Năm 2012, mặc dù có nhiều khó khăn do xuất khẩu than của Tập đoàn giảm, nhưng do chủ động mở rộng thị trường dịch vụ bên ngoài, nên Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải – Vinacomin đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây thực sự là những nỗ lực cao của tập thể cán bộ, nhân viên đơn vị. Mặc dù, nhiều khó khăn thách thức phía trước nhưng không làm cho người chiến sỹ hoa tiêu chùn bước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tất Thắng, Giám đốc Công ty cho biết, trong năm 2012, Công ty đã dẫn 856 lượt tàu thuyền các loại, trong đó có 715 tàu nước ngoài cập bến đảm bảo an toàn, vượt kế hoạch đề ra gần 100 tàu. Với số lượng tàu dẫn dắt trên, giá trị sản xuất của Công ty đạt 27,4 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị dịch vụ hoa tiêu đạt 23 tỷ đồng, bằng trên 150% kế hoạch năm. Thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng (nhân viên văn phòng 8,2 triệu đồng/người/tháng). Ông Thắng cho hay, để đạt được con số khá ấn tượng trên, Công ty đã chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời mở rộng dịch vụ ra ngoài Ngành.
Bên cạnh công việc chính – hoa tiêu dẫn tàu, nhằm tạo thêm công việc, cũng là dự báo xu thế giảm dần than xuất khẩu đến mức ngừng xuất khẩu trong một tương lai gần, do đó nguồn thu từ công việc hoa tiêu sẽ giảm đi, được sự đồng ý của Tập đoàn, Công ty đã mở thêm dịch vụ vận tải than cho các hộ tiêu thụ khác… “Năm 2012, doanh thu từ công việc vận tải và đại lý cũng đạt trên 4 tỷ đồng” – ông Thắng nói.
Quyết định làm ảnh hưởng lớn đến việc làm của người lao động
“Vui mừng trước thành công trong năm 2012, nhưng Công ty cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Về tình hình xuất khẩu than giảm đã đành, nhưng một số cơ chế chính sách mới cũng làm tình hình phức tạp” – ông Thắng trầm ngâm. Ông Thắng dùng từ “dậy sóng” để nói về một quyết định của Cục Hàng hải Việt Nam gần đây đã làm cho công tác hoa tiêu của các đơn vị trong tỉnh Quảng Ninh trên vùng biển này trở lên phức tạp. Ông cho biết, hiện nay trên vùng biển Quảng Ninh có 2 tuyến dẫn tàu trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc là tuyến Hòn Gai và tuyến Cẩm Phả. Ngày 1-10-2012, Cục Hàng hải VN đã ban hành các quyết định về việc giao tuyến dẫn tàu. Trong đó tuyến dẫn tàu Cẩm Phả được giao cho Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải Vinacomin theo QĐ số 811; tuyến dẫn tàu Hòn Gai được giao cho Công ty Hoa tiêu khu vực III của tỉnh Quảng Ninh theo QĐ số 804. Tuy nhiên, ngày 19-11-2012, Cục Hàng hải VN lại có Quyết định số 993, giao cho Công ty Hoa tiêu khu vực III của tỉnh Quảng Ninh tổ chức cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho tàu thuyền bốc xếp, chuyển tải clinke, xi măng và các loại hàng hóa rời (dăm gỗ, đá các loại…) trên khu vực chuyển tải Hòn Nét mà không phục vụ ngành Than.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tuyến dẫn tàu Cẩm Phả đã giao cho Công ty Hoa tiêu – Vinacomin nhưng lại cho phép Công ty Hoa tiêu khu vực III của tỉnh Quảng Ninh được dẫn tàu khi có yêu cầu là chưa đúng với quy định tại khoản 4 điều 3 của Nghị định số 173/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức hoạt động của hoa tiêu hàng hải. Quy định chỉ rõ: “Một tuyến dẫn tàu chỉ do một công ty hoa tiêu đảm nhận cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải”. Như vậy, rõ ràng Cục Hàng hải VN đã ban hành văn bản trái với quy định của Chính phủ.
Ngay sau khi Cục Hàng hải VN ban hành Quyết định số 993, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã có văn bản gửi Cục Hàng hải VN đề nghị xem xét lại quyết định trên. Ngày 26-12-2012, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có công văn số 6533/UBND-GT2 gửi Bộ GT-VT, đề nghị Bộ GT-VT và Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, dừng việc thực hiện QĐ số 993.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải trên vùng biển Quảng Ninh đều là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động dịch vụ công ích, được Cục Hàng hải VN ký hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải.
Mặt khác, tuyến luồng dẫn tàu từ Fo vào Hòn Nét – Cẩm Phả là do Vinacomin đầu tư, lắp đặt các trang thiết bị dẫn đường và quản lý. Hàng năm Vinacomin phải chi phí để duy tu, bảo dưỡng và nạo vét luồng lạch phục vụ an toàn hàng hải cho tàu ra vào, an ninh cảng biển và chống ô nhiễm môi trường vùng biển Cẩm Phả. Dư luận đang rất lo ngại về nguy cơ mất an toàn hàng hải do sự chồng lấn tuyến dẫn tàu tại khu vực này. Hơn thế nữa, quyết định này cũng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến công ăn việc làm của hàng trăm lao động hoa tiêu hàng hải, một nghề không dễ đào tạo như nhiều ngành khác.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hoa-tieu-co-hoi-thach-thuc-4102.htm” button=”Theo vinacomin”]