ ngỡ” với cái khó này. Bởi, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Công ty, Đảng uỷ và các tổ chức đoàn thể đã nắm bắt được. Mấu chốt của vấn đề là “phải thông tư tưởng” – tức là làm sao để người lao động thực sự hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong khó khăn. Than Đèo Nai đã ra nghị quyết về việc tăng cường công tác tuyên truyền cho CNCB, ngay trong các buổi nhật lệnh, giao ca sản xuất hàng ngày.
Trong điều hành sản xuất, Than Đèo Nai thực hiện rà soát toàn bộ các chỉ tiêu kỹ thuật. Trên cơ sở đánh giá, cân đối năng lực thiết bị, Công ty tiến hành niêm cất một số thiết bị chủ yếu như ô tô, máy xúc, máy khoan; tăng cường công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị; tạm dừng toàn bộ các hợp đồng thuê bóc xúc ngoài. Số lao động dôi dư, dù không nhiều, khoảng 250 người nhưng đều được bố trí công việc hợp lý như tăng thêm số người trong mỗi tổ sản xuất, giảm công lao động từ 24 xuống 22 công/tháng. Để tiết giảm thêm chi phí, khối văn phòng được bố trí nghỉ thêm ngày thứ 6.
Doanh thu giảm ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương của người lao động. Vì vậy, Công ty đã có quyết sách giảm đơn giá tiền lương phù hợp theo từng nhóm ngành nghề, như: cán bộ quản lý từ cấp phó phòng, phó quản đốc trở lên giảm 20%; nhân viên các phòng ban, đốc công giảm 15%; các bộ phận vận hành xe gạt, thợ sửa chữa ô tô… giảm 10%. Riêng với nhóm ngành nặng nhọc, độc hại thuộc dây chuyền chính thì giữ nguyên theo đơn giá khoán của Tập đoàn để khuyến khích.
Với Công ty than Cọc Sáu, Phó giám đốc Lê Văn Giáp cho biết, ngay khi có kế hoạch điều chỉnh, Công ty đã thực hiện tạm dừng hợp đồng thuê ngoài vận chuyển, bốc xúc đất đá. Tiếp đó, Công ty kiện toàn lại toàn bộ năng lực về con người, thiết bị. Chủ trương chung là giữ cho được ổn định sản xuất, đảm bảo đủ việc làm cho công nhân. Ngoài các biện pháp như niêm cất tạm thời máy móc, thiết bị; khai thác triệt để vật tư tồn đọng; tăng năng suất lao động thiết bị, Than Cọc Sáu còn thực hiện phương án cơ cấu lại sản phẩm. Ưu tiên sản xuất những chủng loại than tốt, nhu cầu thị trường lớn như than cục 4a, 4b… để có doanh thu cao, góp phần hạn chế mức sụt giảm.
Mặc dù nhiều khó khăn, nhưng mỗi “ông lớn” lộ thiên đều có cách làm riêng với nhiều biện pháp cụ thể nhằm chủ động, linh hoạt ứng phó. Đến công trường các mỏ thời điểm này, vẫn thấy xe máy hoạt động ổn định, nhịp nhàng. Điều quan trọng hơn là, qua trò chuyện với người lao động, thấy công nhân của ta vẫn yên tâm, gắn bó với công việc và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đơn vị.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khong-so-it-chi-so-khong-cong-bang-2937.htm” button=”Theo vinacomin”]