Cùng với bánh chưng, củ kiệu, hoa mai, hoa đào, hơn nửa thế kỷ qua, một sản phẩm không thể thiếu trong nhiều mái ấm Việt trong những ngày Tết là các tờ báo xuân. Từ giữa tháng Chạp đến ngày cuối năm cũ, trên các sạp báo, báo xuân được bày bán rực rỡ, góp phần làm cho không khí đón xuân thêm tưng bừng, rạo rực, hối hả. Báo xuân là sản phẩm sáng tạo giàu chất văn hóa, là nét đặc sắc chỉ có ở Việt Nam. Nhưng ai là nhà báo Việt đầu tiên nghĩ ra việc làm báo Tết? Tờ báo xuân đầu tiên ra đời lúc nào?
Bài báo xuân gần 100 tuổi
Có tác giả – thông qua việc khảo sát cách tổ chức nội dung, trang mục của các tờ Phong Hóa, tờ Ngày Nay – cho rằng, sáng kiến làm báo xuân xuất phát từ nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Một số ý kiến thì cho rằng, nhóm Tự Lực Văn Đoàn có công nâng cao chất lượng nội dung, hình thức báo xuân nhưng không có công sáng tạo ra cách làm báo Tết mà Phụ Nữ Tân Văn mới là tờ báo làm số báo xuân đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1930.
Theo cuốn sách “Báo chí Việt Nam – những sự kiện đầu tiên và nhất” do Nhà xuất bản Trẻ cho ra đời năm 2006, thì tờ báo xuân đầu tiên là Nam Phong Tạp Chí, ra riêng số Tết năm 1918. Số Tết này nằm giữa số 8 (tháng 2-1918) và số 9 (tháng 3-1918). Thông tin ấy các tác giả cuốn sách dựa theo dữ kiện do nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển viết trong cuốn “Thú chơi sách”. Theo cụ Vương Hồng Sển: “Nam Phong có cả thảy hai trăm mười một cuốn vì Tết năm 1918 có cho ra một tập riêng, toàn thơ văn có giá trị và nếu không lầm, tập ấy là thủy tổ các số báo xuân, báo tân niên, báo đặc biệt vậy”. Các tác giả sách “Báo chí Việt Nam – những sự kiện đầu tiên và nhất” dựa vào ý kiến trên để khẳng định rằng Nam Phong Tạp Chí “được xem là tờ xuân đầu tiên của làng báo Việt Nam”. Bên cạnh đó, các tác giả sách còn kể thêm tờ báo xuân thứ hai là Đông Pháp thời báo năm 1928, Thần Chung xuân Kỷ Tỵ 1929, Phụ Nữ Tân Văn xuân Canh Ngọ 1930, Công Luận xuân Tân Mùi 1931…
Và theo hướng “nếu không lầm” của cụ Vương Hồng Sển, thì ý kiến cho rằng Phụ Nữ Tân Văn là tờ báo xuân đầu tiên (ra đời năm 1930) e không có cơ sở vì nó ra đời sau số Tết của Nam Phong Tạp Chí những 12 năm. Và, cũng theo ý kiến của cụ Vương, thì trước Phụ Nữ Tân Văn, còn có Đông Pháp Thời Báo, Thần Chung đều đã có ra số xuân.
Tác giả Phạm Xuân Đài trong một bài viết trên website www.mautam.net cũng khẳng định: “Nam Phong Tạp Chí ra đời giữa năm 1917 (Đinh Tỵ), và ngay cái Tết đầu tiên của tờ báo, ông Phạm Quỳnh đã nghĩ đến việc làm một “số Tết” – một điều mà những tờ báo đi trước như Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Dương Tạp Chí… chưa ai nghĩ ra”.
Khi tìm tư liệu viết bài này, nhà báo Lam Điền (báo Tuổi Trẻ) có chia sẻ cho chúng tôi bản số hóa của tờ “Nam Phong Tạp Chí” số Tết 1918. Bài viết đầu trên số báo xuân đầu tiên ấy có nhan đề “Số Tết của báo Nam Phong”, tác giả bài báo này chính là chủ bút Phạm Quỳnh. Từ nội dung bài báo này, có thể khẳng định rằng, Nam Phong Tạp Chí đúng là tờ báo đầu tiên làm báo Tết và đó là số báo Tết đầu tiên.
Từ báo xuân đến hội báo xuân
Từ “Nam Phong tạp chí” với ấn phẩm đặc biệt ghi ngoài bìa “Số Tết 1918” do Phạm Quỳnh khởi xướng đến nay, lịch sử báo xuân Việt Nam đã phát triển được 94 năm!
Ngày nay, công nghệ làm báo in có sự phát triển vượt bậc. Báo xuân đã liên tục cải tiến về nội dung và hình thức qua thời gian. Báo chí hiện đại còn có thêm các loại hình mới. Báo trực tuyến, báo nói, báo hình cũng vận dụng linh hoạt hình thức “báo xuân” của cha ông trên các kênh thông tin của mình.
Và một hoạt động thú vị khác từ truyền thống làm báo xuân của làng báo Việt đã hình thành những năm qua là Hội Báo Xuân.
Có thể khẳng định chắc chắn rằng Hội báo xuân là một kiểu lễ hội đặc biệt chỉ có ở Việt Nam, không thể tìm thấy ở bất cứ một nước nào trên thế giới. Nó vừa là loại hình hoạt động văn hóa đặc sắc của giới báo chí phục vụ công chúng vào những ngày đón một mùa xuân mới của dân tộc, vừa là một hoạt động mang tính nghiệp vụ, một cuộc biểu dương lực lượng của các cơ quan báo chí Việt Nam sau một năm phấn đấu không mệt mỏi. Hội báo xuân giờ đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đầu xuân đặc sắc không chỉ của giới báo chí.
Ngày nay, số lượng ấn phẩm báo in, tạp chí của cả nước lên hơn con số 600 (đó là chưa kể hàng chục ngàn tờ tin nội bộ do các địa phương xuất bản). Tất cả các ấn phẩm ấy đều có số đặc biệt chào đón xuân mới. Hội báo xuân là cơ hội để mọi người tiếp cận đầy đủ với rừng hoa xuân báo chí cả nước! Bởi từng tờ báo xuân là một bông hoa đẹp, là món ăn tinh thần có ý nghĩa của mọi người trong dịp Tết.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ai-la-ong-to-bao-xuan-4080.htm” button=”Theo vinacomin”]