1) Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về huy động mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển.
Nghị quyết TƯ3 Khóa XI của Đảng đã nêu rõ: “Đối với nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư, trước hết phải thay đổi tư duy về đầu tư công, nhất là trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, y tế, giáo dục…; từng bước điều chỉnh cơ cấu theo hướng giảm dần đầu tư công; thực hiện các biện pháp để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư vào các công trình, dự án hạ tầng kinh tế-xã hội có khả năng thu hồi vốn”.
Tại Điều 4 Luật Đầu tư quy định chính sách đầu tư của Nhà nước như sau:
1. Nhà đầu tư được đầu tư trong các lĩnh vực và ngành, nghề mà pháp luật không cấm; được tự chủ và quyết định hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Nhà nước đối xử bình đẳng trước pháp luật đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư.
2) Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển các ngành khai thác khoáng sản, trong đó trọng tâm là ngành Than, bô xít là rất lớn, vượt quá khả năng tài chính và nguồn vốn của Tập đoàn là đơn vị được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Quy hoạch phát triển than, bô xít, đồng, chì, kẽm, thiếc, sắt, cromit, vật liệu nổ công nghiệp, v.v. Cụ thể là:
– Đầu tư phát triển than: Theo Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến 2030 đã được phê duyệt tổng nhu cầu vốn đầu tư cả giai đoạn 2012-2030 là 690.875 tỷ đồng (b/q 36.362 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 1,8 tỷ USD/năm), trong đó riêng giai đoạn 2012-2015 là 208.581 tỷ đồng (b/q 52.145 tỷ đồng/năm, xấp xỉ 2,6 tỷ USD/năm).
– Đầu tư phát triển bô xít: Nhu cầu vốn đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác và chế biến bôxit để thực hiện Quy hoạch (dự thảo) giai đoạn 2012 – 2020 ước tính khoảng 247.164 tỷ VNĐ (khoảng 11,883 tỷ USD), b/q 13.009 tỷ đồng/năm (khoảng 625,4 triệu USD/năm), bao gồm:
+ Các công trình thăm dò địa chất: 526 tỷ đồng (khoảng 25,28 triệu USD);
+ Các công trình khai thác – tuyển bôxit: 20.219 tỷ đồng (khoảng 972 triệu USD);
+ Các công trình chế biến quặng bôxit (alumin, hydroxit nhôm, nhôm kim loại): 202.442 tỷ đồng (khoảng 9,732 tỷ USD);
+ Các công trình hạ tầng: 23.997 tỷ đồng (khoảng 1,153 tỷ USD).
– Đầu tư khai thác các loại khoáng sản khác: Tổng mức đầu tư cho thực hiện quy hoạch khai thác, tuyển, chế biến quặng chì kẽm 520 tỷ đồng, quặng titan 4.282 tỷ đồng, quặng crômít 3.725 tỷ đồng, quặng mangan 2.140 tỷ đồng, dự án sắt Thạch Khê khoảng 16 ngàn tỷ đồng…
– Đầu tư phát triển vật liệu nổ công nghiệp: Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch là 1.794 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn còn được Chính phủ giao là một trong 3 trụ cột phát triển điện và tham gia thực hiện các quy hoạch phát triển các ngành cơ khí, ô tô, xi măng, vật liệu xây dựng, v.v. Riêng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện các dự án nhà máy điện do Tập đoàn làm chủ đầu tư đã lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2015 nhu cầu vốn đầu tư của toàn Tập đoàn khoảng 219 nghìn tỷ đồng, trong đó cho sản xuất than 78,8 ngàn tỷ đồng, sản xuất điện 50,4 ngàn tỷ đồng, công nghiệp bô xít – nhôm 60,5 ngàn tỷ đồng và sản xuất kinh doanh khác 29,3 ngàn tỷ đồng (b/q khoảng 44 ngàn tỷ đồng/năm, tương đương 2,1 tỷ USD/năm). Theo quy định với nguồn vốn đối ứng tối thiểu 30% thì hàng năm Tập đoàn phải cần có quỹ phát triển sản xuất khoảng 13 ngàn tỷ đồng, tương đương với lợi nhuận trước thuế là 35 nghìn tỷ đồng/năm; điều đó là không thể có được trong điều kiện giá than trong nước còn thấp và tình hình xuất khẩu than ngày càng giảm. Như vậy, riêng cân đối vốn đối ứng giai đoạn 2011-2015 của Tập đoàn thiếu khoảng trên 45 ngàn tỷ đồng. Hơn nữa vốn chủ sở hữu của toàn Tập đoàn hiện có khoảng 30 ngàn tỷ đồng. Với tỷ lệ dư nợ vay trên vốn chủ sở hữu không quá 3 lần thì mức dư nợ của Tập đoàn không được quá 90 nghìn tỷ đồng (trong khi hiện đã dư nợ khoảng 40 ngàn tỷ đồng) nên khả năng vốn vay thương mại cũng bị hạn chế.
Rõ ràng, khả năng nguồn vốn của Tập đoàn là quá nhỏ bé so với nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao trong các quy hoạch phát triển ngành.
3) Tạo ra mối quan hệ mật thiết, gắn bó hữu cơ trên cơ sở đồng lợi ích, cùng có lợi và đồng trách nhiệm giữa doanh nghiệp, Tập đoàn với chính quyền, cộng đồng địa phương nói riêng và xã hội nói chung vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của Tập đoàn và phát triển ổn định kinh tế – xã hội trên địa bàn và của cả nước. Doanh nghiệp không những phải thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh mà còn tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là cộng đồng địa phương tham gia góp vốn, tham gia đầu tư phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho dân cư trên địa bàn và xã hội nói chung; thông qua đó cùng phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh của doanh nghiệp có liên quan đến địa phương, cộng đồng cũng như tham gia quản lý và kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, tiết kiệm tài nguyên và sử dụng hiệu quả các nguồn lực Nhà nước giao, đặc biệt là khoáng sản, đất đai và vốn.
4) Cùng với sự gia tăng quy mô sản xuất, quy mô số lượng lao động tăng cao không những sẽ gây khó khăn cho công tác tuyển dụng, đào tạo, làm phức tạp thêm cho việc quản lý mà còn gây áp lực lên các vấn đề hạ tầng xã hội như nhà ở, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, v.v. vượt quá khả năng quản lý và chăm lo của doanh nghiệp.
5) Tính không ổn định của nhu cầu thị trường và sự biến động của điều kiện khai thác mỏ cũng như thời tiết, khí hậu dẫn tới sự tăng giảm lớn quy mô sản xuất và khối lượng công việc gây khó khăn trong việc đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập dẫn đến phức tạp hóa các vấn đề về lao động, an sinh xã hội, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) (nhận lao động vào thì dễ nhưng giảm thì rất khó, thậm chí không thể giảm được). Điều đó đã được chứng minh rõ ràng bằng thực tiễn trong các thời kỳ ngành Than bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, chẳng hạn trong giai đoạn 1998-2000 và giai đoạn từ 2008 đến nay.
6) Kinh nghiệm thực tế thời gian qua của các công ty, đơn vị thành viên trong Tập đoàn về huy động các nguồn lực ngoài xã hội dưới các hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật để phát triển kinh doanh, bao gồm các hình thức thuê hoạt động/vận hành (như thuê vận chuyển đất đá, thuê bốc xúc đất đá ở các mỏ than, khoáng sản), thuê gia công, thuê tài chính, hợp đồng thuê khoán dài hạn, thành lập công ty cổ phần kỷ tâm để huy động vốn của CBCNV và tham gia đầu tư với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, hợp tác đầu tư áp dụng cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò, v.v. Mới đây nhất là đầu tư dự án băng tải chở than từ mỏ than Mạo Khê đến nhà máy nhiệt điện Mạo Khê đã được doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thắng thầu và thực hiện bằng hình thức xây dựng – vận hành (BO) và đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng như doanh nghiệp không phải: lo vốn, lo thực hiện đầu tư, lo tuyển dụng lao động, lo quản lý, vận hành; thi công nhanh gọn, kịp thời phục vụ nhà máy điện đi vào hoạt động, tiết kiệm hơn 20% chi phí vận chuyển và đem lại hiệu quả cao.
7) Kinh nghiệm của các doanh nghiệp khai thác mỏ ở nước ngoài cho thấy họ chủ yếu chỉ nắm quyền chủ mỏ/khai thác mỏ và khâu tiêu thụ sản phẩm, còn lại công việc của các khâu trong quá trình khai thác, sàng tuyển, chế biến, vận chuyển đều thuê ngoài hoặc do các cá nhân, tổ chức bên ngoài đầu tư và vận hành.
Những điều nêu trên vừa thể hiện rõ căn cứ pháp lý và thực tiễn, đồng thời cũng cho thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư quá trình phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, hơn thế nữa còn đòi hỏi phải đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình tổ chức kinh doanh, đổi mới cơ chế quản lý nội bộ Tập đoàn, tổng công ty, công ty thành viên phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu khu vực DNNN, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng cũng như phù hợp với cơ chế thị trường thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng.
Mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc và phương thức thực hiện xã hội hoá đầu tư trong Tập đoàn
1) Nhận thức về xã hội hóa đầu tư:
Trong phạm vi bài này, phạm trù xã hội hóa đầu tư được hiểu với ý nghĩa bao gồm sự tham gia của nhiều cá nhân, nhiều tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế vào quá trình đầu tư của các đơn vị thành viên, của Tập đoàn theo quy định của pháp luật để phát triển ngành Than – Khoáng sản cũng như phát triển kinh doanh nói chung của doanh nghiệp, của Tập đoàn.
2) Mục tiêu xã hội hóa đầu tư:
– Mục tiêu tổng quát là phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, kể cả đầu tư nước ngoài bằng các hình thức thích hợp để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh doanh của các đơn vị thành viên, của Tập đoàn nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sản lượng và chất lượng sản phẩm/dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
– Mục tiêu cụ thể, gồm có:
+ Thu hút vốn, thu hút đầu tư, đổi mới mô hình đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư.
+ Giảm tải cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, quản lý lao động, đảm bảo an sinh xã hội, v.v.
+ Góp phần đổi mới mô hình tổ chức và quản lý sản xuất của doanh nghiệp theo hướng tiến tới doanh nghiệp chủ yếu nắm quyền quản lý, giám sát và chỉ huy điều hành thống nhất toàn bộ quá trình hoạt động kinh doanh, một số khâu trọng yếu trong dây chuyền và tiêu thụ sản phẩm cuối cùng; còn lại tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thực hiện dưới sự giám sát và chỉ huy điều hành thống nhất của doanh nghiệp, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và phát triển hài hòa với địa phương và cộng đồng xã hội.
+ Góp phần thực hiện phương châm phân phối hợp lý các lợi ích thu được từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản giữa các chủ thể liên quan, nhất là đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn vì mục tiêu phát triển bền vững.
3) Yêu cầu đối với thực hiện xã hội hóa đầu tư:
– Tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
– Đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.
– Đảm bảo không ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và thực hiện nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp, đặc biệt là nhiệm vụ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và một số cân đối lớn về khoáng sản của nền kinh tế.
– Xã hội hóa đầu tư không phải là “chuyển gánh nặng tài chính” của doanh nghiệp cho xã hội và càng không phải là “mở cửa” vô lối cho mọi cá nhân, mọi tổ chức vào đầu tư mà những người tham gia đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu về năng lực theo quy định để thực hiện đầu tư và vận hành công trình có trách nhiệm và hiệu quả.
4) Nguyên tắc thực hiện xã hội hóa đầu tư:
Để đạt được các mục tiêu và đáp ứng các yêu cầu nêu trên, việc thực hiện xã hội hóa đầu tư phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
a) Xã hội hóa đầu tư thực chất là tạo điều kiện cho xã hội tham gia hợp tác đầu tư cùng doanh nghiệp theo nguyên tắc các bên cùng có lợi và cùng chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ của mình đã được thỏa thuận và phân giao.
b) Đảm bảo vai trò chỉ huy điều hành thống nhất của chủ đầu tư/doanh nghiệp đối với toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo sự vận hành đồng bộ, liên tục, hài hòa giữa các khâu, các công đoạn, các bộ phận trong dây chuyền kinh doanh.
c) Xây dựng và đảm bảo tuân thủ quy trình, quy định đã đề ra để lựa chọn được các cá nhân, tổ chức thực sự có năng lực tham gia thực hiện đầu tư và vận hành công trình/hạng mục công trình thông qua đấu thầu công khai, minh bạch.
d) Cần phải tạo ra một môi trường và cơ chế đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp theo hướng tăng cường vai trò tham gia tích cực của mọi cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc đầu tư phát triển kinh doanh của doanh nghiệp theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.
đ) Xã hội hóa đầu tư không chỉ là nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư đơn thuần mà điều quan trọng nữa là phải biết hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý và trình độ tổ chức kinh doanh theo hướng tiên tiến, hiện đại và hiệu quả.
5) Các phương thức thực hiện xã hội hóa đầu tư:
Về mặt nguyên tắc việc xã hội hóa đầu tư vào các công ty thành viên, Tập đoàn được thực hiện theo các hình thức được quy định trong Luật Đầu tư (2005), đó là:
1. Các hình thức đầu tư trực tiếp, gồm:
a. Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
b. Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
c. Đầu tư theo hình thức hợp đồng các loại: BCC, BOT, BTO, BT.
d. Đầu tư phát triển kinh doanh.
e. Mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
f. Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp.
g. Các hình thức đầu tư trực tiếp khác.
2. Đầu tư gián tiếp gồm các hình thức:
a) Mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác;
b) Thông qua quỹ đầu tư chứng khoán;
c) Thông qua các định chế tài chính trung gian khác.
Việc áp dụng hình thức đầu tư nào là tùy theo từng trường hợp cụ thể và do nhà đầu tư quyết định theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
Đối với Tập đoàn, trong giai đoạn trước mắt khuyến khích tham gia đầu tư phát triển kinh doanh với các hình thức BO, BOT để xây dựng các công trình, hạng mục công trình cũng như đấu thầu thực hiện một số công việc trong dây chuyền khai thác, chế biến than, khoáng sản, luyện kim, nhà máy nhiệt điện và các hình thức khác phù hợp với từng lĩnh vực, công trình, hạng mục công trình kêu gọi xã hội hóa đầu tư dưới đây.
6) Các lĩnh vực, công trình, hạng mục công trình thực hiện xã hội hóa đầu tư trong Tập đoàn:
Nguyên tắc chung là những gì xã hội làm được và làm có hiệu quả hơn, có lợi hơn thì tạo điều kiện cho xã hội làm.
Định hướng chung như sau:
a. Trong ngành Than:
– Khai thác lộ thiên: Thuê bốc xúc, vận tải đất đá bằng ô tô; đầu tư xây dựng và vận hành các tuyến băng tải chở đất đá, chở than (từ mỏ đến cảng và đến các nhà máy nhiệt điện than trong vùng); thuê khoan, nổ mìn đất đá; thuê làm đường và duy tu đường mỏ.
– Khai thác hầm lò: Hợp tác đầu tư áp dụng cơ giới hóa khai thác than trong lò chợ; nhận thầu đầu tư khai thác mỏ than; đầu tư xây dựng và vận hành các tuyến băng tải chở than (từ mỏ đến cảng và đến các nhà máy nhiệt điện than trong vùng); hợp tác đầu tư khai thác, chế biến than ở bể than đồng bằng sông Hồng.
– Sàng tuyển, chế biến than: Đầu tư và vận hành các cụm sàng mỏ có công suất thấp (300-500 nghìn tấn /năm); đầu tư các cụm sàng mini để sàng tuyển tận thu than từ bã xít, thu hồi và chế biến than cám mịn từ bùn của các nhà máy tuyển.
– Bảo vệ môi trường, tận thu tài nguyên và tái chế chất thải: Hợp tác đầu tư xử lý tái sử dụng nước thải mỏ cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt; hợp tác đầu tư chế biến vật liệu xây dựng từ xỉ thải của nhà máy tuyển than, khai thác các khoáng sản có ích đi kèm trong các mỏ than; đầu tư xây dựng và vận hành các tuyến đường chuyên dụng chuyên chở than bằng ô tô, v.v.
b. Trong khai thác, chế biến bô xít và các khoáng sản khác:
– Bô xít: Đầu tư xây dựng và vận hành các tuyến băng tải chở quặng tinh từ nhà máy tuyển đến nhà máy chế biến alumin; thuê chở quặng từ khai trường về nhà máy tuyển; hợp tác đầu tư tái chế bùn đỏ làm vật liệu xây dựng và các sản phẩm khác; hợp tác đầu tư hoàn thổ và hoàn nguyên môi trường các khu vực đã kết thúc khai thác.
– Các khoáng sản khác: Thuê bốc xúc, vận chuyển đất đá và quặng ở mỏ sắt Thạch Khê và các mỏ khoáng sản khác; thuê xây dựng và duy tu đường mỏ; hợp tác đầu tư khai thác và chế biến quặng cromit, titan và các khoáng sản đi kèm, tái chế chất thải quặng đuôi, v.v.
c. Các lĩnh vực kinh doanh khác:
– Hợp tác đầu tư chế tạo các sản phẩm cơ khí phục vụ cho chương trình cơ giới hóa khai thác than, khoáng sản nói chung, nhất là khai thác than hầm lò và an toàn lao động.
– Thuê gia công các sản phẩm khối lượng nhỏ hoặc đơn chiếc; cung cấp các dịch vụ mang tính thời vụ cho các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
– v.v.
3. Các giải pháp tổ chức thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư trong Tập đoàn
Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải khẩn trương tổ chức triển khai các nội dung sau đây để đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư:
a. Lập chiến lược, kế hoạch dài hạn và kế hoạch 5 năm về đầu tư phát triển làm căn cứ cho việc lập danh mục các công trình, hạng mục công trình và các công tác cần kêu gọi và thu hút đầu tư của xã hội.
b. Tổng kết đánh giá việc thu hút đầu tư của xã hội trong thời gian qua, làm rõ kết quả đạt được và những bất cập, tồn tại, rút ra những bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho việc thực hiện xã hội hóa đầu tư thời gian tới nói chung và phục vụ cho việc xây dựng cơ chế, quy chế, quy trình, lập danh mục kêu gọi xã hội hóa đầu tư và tổ chức thực hiện.
c. Lập danh mục các công trình, hạng mục công trình và các công tác cần kêu gọi và thu hút sự tham gia đầu tư của xã hội, trong đó xác định rõ và đầy đủ các thông số, chỉ tiêu công nghệ, kỹ thuật, kinh tế và các điều kiện vận hành, v.v. để làm cơ sở lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật phục vụ thi công xây dựng.
d. Xây dựng quy chế (bao gồm cả quy chế đấu thầu), quy trình, quy định về trình tự, thủ tục, các điều kiện, chức trách, nhiệm vụ, quyền, nghĩa vụ và những ràng buộc đối với các bên liên quan trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư nói chung cũng như trong quá trình thực hiện từng dự án đầu tư và hình thức đầu tư, quản lý, vận hành công trình đầu tư khi đi vào hoạt động, v.v.
đ. Phối hợp với địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn nhà đầu tư, cần có cơ chế, chính sách phù hợp và tạo sự thông thoáng để huy động cao nhất các nguồn lực và mời gọi đầu tư, đặc biệt là trong việc giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đất sạch.
e. Chuẩn bị mọi điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư.
f. Tổ chức phổ biến rộng rãi dưới mọi hình thức danh mục các công trình, hạng mục công trình và các công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư cũng như quy chế, quy trình, quy định, thủ tục, cơ chính sách, điều kiện về thực hiện xã hội hóa đầu tư.
g. Sau mỗi lần thực hiện dự án và định kỳ tổ chức tổng kết đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm cho lần sau, kỳ sau.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/day-manh-thuc-hien-xa-hoi-hoa-dau-tu-de-phat-trien-nganh-than-khoang-san-3672.htm” button=”Theo vinacomin”]