Tiền thân là một đơn vị tận thu than và chuyển đổi mô hình từ đơn vị thăm dò khoáng sản, trải qua 10 năm với biết bao thăng trầm, gian khó, đến nay, sản lượng khai thác của Công ty than Quang Hanh – Vinacomin đã đạt gần 1,2 triệu tấn/năm và sẽ liên tục tăng công suất mỏ đạt 1,5 – 2 triệu tấn/năm trong thời gian tới. Bằng những nỗ lực không ngừng, Công ty Than Quang Hanh đã khẳng định được vị thế trong đại gia đình Vinacomin, tiếp tục vươn xa trên con đường hội nhập.
Dưới đây là cuộc trao đổi Gi
Với những kết quả suất sắc đã đạt được, công nhân cán bộ Công ty Than Quang Hanh đã vinh dự được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm vào tháng 12/2007, được đánh giá là đơn vị có phong trào tốt trong xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ mới.
Công ty được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Công đoàn Công ty được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2012, nhiều cá nhân tập thể trong công ty được Đảng, Chính Phủ, các Bộ, ngành Than, Tỉnh Quảng Ninh tặng huân chương, bằng khen, cờ thi đua các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.
“Vạn sự khởi đầu nan”
Là doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn” của ngành Than, Than Quang Hanh ra đời khi nhiều công ty than lớn có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ đã đạt sản lượng hai, ba triệu tấn/năm. Ông có thể chia sẻ sâu hơn những khó khăn ấy?
Cách đây 10 năm, khi mới được thành lập, với Công ty than Quang Hanh, tất cả đều mới mẻ và thiếu thốn, từ cơ sở vật chất đến kinh nghiệm – nhất là đội ngũ cán bộ, công nhân non trẻ, lại phải đương đầu ngay với nhiều khó khăn, thách thức.
Tiếp nhận khu mỏ Ngã Hai – nơi có điều kiện địa chất phức tạp, chất lượng than xấu, tình trạng khai thác trái phép tàn phá nặng nề môi trường, ngổn ngang lò than thổ phỉ… – ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Thêm nữa, lại là một đơn vị khai thác than hầm lò, tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm, độc hại, điều kiện sinh hoạt của công nhân còn nhiều thiếu thốn… Đó chính là những nguyên nhân làm cho Công ty ít có sức hút với người lao động. Ngay như vài ba năm trước, trung bình mỗi năm Công ty có từ 200 đến 300 công nhân bỏ việc mà số lao động tuyển mới bổ sung chỉ đạt xấp xỉ số ấy.
Những khó khăn ở Than Quang Hanh dường như chồng chất thêm trong những năm 2011 – 2012 này khi mà tất cả các doanh nghiệp trong cả nước, cả tỉnh đều bị chi phối bởi những khó khăn của nền kinh tế. Ngay các doanh nghiệp trong ngành Than cũng có khá đông người lao động xin nghỉ việc. Làm sao để ổn định sản xuất, giữ chân được người lao động luôn là những điều mà Ban lãnh đạo Công ty trăn trở.
Lấy người lao động làm trung tâm
Trước những khó khăn chồng chất khó khăn như vậy, đâu là yếu tố giúp Than Quang Hanh vươn lên, thưa ông?
Thật ra nghề mỏ là khó khăn, nhưng cá nhân tôi lại cho rằng, thắng lợi từ khó khăn mới vinh quang hay nói một cách khác là chẳng có con đường nào đi đến thành công mà lại toàn hoa hồng cả.
Thẳng thắn nhận diện các khó khăn đó, Đảng ủy, Giám đốc, Công đoàn và Đoàn thanh niên Công ty đã cùng bàn bạc, lắng nghe ý kiến của cán bộ công nhân, tự xây dựng cho mình chương trình hành động với những biện pháp tích cực và quy trình, quy chế riêng cho từng bộ phận, từng phân xưởng. Trên hết là từng bước tăng sản lượng, đạt hiệu quả kinh tế tốt nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Công ty đã cố gắng cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo việc làm đều đặn và chăm lo thật tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động”. Để làm được điều đó, Công ty đã rà soát lại các diện sản xuất, quy hoạch lại hệ thống khai thác và mạnh dạn đầu tư một cách toàn diện về công nghệ sản xuất, thiết bị khai thác như: Đầu tư mới công nghệ chống giữ lò chợ bằng cột thuỷ lực đơn, giá thuỷ lực di động XDY, ZH và ZHT; đầu tư xây dựng hệ thống vận tải than liên tục từ mức -110 lên mặt bằng công nghiệp; lắp đặt 2 hệ thống sàng tuyển than công suất trên 1.000.000 tấn/năm. Những khó khăn trong khai thác xuống dưới mức -50 đã được giảm rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của máy đào lò COMBAIN, máy khoan TAMROK, máy xúc lật đổ bên, hoàn thành công trình phụ trợ hành lang đi bộ cho công nhân từ khu trung tâm đến các cửa lò với tổng mức đầu tư 4,5 tỷ đồng; dự án đường đi lại trong lò bằng các thiết bị tời đến mức -175 có tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng.
Cùng với việc đưa thiết bị, máy móc tối đa vào sản xuất để giảm sức lao động, Ban lãnh đạo Công ty đã từng bước tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt phòng ban, phân xưởng để tạo niềm tin cho công nhân. Trên cơ sở cải thiện điều kiện làm việc, duy trì ổn định và thường xuyên công ăn việc làm, Công ty đã đảm bảo thu nhập và đời sống cho người lao động với mức bình quân 8 triệu đồng/người/tháng (riêng thợ lò là 11,3 triệu đồng/người/tháng). Mặc dù mức lương bình quân giảm theo Tập đoàn do tiết giảm chi phí nhưng ngày công lao động, nhất là đối với thợ lò không giảm. Đặc biệt, với những thợ lò đảm bảo 22 công/tháng Công ty đều có thưởng ngày công cao. Trong dịp kỷ niệm ngày truyền thống công nhân mỏ 12/11/2012, Công ty đã tổ chức gặp mặt, tuyên dương 480 thợ bậc cao tiêu biểu.
Bên cạnh đó, các nhà ăn tập thể, được xây dựng khang trang, sạch sẽ, được lắp đặt trang thiết bị hiện đại phục vụ chế biến thức ăn phục vụ người lao động. Đồng thời, để phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin văn hoá, xã hội của CBCNV, các công trình như: Đài truyền thanh, thư viện công nhân mỏ, nhà rèn luyện thể thao, nhà sinh hoạt văn hoá… được đầu tư nâng cấp và nâng cao chất lượng phục vụ. Tháng 4/2012 Công ty đã khánh thành 1 lô nhà ở tập thể và 1 nhà ăn cao tầng. Dự kiến đến hết năm 2013, Công ty sẽ tiếp tục đưa thêm 3 lô nhà tập thể vào sử dụng, đáp ứng khoảng 1.200 chỗ ở cho công nhân. Đầu tháng 5/2012, Công ty đã khánh thành nhà chờ xe công nhân; ở đó được trang bị máy điều hoà, ti vi và phục vụ nước uống miễn phí cho công nhân, giúp công nhân không phải ngồi ngoài nắng, mưa, gió rét khi đón xe đi làm…
Quan trọng hơn cả là cái “tình”
Than Quang Hanh hiện vẫn “khó đủ bề”, nhưng người lao động vẫn bám trụ lại với Công ty. Chắc hẳn ông phải có bí quyết gì chứ?
Bí quyết của tôi là cái “tình”. Theo tôi có những thứ còn quan trọng hơn cả tiền bạc, và đó mới là sự gắn kết lâu dài.
Được biết, ngoài những việc làm ý nghĩa trên, cá nhân ông còn có những phương pháp “dân vận” rất độc đáo và hiệu quả với thợ lò?
Dùng 2 chữ “dân vận” có to tát quá không nhà báo? (cười to). Thật ra tôi suy nghĩ rất đơn giản, mọi thứ phải công bằng. Mình phải thực sự yêu quý và trân trọng ai đó thì người ta mới trân trọng và yêu quý lại mình. Với thợ lò cũng vậy. Tôi trân trọng và yêu quý họ không chỉ như những đồng nghiệp thông thường mà hơn thế nữa, tình cảm đó xuất phát từ đặc thù nghề. Do công nhân, cán bộ của Công ty còn trẻ, còn nghèo nên họ cần được chia sẻ một cách thiết thực bằng việc làm cụ thể. Nếu giúp được một gia đình công nhân nào còn khó khăn có thêm việc làm hoặc thu nhập chính đáng chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng hay có sự động viên về tinh thần cũng là việc cần làm. Tôi công khai số điện thoại cá nhân cho tất cả anh em thợ lò và tuyên bố nếu có bức xúc gì cần tới sự can thiệp của tôi, họ có thể gọi điện hoặc nhắn tin cho tôi bất kỳ lúc nào. Chưa có một tin nhắn nào của thợ lò mà tôi không trả lời cả. Ngoài ra, tất cả những việc khác như tổ chức xe đưa thợ lò về quê, gặp mặt thợ lò… tôi coi đó là những việc bình thường, chỉ là một chút tri ân nhỏ với những cộng sự của mình thì đâu có gì to tát. Có một chuyện vui thế này, Tết năm ngoái, chúng tôi tổ chức xe đưa thợ lò về quê, anh em tụ tập đông quá khiến Công an TP Cẩm Phả còn tưởng nhầm là công nhân Than Quang Hanh tụ tập biểu tình nữa cơ đấy. (cười to)
Bên cạnh đó, muốn Công ty phát triển bền vững thì việc xây dựng phát triển nguồn lực con người cũng được hết sức coi trọng. Chính vì vậy, ngoài đội ngũ công nhân kỹ thuật được chăm lo, rèn luyện một cách thường xuyên, Công ty cũng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ở các lĩnh vực trọng yếu ở cả cấp Công ty và cấp công trường phân xưởng, với hơn 200 kỹ sư, cử nhân các ngành nghề khác nhau. Quan tâm xây dựng đội ngũ này thì Công ty mới đi được xa và mới có cơ hội áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, các biện pháp quản lý hiệu quả. Ngay trong giai đoạn khó khăn này, Công ty vẫn tiếp nhận và đang đào tạo ở trong lò 28 kỹ sư mỏ với các chuyên ngành khác nhau. Điều đáng mừng là mặc dù làm việc vất vả nhưng các em rất cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các kỹ sư cử nhân này vẫn có ngày công làm việc trong lò 22, thậm chí 24 công và chưa có ai xin thôi việc sau 6 tháng cả. Đây chính là nguồn cán bộ cho Công ty trong tương lai. Cái cách mình chia sẻ với họ cũng khác, chỉ có chữ tình dẫn dắt các hành động và việc làm của mình mà thôi. Mặc dù cũng bận rộn và nhiều việc nhưng tôi rất vui và tự hào khi mỗi kỳ nghỉ lễ tết được dành một ít thời gian đến thăm hỏi bố mẹ của các đồng nghiệp trong Công ty, hay thỉnh thoảng ăn cơm tập thể ở bếp ăn văn phòng với các kỹ sư trẻ mới ra trường. Tôi nghĩ, những điều đó làm tôi thực sự cảm thấy mình đã chia sẻ được với họ một cách chân thành nhất.
Đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị hòn than
Từ chỗ là đơn vị chuyển đổi mô hình từ thăm dò, tận thu than khoáng sản, trải qua 10 năm, đến nay, sản lượng khai thác của Công ty than Quang Hanh – Vinacomin đã đạt gần 1,2 triệu tấn/năm và sẽ liên tục tăng công suất mỏ đạt 1,5 – 2 triệu tấn/năm trong thời gian tới. Vậy đâu là bí quyết, thưa ông?
Nếu nói một cách bình dân thì Than Quang Hanh là “con nhà nghèo”, thế nên để vươn lên thì không còn cách nào khác là phải chắt chiu, bên cạnh đó bài toán đầu tư công nghệ, nâng cao giá trị hòn than cũng cần phải tính đến. Điều đầu tiên phải nói đến của nghề mỏ là tài nguyên, tài nguyên Quang Hanh thuộc dạng nghèo cả về lượng và chất lại có cấu tạo hết sức phức tạp. Để làm chủ được các công nghệ khai thác và đào lò trong 10 năm qua được sự quan tâm của Vinacomin và sự ủng hộ của các đơn vi tư vấn và các công ty Địa chất Công ty đã tiến hành xây dưng triển khai và hoàn thành một khối lượng rất lớn về công tác Địa chất bao gồm hơn 120.000 m khoan các loại , nhiều báo cáo dịa chất quan trọng , nâng tỷ trọng độ tin cậy về tài nguyên ban đầu chỉ đạt cấp C1 41% lên 75% năm 2013 . Đây là vấn đề sẽ quyết định mọi công nghệ và tổ chức sản xuất của Công ty trong tương lai.
Hiện tại, để khai thác các khu vực vỉa mỏng, dốc thoải đến nghiêng, Than Quang Hanh đang áp dụng sơ đồ hệ thống khai thác cột dài theo phương, khấu than bằng khoan nổ mìn, chống giữ lò chợ bằng vì chống cột thủy lực đơn, xà khớp. Sản lượng than khai thác và năng suất lao động của các lò chợ này còn thấp, bình quân đạt từ 60.000 – 80.000 tấn/năm và từ 2,2 – 3,5 tấn/công.
Ngoài ra, công nghệ khai thác này còn một số hạn chế khác như: quá trình khai thác được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công ở hầu hết các khâu công nghệ; cần nhiều người làm việc trong gương khai thác; khó khăn trong việc nâng cao công suất khai thác lò chợ; điều kiện lao động công nhân còn hạn chế, không gian làm việc chật hẹp, đặc biệt khi chiều dày vỉa giảm đến 1,4 – 1,5 m, việc thực hiện các thao tác trong quy trình công nghệ sẽ rất khó khăn làm giảm năng suất lao động và chất lượng than khai thác.
Theo kế hoạch phát triển của Công ty, sản lượng than khai thác hầm lò sẽ tăng từ 1,3 lên 2 triệu tấn vào năm 2015, với mức tăng bình quân khoảng 200.000 – 250.000 tấn/năm. Để đạt sản lượng than khai thác theo kế hoạch, ngoài phần trữ lượng các khu vực vỉa dày trung bình đến dày, Công ty sẽ phải huy động phần trữ lượng tại khu vực vỉa mỏng vào khai thác (chủ yếu là các khu vực vỉa mỏng, dốc thoải đến nghiêng).
Với công nghệ khai thác vỉa mỏng, dốc thoải đến nghiêng, hiện đang áp dụng, việc tăng sản lượng khai thác chỉ có thể thực hiện được bằng cách mở thêm diện khai thác mới và tăng số công nhân lao động. Đây là vấn đề hết sức khó khăn trong thời điểm hiện nay với các mỏ hầm lò thuộc Vinacomin nói chung và Công ty Than Quang Hanh nói riêng.
Từ những khó khăn trên, Công ty có chủ trương đổi mới công nghệ khai thác vỉa mỏng thoải đến nghiêng và đề nghị Viện Khoa học Công nghệ Mỏ cùng phối hợp thực hiện. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá đặc điểm trữ lượng, hiện trạng công nghệ khai thác đang áp dụng tại mỏ, nhu cầu tăng sản lượng và những khó khăn khi thực hiện kế hoạch đó, Công ty phối hợp cùng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đưa ra phương án đổi mới công nghệ khai thác vỉa mỏng, dốc thoải đến nghiêng tại Công ty Than Quang Hanh theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa.Đề tài này đã được Vinacomin giao cho Viện KHCNM và Quang hanh tiến hành nghiên cứu từ năm 2011 đên nay đã hoàn thành về mặt lý thuyết là hoàn toàn có khả năng áp dụng được trong thực tế . Công ty đang triển khai các bước tiếp theo để cuối năm 2013 có thể đưa vào áp dụng .
Theo tính toán, so với các công nghệ hiện đang áp dụng tại Công ty, công nghệ cơ giới hóa khai thác đồng bộ bằng máy khấu và dàn chống tự hành sẽ cho phép nâng cao sản lượng khai thác từ 2,0 – 2,5 lần, năng suất lao động tăng 3 – 5 lần. Tài nguyên không có chất lượng cao, không có các giải pháp để nâng cao chất lượng sẽ không tiêu thụ được và sẽ không có hiệu quả . Để giải quyết vấn đề này công ty đã xây dựng kế hoach dài hạn về sàng tuyển chế biến theo từng giai đoạn tích lúy về kinh nghiệm và mọi nguồn lực để đầu tư một hệ thống sang tuyển chế biến than đông bộ hiệu quả như hiện nay , đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như các năm tiếp theo. Chỉ nhìn vào lượng than tồn kho, đặt vào thình hình tiêu thụ than hiện nay với nguồn than chất lượng thấp không trong nghề cũng hiểu được ý nghĩa của việc làm này .
Không phát triển thì không tồn tại!
Hàng loạt các biện pháp giúp Công ty đã và đang phát triển. Còn hiện tại, ông đánh giá Quang Hanh đang đứng ở vị trí nào trong bức tranh tổng thể của ngành Than – Khoáng sản?
Không tụt hậu. Đó là điều tôi có thể yên tâm. Hơn nữa tôi cũng như các anh em ở đây luôn tâm niệm: Không phát triển thì không thể tồn tại được. Gần 10 năm xây dựng và phát triển, vượt qua bao khó khăn thách thức, Công ty Than Quang Hanh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nếu như năm thành lập (2003), Công ty chỉ có trên 1.800 CNCB, sản lượng khai thác than nguyên khai đạt: 242.391 tấn/năm, tổng doanh thu năm đạt: 97 tỷ 384 triệu đồng, thu nhập bình quân: 1.500.000 đồng/người/thán, nộp ngân sách 4,936 tỷ, tổng nguồn vốn 100,929 tỷ, thì đến năm 2012 số CBCNV đã tăng lên trên 3.600 người với chất lượng tương đối cao và còn rất trẻ. Kết quả sản xuất thắng lợi, các chỉ tiêu đều vượt mức kế hoạch năm: Than nguyên khai đạt: 1.030.000; mét lò đào mới đạt: 19.000 mét; doanh thu cả năm đạt: 1.597 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt 8,4 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách 143 tỷ; tổng nguồn vốn 1808,82 tỷ đồng.
Để duy trì sự phát triển bền vững, Công ty quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 do Tập đoàn đề ra. Theo đó nếu khai thác với công suất 1,3- 1,7 Tr tân/năm sau năm 2020 tài nguyên công nghiệp còn hơn 20 Tr tấn được xác định tin cậy cao đưa vào huy đông ,ngoài ra với triển vọng của các phương án thăm dò đến mức sâu dưới mức -500 thì sau năm 2016 Công ty sẽ triển khai đầu tư một dự án nâng công suất mỏ lên 2000.000 T năm. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng các biện pháp, giải pháp kỹ thuật an toàn, hoàn thành toàn diện các mục tiêu đã xác định, đặc biệt lưu ý đến công tác thăm dò tài nguyên, công nghệ đào lò, khai thác than, đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thân thiện với môi trường và quan tâm hơn nữa đến công tác chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân cả về vật chất và tinh thần.
Xin cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/o-quang-hanh-nguoi-lao-dong-la-trung-tam-4821.htm” button=”Theo vinacomin”]