Ở Quảng Ninh hiện có 3 tuyến đường sắt chở than thuộc ba khu vực là Vàng Danh – Uông Bí (ra cảng Điền Công); vùng Mông Dương, Cẩm Phả ra cảng Cửa Ông và vùng than Hòn Gai là từ Lộ Phong ra Nhà sàng Nam Cầu Trắng. Ba tuyến đường sắt này đều diễn ra tình trạng cướp than. Dưới đây là ghi nhận của phóng viên Tạp chí Vinacomin về nạn cướp than tuyến Lộ Phong – Nam Cầu Trắng.
Những tên tuổi khác, cũng khá nổi tiếng như vợ chồng Ng – Th; như P. Trố, như H. Quạ, như Kiên v.v. Trong đó, có người nghiện ma túy, có người mới ra tù. Xem qua ảnh và hồ sơ của các đối tượng cướp than bị công an và lực lượng bảo vệ Công ty Tuyển than Hòn Gai (đơn vị quản lý tuyến đường sắt Lộ Phong – Nam Cầu Trắng) bắt giữ đã thấy ghê. Trong hồ sơ ghi tuổi của họ ngoài 20 mà gương mặt trong ảnh nom gồ ghề dữ tợn.Tất cả đều không có việc làm, phải làm “nghề” cướp than; đa số trình độ văn hóa thấp, có người không biết chữ. Lời khai và bản cam kết của anh Vũ Văn Tiến, con ông T nêu trên, chữ viết lởm chởm như chông, chúng tôi không đọc nổi.
Phương tiện hành nghề của họ chỉ là cái cào và bao tải. Lưỡi cào bị đập quặp, gắn với cây sào tre chừng 3 mét. Đoạn đường sắt Lộ Phong – Nam Cầu Trắng dài chừng 7 cây số, chở than cho các công ty than: Hà Lầm, Hà Tu, Núi Béo. Sản lượng than do Công ty Tuyển than Hòn Gai vận chuyển trên tuyến đường này mỗi năm vài triệu tấn (năm nay dự kiến sẽ vận chuyển 3 triệu 050 nghìn tấn). Đường vận chuyển qua nhiều đồi núi, nhiều cua nên tốc độ của tàu qua những đoạn như thế rất chậm. Đó là điều kiện thuận lợi để bọn cướp than hành nghề. Đối với những gia đình dọc đường sắt, họ xây cái trụ xi măng. Khi tàu than tới, họ đứng trên trụ bê tông, vươn cào lên toa xe, cào thật lực. Than rơi rào rào vào vườn nhà họ. Tàu đi qua, họ gom lại. Đối với những người không có điều kiện thuận lợi để cào than, họ nhảy lên tàu, thậm chí có anh còn rúc vào trong bạt, chọn loại than tốt cho vào bao tải, ném xuống dọc đường. Tàu chạy qua, họ nhảy xuống thu hồi “chiến lợi phẩm”.
Bằng cách trên, mỗi người, mỗi chuyến tàu họ có thể cướp được hàng tạ than. Ta có thể nhẩm tính, mỗi ngày nhiều chuyến tàu chở than đi qua đây thì lượng than bị cướp không phải là ít. Không những mất tài sản (than), nạn cướp than đường sắt còn để lại những hậu quả nặng nề về xã hội, về môi trường. Đã nhiều vụ nhảy tàu cướp than bị tai nạn gãy chân, gãy tay, thậm chí có trường hợp bị tàu kẹp chết. Nhiều vụ bọn cướp than ẩu đả lẫn nhau hoặc bọn chúng tấn công lực lượng bảo vệ; gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Để đảm bảo môi trường dọc hành lang đường sắt, Công ty Tuyển than Hòn Gai cho căng bạt phủ kín các toa tàu. Nhưng bọn chúng rạch cả bạt để cướp than, khiến môi trường bị ô nhiễm…

Công nhân Công ty Tuyển than Hòn Gai sửa chữa đường sắt
Khi lực lượng bảo vệ thực hiện nhiều biện pháp gắt gao để ngăn chặn thì bọn cướp than càng liều lĩnh và manh động. Lực lượng bảo vệ ở đây có 15 người, bố trí tại 2 chốt và thường xuyên tuần tra dọc tuyến đường sắt. Các chiến sỹ bảo vệ nơi đây luôn bị đe dọa, khủng bố bằng bằng tin nhắn, thậm chí còn bị ném đá, bị tấn công. Đến nỗi, Công ty phải trang bị mũ đặc biệt cho các chiến sỹ bảo vệ đường sắt (loại mũ cốt thép, dành cho cảnh sát cơ động; trị giá 700 nghìn đồng/chiếc). Mới đây, vào khoảng 10 giờ đêm, một nhóm khoảng 10 thanh niên bịt mặt bất ngờ tấn công vào trạm gác, hành hung bảo vệ. Lực lượng công an đã bắt giữ các đối tượng gây án, đang củng cố hồ sơ để xử lý trước pháp luật. Qua đấu tranh khai thác, bọn chúng khai, nguyên nhân chúng tấn công hành hung bảo vệ vì hôm trước bảo vệ đã phát hiện; ngăn cản hành vi trộm cướp than của bọn chúng…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nghe-cuop-than-duong-sat-3116.htm” button=”Theo vinacomin”]