Ngày 12/11/1936, cuộc tổng đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và trực tiếp là Đặc khu uỷ Hồng Gai – Cẩm Phả đòi giới chủ mỏ phải chấp nhận những yêu sách của công nhân đã giành thắng lợi vang dội, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh về chất của đội ngũ công nhân mỏ; khẩu hiệu “kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” gắn liền với truyền thống của những người công nhân vùng Than cũng được ra đời từ đó.
Thứ nhất, đó là lòng trung thành với Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nên “trung thành với Đảng” là đặc trưng chung của công nhân Việt Nam; nhưng với công nhân vùng Than còn có những nét riêng. Ngay từ khi Đảng chưa thành lập, nhiều chiến sỹ cách mạng đã về tham gia vô sản hoá tại vùng mỏ như Nguyễn Văn Cừ, Đặng Châu Tuệ, Vũ Văn Hiếu…; ngày 6/11/1929 lá cờ đỏ búa liềm đã tung bay trên cầu Poóc tích bến Cửa Ông; ngày 1/5/1930 cờ đỏ lại phấp phới trên đỉnh núi Bài Thơ. Ngày 12/11/1936, cuộc tổng đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và trực tiếp là Đặc khu uỷ Hồng Gai – Cẩm Phả đòi giới chủ mỏ phải chấp nhận những yêu sách của công nhân đã giành thắng lợi vang dội. Khu mỏ là nơi có nhiều “địa chỉ đỏ”; kể cả những năm tháng khó khăn nhất, những người công nhân mỏ vẫn một lòng theo Đảng, đây là một nét đặc trưng và rất quý trong công cuộc đổi mới hiện nay, khi mà một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất do tác động của cơ chế thị trường đang làm giảm lòng tin của dân với Đảng. Chỉ tính riêng trong Đảng bộ Than Quảng Ninh hiện nay có trên 18.500 đảng viên, những năm gần đây số đảng viên được kết nạp mới mỗi năm đều trên 1.100 đồng chí; hầu hết đều có ý thức trong học tập và tu dưỡng phẩm chất chính trị, những con số đó đã nói lên: công nhân mỏ vẫn tin vào Đảng, vẫn muốn đến với Đảng.
Thứ hai, đó là tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”
Đặc trưng này đã được thể hiện ngay từ cuộc đình công năm 1936; khẩu hiệu “Kỷ luật và dồng tâm chúng ta nhất định thắng” như là một mệnh lệnh cương lĩnh của thợ mỏ, đã đi vào lịch sử truyền thống như một sự sáng tạo độc đáo, chỉ xuất hiện duy nhất, có một không hai trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam; đó là sự biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản chất cách mạng, bản lĩnh đấu tranh, đặc sắc về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng, tạo nên sức mạnh to lớn, mạnh mẽ của đội ngũ công nhân ngành Than.
Khai thác than là một nghề nặng nhọc, độc hại và có phần nguy hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ trong sản xuất có thể dẫn đến nguy hiểm với tính mạng người thợ mỏ; Bác Hồ đã từng nói: “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, nói đến quân đội đánh giặc là nói đến kỷ luật thép. Đặc thù của nghề nghiệp đòi hỏi người công nhân phải có tính kỷ luật và đồng tâm cao mà cụ thể là ý thức thực hiện nội qui lao động, qui trình kỹ thuật, tác phong công nghiệp, cùng nhau đồng tâm để vượt khó.
Thứ ba, đó là tính cần cù, chịu khó, sáng tạo
Đây là một đặc trưng gắn liền với truyền thống con người Việt Nam. Hầu hết công nhân mỏ xuất thân từ nông dân, đã từng quen với nắng mưa, vất vả, với chịu thương, chịu khó, họ mang theo đức tính này khi trở thành người thợ mỏ. Nghề khai thác than, nhất là khai thác hầm lò không những vất vả mà còn rất khó khăn, yêu cầu kỹ thuật cao và chặt chẽ, đòi hỏi người công nhân phải có tính sáng tạo trong lao động; có lẽ những hình ảnh, những tấm gương mà không thể kể hết được trong hàng chục năm qua đã nói lên điều này.
Thứ tư, đó là tình đồng nghiệp, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau
Nét đặc trưng này vừa mang tính truyền thống của dân tộc như Bác Hồ đã nói, vừa mang tính đặc thù của người thợ mỏ. Một người công nhân mới vào nghề rất cần được những người đi trước hướng dẫn từ tư thế chống cuốc đến cách xử lý khi gặp sự cố. Hình ảnh những người công nhân thức trắng đêm, quên ăn, làm bất cứ việc gì khi đồng đội không may bị tai nạn, chỉ mong sao cứu được bạn mình luôn đọng lại trong trí nhớ mọi người; có lẽ ngoài yếu tố nghề nghiệp thì chính từ những lán thợ ngày xưa đến những làng mỏ, khu nhà ở công nhân ngày nay đã tạo nên đặc trưng này. Đối với đồng nghiệp khó khăn hay không may bị tai nạn đó là những ngôi nhà “mái ấm tình thương”, giải quyết công việc cho vợ con, những động viên về vật chất và tinh thần. Đối với nhân dân những vùng xa xôi, nghèo khó, bị thiên tai trong cả nước cũng luôn nhận được sự chia sẻ, trợ giúp của công nhân ngành Than.
Thứ năm, đó là văn hoá công nhân mỏ
Có lẽ hiếm có ngành nghề nào nét đặc trưng này được thể hiện một cách đậm nét như vậy; đề tài công nhân mỏ luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các tác phẩm của các văn nghệ sỹ, đó là ý kiến phát biểu của những người làm công tác văn hoá, nhất là trên lĩnh vực thơ ca, hội hoạ; nhiều tác phẩm, nhiều ca khúc về đề tài công nhân mỏ, về ngành Than đã đi cùng năm tháng. Chất văn hoá công nhân mỏ có ngay trong đội ngũ công nhân ngành Than; về văn học có Võ Huy Tâm, Tô Ngọc Hiến, Sỹ Hồng…; về hội hoạ có Phạm Phi Châu, Nguyễn Hoàng, Bùi Đình Lan…; Về âm nhạc có Quang Thọ, Thanh Việt, Lê Nguyên Thêm…, nhiều người trong số họ là công nhân lao động trực tiếp, đã từng vác choòng, sàng than… Những đội bóng đá, bóng chuyền Than Quảng Ninh đã từng ghi dấu ấn cho thể thao vùng mỏ. Hàng năm, các hội diễn văn nghệ quần chúng, các giải thể thao phong trào luôn thu hút được hàng nghìn công nhân tham gia, tạo nên không khí rất sôi động, tinh thần sảng khoái sau những giờ lao động nặng nhọc; nhiều đơn vị đã giành một phần kinh phí trong quỹ lợi nhuận để xây dựng các công trình văn hoá thể thao, nhà truyền thống và những năm gần đây nhất là phong trào xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong ngành Than. Nói về đặc trưng này chúng ta cũng cần nhắc đến một nét chấm phá đó là truyền thống của các gia đình thợ mỏ; nhiều gia đình có đến 3 đời cùng làm thợ mỏ, trưởng thành trong ngành Than cũng là niềm tự hào của họ. Văn hoá công nhân mỏ lấp lánh như những hòn than.
Đặc trưng thứ sáu, đó là đội ngũ công nhân ngành Than là đội ngũ công nhân trí thức và đang từng bước phát triển
Như phần trên đã nói thời kỳ mới tiếp quản năm 1955, hầu hết công nhân mỏ là lao động phổ thông, chưa được qua đào tạo, trình độ khoa học kỹ thuật rất thấp. Nhưng hiện nay, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá-hiện đại hoá và hội nhập kinh tế thế giới, sự cần thiết phải xây dựng một đội ngũ công nhân trí thức đã được ngành Than quan tâm và từng bước xây dựng.
Theo con số tạm tính, chỉ riêng trong ngành Than tại Quảng Ninh, số cán bộ, CNVC có trình độ từ cao đẳng đến trên đại học có hơn 27.300 người, chiếm tỷ lệ 30% tổng số người lao động;con số này, cùng với việc đầu tư đổi mới công nghệ trong những năm vừa qua đã cho thấy số lượng công nhân trí thức trong ngành Than đang từng bước lớn mạnh.
Truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của công nhân mỏ, những đặc trưng cơ bản của đội ngũ công nhân ngành Than tại Quảng Ninh sẽ mãi bền vững cùng năm tháng, trở thành một động lực trong sự phát triển, tham gia đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần xây dựng Quảng Ninh chúng ta ngày càng giàu đẹp, cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-dac-trung-co-ban-cua-doi-ngu-cong-nhan-nganh-than-o-quang-ninh-3293.htm” button=”Theo vinacomin”]