Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, Than Thống Nhất là đơn vị khai thác than hầm lò với sản lượng thấp, chỉ khoảng trên 300 ngàn tấn/năm. Với sản lượng ấy, để đảm bảo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động quả là bài toán khó. Vậy mà hiện nay, Công ty than Thống Nhất đã vươn lên tốp đầu trong các đơn vị khai thác hầm lò có sản lượng cao, đạt 1,6 đến gần 2 triệu tấn than/năm, đời sống của công nhân, cán bộ ngày càng được nâng cao. Điều đặc biệt hơn cả là điều kiện làm việc của người thợ ngay tro
Kỹ sư khai thác Hà Tuấn Anh cho biết, trước năm 2000, việc khai thác than hầm lò ở Công ty Than Thống Nhất chủ yếu là thủ công với phương pháp khấu than bằng khoan nổ mìn, chống giữ lò chợ bằng gỗ, vận chuyển than từ lò chợ ra cửa lò cơ giới hoá ở mức độ thấp. Vì vậy sản lượng khai thác hàng năm thấp. Nhưng cách đây vài năm, nhờ áp dụng công nghệ chống giữ bằng các loại giàn chống hiện đại, sản lượng khai thác than tăng vọt, bình quân từ 30 đến 40% một năm. Ông Tuấn Anh đưa ra những con số khá cụ thể: Năm 2002, Công ty đạt sản lượng 475.000 tấn; năm 2003 đạt 560.000 tấn; năm 2004 đạt tới 792.000 tấn, tăng gấp đôi sản lượng khai thác than năm 2000. Năm 2005, đánh dấu kỷ lục về khai thác than của mỏ hầm lò, đạt sản lượng 1 triệu tấn than. Đây là mốc son mở đầu về bước đột phá mới trong khai thác than hầm lò của Công ty. Năm 2007 và năm 2008 Công ty đã đạt tới 1,5 triệu tấn/năm.
Để đạt được những con số ấn tượng trên, các năm qua, Công ty Than Thống Nhất duy trì và phát triển chiến lược đầu tư đổi mới công nghệ tạo nên bước tăng trưởng mới trong sản xuất. Từ năm 2001, Công ty phối hợp với Viện Khoa học công nghệ mỏ và các phòng chức năng của Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) đẩy mạnh việc đầu tư và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào khai thác than hầm lò. Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng đưa hàng loạt các công trình, tiến bộ kỹ thuật vào khai thác than lò chợ và đào lò xây dựng cơ bản chuẩn bị sản xuất như khu vực Yên Ngựa và Lộ Trí trước đây chống gỗ đã được thay bằng chống vì ma sát. Tiếp đó, Công ty lại thay chống vì ma sát bằng giá thuỷ lực di động. Đến nay, toàn bộ các lò chợ của Công ty đều áp dụng công nghệ khai thác than hầm lò tiên tiến chống giữ bằng giá thuỷ lực di động, cột thuỷ lực đơn trong gương than. Công ty lắp đặt các trạm khí nén cố định có năng suất lưu lượng khí nén cao ở 2 khu Lộ Trí và Yên Ngựa. Đồng thời, Công ty đã bổ sung thêm các thiết bị khai thác có tính năng kỹ thuật cao phù hợp với điều kiện khai thác than hầm lò ở độ sâu như máy Com bai, xe khoan tự hành, vận chuyển than bằng băng tải, đầu tàu điện ắc quy, xe goòng trọng tải 3 tấn thay vì trước đây Công ty vận tải goòng 1 tấn, năng suất thấp.
Ngoài ra, Công ty còn xây dựng phương án chống lò bằng vì neo và neo kết hợp với bê tông phun ở những đường lò địa chất ổn định, áp dụng công nghệ chống thuỷ lực kết hợp với hệ thống máng cào mềm có thể vận tải cả trong các đường lò cua v.v.. đã đưa năng suất tiến độ đào lò than tiết diện 12m2 đạt 160m/tháng, tiến độ đào đá tiết diện 16m2 tăng hơn 50% so với trước. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng lò chợ từ 40-50.000 tấn/năm tăng lên 70-80.000 tấn và 120.000 tấn/năm. Riêng hai lò chợ Khai thác 6 đạt sản lượng 190.000 tấn và lò chợ Khai thác 3 đạt mức kỷ lục 230.000 tấn/năm. Việc ứng dụng công nghệ đã cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn cho người thợ, mức thu nhập người lao động vì thế tăng cao. Ông Hà Tuấn Anh còn cho biết thêm, điểm nổi bật trong đổi mới công nghệ khai thác là Công ty đưa công nghệ thông tin liên lạc vào trong tận hầm lò, trang thiết bị hướng dẫn bằng laze thay cho máy thuỷ chuẩn tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành sát đúng, đảm bảo chính xác cao trong kỹ thuật, giảm được nhiều chi phí cho sản xuất.
Không dừng lại ở đó, hiện nay Công ty than Thống Nhất đang tích cực phối hợp cùng Viện Khoa học Công nghệ mỏ và Công ty HBP (Slovakia) nghiên cứu triển khai cơ giới hóa khai thác than lò chợ. Theo tiến độ, đến năm 2013, Công ty sẽ đưa 1 lò chợ cơ giới hóa tại phân tầng mức âm 35 xuống mức âm 140 khu Lộ Trí vào sản xuất. Khu vực này có tổng trữ lượng công nghiệp gần 6 triệu tấn, chiếm 27% trữ lượng toàn khu vực. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng cơ giới hóa là các vỉa khu vực này không có độ ổn định theo phương, theo hướng dốc. Mặt khác, khu Lộ Trí khai thác trong điều kiện vỉa dày, các vỉa chỉ được phân cách nhau bằng lớp đá trụ từ 1 đến 7 mét. Do vậy áp lực tác dụng lên đường lò rất lớn, tiết diện lò bị bẹp nhanh. Trong khi đó, hầu hết các thiết bị cơ giới hóa đều nặng, kích thước lớn nên công tác thu hồi, vận chuyển trong quá trình chuyển diện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với ý chí của thợ mỏ Thống Nhất, họ luôn tin tưởng sẽ thực hiện được mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ trong một vài năm tới, đưa sản lượng khai thác của Công ty tiếp tục tăng trưởng cao.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/than-thong-nhat-lam-moi-minh-bang-nhung-duong-lo-hien-dai-3160.htm” button=”Theo vinacomin”]