Đó là máy xúc đá lật hông sử dụng trong hầm lò mang nhãn hiệu VMC E500 -1 do Công ty Cổ phần Chế tạo máy – Vinacomin chế tạo. Hai máy xúc VMC E500 -1 đầu tiên đã xuất xưởng, được đưa vào lò đá mức âm 300 Dự án Giếng đứng (gọi tắt dự án) Công ty than Hà Lầm và lò đá mức âm 300, Dự án Khe Chàm 3 (gọi tắt) Công ty than Khe Chàm. Đại diện lãnh đạo 2 công ty này và một số công nhân sử dụng đánh giá cao VMC E500-1, thậm chí một số tính năng ưu việt hơn máy xúc lật hông nhập ngoại.
Tạp chí Vinacomin đ
Sau 2 lần thất bại
Cách đây 6 năm, tức là vào giữa năm 2006, Tập đoàn đã giao cho Công ty Chế tạo máy (VMC) nghiên cứu thiết kế chế tạo và thử nghiệm máy xúc lật hông trong hầm lò, dung tích 0,5m3 (theo quyết định số 1358/QĐ-CL ngày 27 tháng 6 năm 2006). Thực hiện nhiệm vụ của Tập đoàn, VMC đã tập trung nghiên cứu thiết kế và đến năm 2008 đã chế tạo hoàn chỉnh một máy xúc lật hông, dung tích gàu xúc 0,5m3 mang nhãn hiệu “ VMC E500”. Trừ hệ thống điện, động cơ điện chính, động cơ thủy lực các phụ kiện thủy lực nhập khẩu, còn lại phần kết cấu lắp ráp và một số chi tiết máy khác do Công ty thực hiện. Chiếc máy xúc này đã chạy thử nghiệm tại Công ty than Than 45 (Tổng Công ty Đông Bắc) nhưng bộc lộ nhiều nhược điểm nên VMC phải đưa về Nhà máy.
Qua thực tế áp dụng thí điểm tại Than 45, Giám đốc Công ty chỉ đạo nhóm nghiên cứu tìm ra những nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục nhược điểm. Đến năm 2009, chiếc máy thứ 2 ra đời và đưa vào sử dụng thí điểm tại Công ty than Hà Lầm. Sau khi cải tiến khắc phục những nhược điểm của máy xúc lần trước, chiếc máy này khá hơn, đã hoạt động 3 tháng trong lò và đã xúc đá hơn 100 mét lò. Tuy nhiên, “nó” vẫn còn bộc lộ một số yếu điểm, cần phải khắc phục, đó là: tổng thể xe bị lệch tâm về phía sau, khoảng cách sáng gầm không đạt yêu cầu 120mm so với TC max 180mm, răng gầu làm việc hớt, tà âm không đạt 200mm;Tốc độ di chuyển chưa đạt với tính toán V=3,5km/h; đường dây ống thủy lực không gọn; tay điều khiển thiết bị ngược; Động cơ di chuyển không đồng bộ dẫn đến làm việc không ổn định, gây quá tải (gãy trục chủ động HGT); Cụm di chuyển: ga lê bị mòn vẹt nhanh.
Trên cơ sở phân tích, rút ra những nhược điểm trên, VMC đã tổ chức Hội nghị Hội đồng Khoa học, trong đó có đại diện các ban liên quan của Tập đoàn, đại diện các công ty mỏ hầm lò, các chuyên gia cơ khí, cơ điện mỏ v.v. Qua kết luận của Hội đồng Khoa học, Giám đốc quyết định cho chế tạo 2 chiếc máy xúc VMC E500 -1, dựa vào phiên bản máy xúc VMC E500 (hai chiếc máy trước). VMC E500 -1 ra đời đã khắc phục những nhược điểm của 2 chiếc máy xúc nêu trên. Trước khi đưa máy xuống lò của Than Hà Lầm và Than Khe Chàm, VMC E 500-1 đã được xúc thử nghiệm trên mặt bằng của VMC, Than Hà Lầm và Than Khe Chàm; được Cục Thanh tra An toàn Bộ Công thương thẩm định và được thông qua Hội đồng Nghiệm thu của Tập đoàn.
Gần 50% cụm chi tiết của VMC E 500-1 được nội địa hoá
Điều đáng vui mừng là, trong 6 cụm chi tiết của máy VMC500 – 1, có gần 50% do Công ty VMC chế tạo, như thân máy, cụm gối cần, cụm gàu xúc, cụm thùng dầu chính, đối trọng, ghế lái, mái che khung, cụm di chuyển, giá đỡ dây điện, các xi lanh thủy lực với 4 loại, các đầu nối, rắc co, răng gàu xúc. Phân xưởng Kết cấu xây lắp 1 là một trong 6 đơn vị tham gia chế tạo các chi tiết của máy xúc này.
Hiện còn một số phụ tùng của máy xúc phải nhập như: Cụm 3 bơm đồng trục, động cơ thủy lực liền HGT, các loại van, tay điều khiển, các loại ống dầu, bộ làm mát bằng nước, các fin lọc; Phụ tùng điện như: Động cơ điên 45KW, 1450v/p. Tủ điện phòng nổ (khởi động từ, vv…), đèn chiếu sáng, các đường cáp điện phòng nổ; Phần cơ có 10 bộ bánh tì, 2 cụm bánh dẫn hướng, 2 lò xo giảm chấn, 2 cụm xi lanh tăng xích v.v.Tuy nhiên, Công ty tiếp tục nghiên cứu tự chế tạo, hoặc liên doanh với các đơn vị trong và ngoài Tập đoàn, để chế tạo, thay thế phụ tùng nhập ngoại. Ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cho biết, hiện tại năng lực chế tạo thiết bị của Công ty từ 15-:-20 máy/năm.
Nhiều tính năng ưu việt vượt trội so với máy nhập ngoại
Tại Công ty than Hà Lầm, máy xúc VMC E500 – 1 được đưa vào đường lò đá đá ở mức âm 300, thuộc cánh Bắc, nằm trong hệ thống sân ga bến giếng của Dự án xuống sâu mở vỉa bằng giếng đứng. Thợ lái máy xúc chúng tôi gặp là anh Nguyễn Văn Mạnh, thợ lò bậc 5/6, Công trường Kiến thiết Cơ bản 5. Anh Mạnh cho biết, các anh đã được sử dụng máy xúc lật hông của Trung Quốc, Ba Lan, thấy rằng, VMC E500 -1 của ta “khỏe” hơn; đất đá ở đây rất cứng, nhưng máy của ta vẫn… “chấp” tất. Thích nhất là bộ phận nâng hạ gàu, quay phải quay trái gàu để xúc, rất linh hoạt. Máy xúc ngoại mỗi lần quay phải quay trái đều xoay cả thân máy. Đất đá rắn thế này, thân máy liên tục phải xoay, vừa giảm năng suất, vừa hại xích (xích chings bị mài mòn). Ông Quản đốc Công trường này cho biết, từ hôm đưa vào đến nay, VMC E500-1 hoạt động tốt, chưa có trục trặc gì. Ngay hôm đầu, máy xúc đạt sản lượng 86 m3, vẫn chưa hoạt động hết công suất (do lượng đá trong gương không nhiều). Dù mới đưa vào hoạt động, như hầu hết các thợ chính trong công trường đều vận hành khá thuần thục (bình quân mỗi gương có 3 người biết vận hành) vì tính năng hoạt động giống máy cũ.
Đến Công ty than Khe Chàm, chúng tôi gặp đúng lúc máy VMC E500-1 đang xúc đá, tại gương lò tiết diện 19 m2, ở mức âm 300, nằm trong Dự án Khe Chàm 3. Đường lò này do Công trường Kiết thiết cơ bản 4 thi công. Tại đây, máy xúc xúc đá, đổ lên băng tải (ở Hà Lầm, máy xúc, xúc đá đổ lên goòng). Người vận hành máy xúc là anh Nguyễn Đình Loan, thợ lò bậc 5/6. Anh Loan cũng như các ông lãnh đạo Công trường, đại diện lãnh đạo Công ty than Khe Chàm đều khẳng định về những tính năng ưu việt của VMC E500-1 như đã nêu trên. Về năng suất, anh Loan cho biết, trước đây khi sửa dụng máy xúc đá của Trung Quốc, mỗi ca, các anh chỉ xúc được 4-5 goòng đất đá loại dung tích 3 m3 (băng tải đổ lên goòng để tời trục kéo goòng lên mặt đất). Nay, dù mới đưa máy VMC E500-1 vào, vận hành chưa thuần thục nhưng năng suất mỗi ca đạt từ 6 – 7 goòng đất đá.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/may-xuc-da-cua-ta-3317.htm” button=”Theo vinacomin”]