Khoảng mười năm trở lại đây thợ mỏ ta không còn xa lạ với việc du chơi đó đây và nghĩ dưỡng ở miền biển hay miền núi. Hầu hết các đơn vị thành viên trong Tập đoàn các Công ty Than – Khoáng sản Việt Nam đều tổ chức cho công nhân viên chức đi du lịch hay nghỉ dưỡng hàng năm ở trong nước và cả ở nước ngoài trong thời gian từ vài ngày đến mươi ngày. Ở một số công ty, trong một năm, không còn sót ai có nguyện vọng mà lại không được đi chơi hay đi nghỉ ít nhất là vài ngày. Sau Tết Nhâm Thìn 2012, Công
Bây giờ nói đến việc lo cho thợ mỏ đi chơi của các công ty thành viên VINACOMIN. Việc chọn công ty du lịch lữ hành đã diễn ra theo nhiều cách khác nhau: có công ty tổ chức “đấu thầu”, có công ty cho mỗi anh một ít tùy theo mối quan hệ, có công ty chỉ chọn các thương hiệu nổi tiếng, còn chọn theo “mức độ lại quả” thì chắc không phải là không có… Tác giả tin rằng nếu như các lãnh đạo các công ty, công đoàn các công ty cử người trung thực, biết việc, hiểu biết về thị trường du lịch lữ hành đưa ra yêu cầu cụ thể (ai đi, đi bao nhiêu người, đi đâu, xem gì, có vào làng nghề hay cửa hàng nào không, ăn ở đâu (ở nhà hàng cấm rượu hay có rượu, nhà hàng có đồ ăn kiêng, ăn chay! ngủ ở đâu: trung tâm thành phố, ở khu thương mại hay ngoại ô, (chỗ ngủ cần đủ rộng, sạch sẽ, có điều hòa không khí, có tắm nóng, đừng quá lệ thuộc vào số sao!), tất cả trong bao nhiêu ngày, trình độ và tư cách hướng dẫn viên (trong nước và đối tác nước ngoài) thế nào, bảo hiểm ra sao, sự cố ai giải quyết…) để làm việc và lựa chọn công ty lữ hành theo nguyên tắc “tiền nào của ấy”, đừng ham chọn giá rẻ thì chất lượng các chuyến du chơi của thợ mỏ sẽ tốt hơn, vui hơn. Nếu đến các nước yêu cầu có thị thực nhập xuất cảnh thì phải xin xác định ngày về trước ngày hết hạn ghi trong thị thực (visa) ít nhất là một ngày phòng khi có sự cố lỡ chuyến bay phải xin thị thực bổ sung vừa tốn tiền lại vừa bực mình. Phải nói rõ điều này với công ty lữ hành vì họ thường mua vé ngày về trùng vào ngày hết hạn của thị thực.
Còn về phía thợ mỏ – những người đi chơi và được đi chơi thì sao? Làm sao để mỗi chuyến đi thú vị hơn? Ông bà ta đã có câu “nhập gia tùy tục”, “đi nước Lào ăn mắm ngoé“ ấy thế mà nhiều đoàn thợ mỏ sang Trung Quốc, sang Singapo, Mã Lai chơi vẫn mang theo muối vừng và ruốc, thậm chí mang theo mỳ ăn liền. Ngoại trừ những người phải ăn kiêng theo chỉ dẫn của thầy thuốc những người khác nên (tập) thưởng thức ẩm thực địa phương. Ở địa phương nào cũng có đồ ăn thức uống ngon, thậm chí đặc sản sao ta lại không thưởng thức? Nếu bay sang Viêng Chăn (Lào) ra bờ sông MêKông ngồi uống bia Lào, ăn cá sông MêKông nướng với nộm đu đủ chấm mắm ngóe thì thật là tuyệt. Nếu uống thêm chén rượu Kôngsa đầu bạn sẽ thăng hoa. Nêu một ví dụ nhỏ từ nước Lào anh em để mách bạn rằng cần phải khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người, cái hay của ẩm thực, cái hấp dẫn của thú chơi của dân địa phương nơi bạn đến, đừng bỏ phí thời gian khi bạn đi du chơi. Nếu bạn có khó khăn về ngôn ngữ thì hãy nhờ hướng dẫn viên giúp, hoặc họ sẽ tìm hộ bạn người dẫn bạn đi chơi. Còn một điều nữa mách bạn, bạn hãy thường xuyên cư xử một cách có văn hóa với người dân địa phương với cảnh đẹp, di tích, đền, chùa nơi bạn đến. Đừng bao giờ chê họ bằng tiếng Việt nhé, nhiều người trong số họ biết tiếng Việt đấy. Bạn cũng nên tìm hiểu phong tục, tập quán địa phương (nhất là tôn giáo) để cư xử cho đúng mực. Cuối cùng bạn nên mang theo máy ảnh để chụp cho nhau những kiểu ảnh kỷ niệm, sau này khi rỗi rãi xem lại thấy thật là thích.
Việc đi chơi đã vậy, việc nghỉ dưỡng cũng nên trao đổi đôi chút. Xét về tổng thể VINACOMIN có hai hình thức nghỉ dưỡng, thứ nhất là nghỉ tại các nhà điều dưỡng phục hồi chức năng, thứ hai là nghỉ tại các nhà nghỉ, khách sạn do các công ty tự xây dựng và tổ chức cho thợ mỏ nghỉ ngơi; có nhà nghỉ chỉ thực hiện một hình thức, có nhà nghỉ thực hiện cả hai.
Những năm gần đây theo đề nghị của cơ sở, Tập đoàn đã cho phép một số nhà nghỉ thực hiện điều dưỡng phục hồi chức năng mặc dù nhà nghỉ đó không/ chưa đạt tiêu chí nhà điều dưỡng theo quy định của Bộ Y tế! Cách giải quyết này thiên về lo việc làm cho nhà nghỉ, mà chưa quan tâm đến quyền lợi của người được thụ hưởng. Thiết nghĩ quyền lợi của người được thụ hưởng phải đảm bảo thỏa mãn đủ các tiêu chí do Bộ Y tế quy định, không đạt tiêu chí không cho làm điều dưỡng, việc này thuộc quyền hạn của lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam. Đừng hy sinh lợi ích của thợ mỏ được thụ hưởng chế độ điều dưỡng vì bất cứ lý do gì. Bên cạnh đó cần đầu tư bổ sung hiện đại hóa các nhà nghỉ hiện có, chăm lo bảo trì và dọn dẹp hàng ngày để cho các phòng nghỉ luôn sạch sẽ, thơm tho và có đủ phương tiện nghe nhìn, vui chơi, giải trí. Người miền Bắc nói chung, và thợ mỏ của ta nói riêng thường thích đi du lịch đó đây, đi cho biết theo kiểu “cắm cờ”, thậm chí đi vội vội, vàng vàng qua nơi có cảnh đẹp hay di tích nhưng lại dừng lại lâu hơn ở cửa hàng do hướng dẫn viên đưa đến, chưa có thói quen nghỉ dưỡng tại một nơi để thư giãn, tái tạo lại sức lao động. Đã đến lúc mỗi người hàng năm dành ra ít ngày để nghỉ dưỡng ở vùng biển hay vùng núi hoặc ở đâu đó để phục hồi sức lực và tăng hạnh phúc gia đình. Nếu cả vợ và chồng cùng đi thì thật là hạnh phúc!
Là người đã nhiều năm tham gia chăm lo sự nghiệp y tế, điều dưỡng, du lịch của thợ mỏ nay đã nghỉ hưu, đã cùng đi du lịch với thợ mỏ trong ba năm qua tác giả trao đổi đôi điều để các nhà quản lý, công đoàn cùng thợ mỏ tham khảo. Mong rằng thợ mỏ sẽ được du chơi, nghỉ dưỡng nhiều hơn, tốt hơn và sướng hơn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dau-xuan-noi-chuyen-du-choi-nghi-duong-cua-tho-mo-4152.htm” button=”Theo vinacomin”]