Một cuộc rượu vui hiếm có nhân ngày Truyền thống Thợ mỏ 12.11. Huynh đệ, bằng hữu quây quần. Chuyện trên trời dưới đất, vui như “sáo tắm”. Và dưới đây là những đoạn hồi ức của ông Đoàn Văn Kiển – nguyên thợ lò Mông Dương, cũng chính là thủ lĩnh cũ của ngành Than…
“… Thời tớ còn làm giám đốc ở Xí nghiệp xây lắp mỏ Mông Dương cách nay cũng đã ngót 40 năm. Hồi đó, Mông Dương là một thị trấn vắng hoe, mù mịt bụi than. Chỗ có vẻ “đô hội” nhất là cái chòm thợ mỏ của bọn tớ cả nghìn con người dù chỉ có nhà cấp bốn, nhà giấy dầu hoặc lợp fibro xi măng. Ngày đó gian nan thế nào, bây giờ kể, người ngoài khó hình dung được. Tìm một chỗ phơi tấm áo trắng cũng khó. Rau trồng, bụi quá không lên nổi. Bữa cơm tập thể lèo phèo canh “toàn quốc”, lạc rang, cá khô. Bữa nào sang có món thịt kho đậu. Một miếng thịt, năm bảy miếng đậu. Cũng chỉ “như voi uống thốc gió”. Cuộc sống nghèo khó thế nhưng mà vui. Vì dân xây dựng hầm lò phần đông toàn cánh trẻ. Ngày bọn tớ chui lò. Đêm về đàn hát, nhảy nhót. Chỉ vài cây ghi – ta, mấy chiếc thìa, ba cái xô lật ngược là đủ thành dàn nhạc mạnh. Hôm nào được bữa rượu thịt chó, có khi biểu diễn suốt đêm.Tất nhiên tớ cũng nhảy. Quân du học Đông Âu về, đứa nào cũng biết nhảy. Nhảy điệu nữa là khác. Chúng tớ nghịch phá trời. Nhưng làm như điên và kỷ luật công trường cũng cực kỳ sắt đá. Quân đào lò, anh nào bớt xén kỹ thuật, chỉ cần tái phạm một lần, tớ cho vé mã hồi liền. Không sắt đá không thể khôi phục được cái lò giếng sâu trăm mét, ngập nước hàng chục năm như thế. Có đứa gọi tớ là “Pôn Pốt”.
Chết cười, một lần vợ và thằng con trai tớ ra chơi. Đang ngồi trong căn hộ tập thể chật chội của tớ thì có tiếng phụ nữ đánh tiếng. Vợ tớ và thằng cu con rút vào phòng trong. Khách hóa ra là cô thợ “nhà đèn”. Vừa ngồi xuống ghế cô em đã nức nở: “Anh ơi, anh tha cho em đi. Anh có thương em thì giữ kín cho qua nốt cái đận này kẻo lộ ra thì thằng chồng em nó giết em mất…Nó cục lắm anh ơi lần trước mới nghe phong thanh em bị anh “ấy” mà nó đã mài dao xoèn xoẹt rồi. Nó làm thật đấy anh ơi!” …Tớ càng bảo “Cứ bình tĩnh”, cô em càng khóc to hơn. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ một câu “Lần trước nghe phong thanh em bị anh…huhu..” … Cậu bảo, cứ cái trích đoạn này thì có khi vợ tớ nó thịt tớ trước. Mà lọt vào tai đứa bẻm mép, nó mang đi “phổ biến nội bộ” có khi mình bỏ đời luôn. Lúc ấy, tớ cũng rối ruột, bèn quát: “Thôi về đi!”. May mà trước khi đứng lên, cô em còn nói được một câu: “Em cũng chỉ dám xin anh tha cho lần này thôi. Em đã viết bản kiểm điểm hứa từ nay đi ca là phải thức canh sạc. Không được mắc màn ngủ để anh bắt được! “Sau đó là đến lượt tớ phải giải thích cho vợ. Cô em trực ca ba nhà đèn nhưng lại mắc màn ngủ. Tớ đi kiểm tra bắt quả tang lần thứ hai. Theo quy định chung, bất kỳ lý do gì, tái phạm kỷ luật sẽ bị sa thải. Vợ tớ cười nghiêng ngả. May mà cô em nhà đèn chốt cho câu cuối, nếu không đêm ấy tớ không bị nằm muỗi cũng toi mất “quả liên hoan”!
Chuyện thứ hai
“… Phải nói dân thợ lò cực khỏe. Làm việc khỏe, chơi khỏe, yêu cũng khỏe. Tớ để ý, lính mình nhiều đứa đi ca ba về, ngủ qua quýt mấy tiếng đã dậy, thế là phới ra Cẩm Phả xem bóng đá hoặc cưa gái tối sập mới mò về. Chẳng biết tụi nó ăn uống kiểu gì, đêm đi kiểm tra, đã thấy tất cả lưng trần nhễ nhại trong lò. Nhiều khi thấy thương anh em quá. Cưới nhau ở lán rồi lại đón dâu về ở lán. Thế mà vẫn cứ sinh con đẻ cái. Bầu bí, chanh leo vẫn nở hoa, làm nên chòm xóm. Bao nhiêu năm trôi qua, tớ vẫn nhớ từng khuôn mặt những người anh em cũ. Có thằng hơn ba chục tuổi đầu, bố mẹ ở quê gọi về lấy vợ, khất hết lần này đến lần khác. Lại có thằng mê gái đến đờ đẫn.
Nói chuyện lính tráng, tớ cũng hay nhớ thằng Man. Anh em thường nó là “Hariman” (có thể là tiện mồm, cũng có thể vì người nó chắc nịch và bụng to như bụng ngài Hariman – nhân vật Mỹ đình đám của Hội nghị Pari thời kỳ đầu?). Hariman cũng máu gái kinh khủng. Một đêm, tớ đang trực ca thì tay tổ trưởng bảo vệ chạy vào: “Cáo anh, tình hình rất nghiêm trọng. Bọn em vừa bao vây, bắt sống thằng Hariman tại bãi lau cạnh cửa lò! “Cái gì? – tớ hơi hoảng. Tay tổ trưởng mặt mũi càng kinh khủng, ghé sát tai thì thào: “Thằng Hariman – nó ngủ với một đứa ở xí nghiệp bên ngay tại cửa lò nhà mình có chết không chứ!” Tớ hỏi: Tang vật đâu? Tổ trưởng bảo: “Làm gì phải tang vật. Trắng phớ cả. Chúng nó quần nát cả một vạt rau dền. Biên bản lập rồi”. Tớ hỏi, thế thằng Hariman đâu? Tổ trưởng bảo: “Nó lại tụt xuống lò làm rồi anh ạ.” Tớ bảo: “Thế lúc trước nó từ đâu ra? Tổ trưởng bảo: “Từ lò chui lên chứ đâu. Thằng này khỏe mà nhanh lắm. Cái lò cả trăm mét, thang máy khóa mà nhoằng cái nó chui lên, làm chớp nhoáng xong lại nhoằng cái tụt xuống mất tăm. Bữa trước em chỉ chạy đi gọi người, mươi phút sau quay lại, nó đã biến như thần. Em còn bị cả tổ vu là quáng gà!”. Tớ bảo: Thôi lần đầu, tha cho nó đi. Tổ trưởng cự: “Thế thì toi công em phục cả tuần nay à! Thế nhỡ chúng nó chửa ra đấy thì sao!” Tớ cười đánh trống lấp: “Thì anh em ta lo”! Mà rồi lo thật. Sau đó, cô kia đẻ được thằng con trai. Không có giá thú nhưng tớ vẫn cấp nhà cho hai đứa về ở với nhau. Bây giờ thằng cu đã là chàng trai ba mươi tuổi.
Vì chuyện Hariman cộng thêm việc cho phép ban nữ công vận động hơn hai mươi cô thợ quá lứa của đơn vị “đặt vòng” và rồi trường hợp nào cơ nhỡ cũng lại lo nhà cửa, con cái học hành không sót ai mà hồi đó tớ bị Đảng ủy Xí nghiệp phê là phi nguyên tắc, hữu khuynh, vẽ đường cho hươu chạy. Ngày ấy tớ luôn tự hỏi, giữa mảnh đất cực nhọc, quạnh hiu và một đời sống gian nan chồng chất, nếu thiếu lòng vị tha và sự bao dung liệu con người ta có đủ đức tin để làm lụng và sống tốt hơn lên? Giờ nhớ lại, đôi khi tớ cứ bật cười một mình. Cũng chẳng muốn cắt nghĩa rằng thời trẻ, tớ là thằng lãng mạn hay duy lý nữa!…”
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/bat-song-hariman-tai-cua-lo-mong-duong-3675.htm” button=”Theo vinacomin”]