Những năm gần đây, nhiều công ty sản xuất than đã và đang xây dựng các khu nhà cao tầng hiện đại dành cho công nhân, trong đó ưu tiên hàng đầu cho công nhân hầm lò. Điển hình là các đơn vị Than Hà Lầm, Than Dương Huy, Than Hòn Gai, Than Vàng Danh, Than Quang Hanh, Tổng Công ty Đông Bắc v.v.
Tuy nhiên, về thiết kế, mỗi nơi một kiểu. Mỗi kiểu thiết kế bên cạnh những ưu điểm còn bộc lộ những bất hợp lý, gây phiền toái cho đời sống sinh hoạt của công nhân. Những chuyện dưới đây có thể để cho các nh
Tranh thủ lúc nông nhàn, chị Hiền lại ra thăm chồng. Lần này, anh đón chị về căn phòng tinh khôi trong khu nhà cao tầng dành cho công nhân. Phòng của anh khép kín, có quạt, gường tủ, có bếp đun nấu …như là khách sạn vậy. Cùng phòng với anh còn có 3 người nữa, cũng làm thợ lò. Các anh đều vạm vỡ và vui tính.
Bữa cơm chiều, vợ chồng chị cùng anh em trong phòng nâng chén rồi nói về công việc trong hầm lò, về trận bóng đá đỉnh cao mới tường thuật trên ti vi. Chị không hiểu những điều các anh nói với nhau nhưng thấy vui; thấy các anh dù công việc vất vả vẫn vui tươi, lạc quan và thương yêu nhau như anh em một nhà. Buổi tối, khi câu chuyện đang vui thì một anh trong phòng phải đi ca 3, anh bạn khác cùng phòng phải sơ tán sang phòng bên, nhường phòng cho vợ chồng chị.
Chừng nửa đêm, khi đang ngon giấc, chị giật mình bởi tiếng gõ cửa. Chị lay anh dậy. Anh uể oải rời khỏi giường, mở chốt cửa rồi thì thầm với bóng đen đang thập thò ở cửa:
– Ai vậy, anh? Chị hỏi chồng.
– Anh Ngọc, cùng phòng với anh. Anh ấy đi ca 2 về, không biết em ra.
– Vậy bây giờ anh ấy ngủ ở đâu?
– Sơ tán…
Từ đấy chị không thể ngủ tiếp được nữa.
Hôm sau, mới mờ sáng, anh đã đi làm ca 1. Ở nhà, chị lại gặp sự phiền toái khác. Cạnh giường chị là anh bạn đi ca ba về đang ngủ. Sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của anh bạn cùng phòng, chị rón rén đi lại, rón rén giặt quần áo cho chồng.
Thời anh thuê phòng trọ, chị đã mấy lần ra thăm anh. Căn phòng chật hẹp, ngột ngạt; tiện nghi sinh hoạt tạm bợ. Dù vậy, chị vẫn thấy thoải mái vì không làm phiền đến ai. Bây giờ thì…
Nghe chuyện này, chúng tôi tìm hiểu mới biết, khu chung cư này cũng có phòng cho những công nhân khi có khách ở quê ra thăm, gọi là “phòng hạnh phúc”. Nhưng các phòng hạnh phúc thiếu tiện nghi và tâm lý công nhân rất ngại khi dắt nhau xuống “phòng hạnh phúc” nên cứ diễn ra cảnh phiền toái như kể trên.
Nửa đêm, bỗng dưng thèm mì… tôm
Dự sinh nhật về, có tí men, anh Hùng lăn ra ngủ. Lúc tỉnh dậy, nhìn đồng hồ đã quá nửa đêm. Bụng cồn lên dữ dội. Chợt nhớ, lúc dự tiệc, anh chỉ uống, chưa có gì vào bụng. Bây giờ đói quá, anh ước có bát mì tôm, thêm mớ rau cải cúc. Nhưng trong phòng chỉ thấy tủ và giường, đến cốc nước lọc cũng không có. Ngoài kia mịt mùng, vắng ngắt. Trong khuya khắt, anh biết tìm đâu ra bát mì tôm, bát cháo, bát phở để lấy sức mai vào ca một?
Mới hay, để khắc phục tình trạng đun nấu, mất vệ sinh và dễ dẫn đến nguy cơ sự cố về điện, người ta thiết kế các phòng trong nhà cao tầng không có chỗ đun nấu. Sự ăn uống của công nhân tập trung ở nhà ăn tập thể. Công nhân cần uống nước thì mang phích xuống bếp ăn mang về hoặc dự trữ nước lọc. Nếu công nhân có nhu cầu ăn thêm, có căng tin phục vụ, tuyệt đối không được đun nấu trong phòng. Bởi vậy, vào tình huống như chuyện kể trên, công nhân đành…nhịn!
Điều ước…
Mô hình lý tưởng nhất đối với công nhân hầm lò là mỗi người được sở hữu một căn hộ độc lập! Có ý kiến đề xuất vậy, liền bị phản ứng rằng, trong lúc nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất khó khăn, các đơn vị vẫn dành nguồn đầu tư xây dựng khu tập tập thể công nhân hiện đại, là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo doanh nghiệp đối với đời sống công nhân rồi, nay lại còn mơ ước mỗi người một căn hộ độc lập, thật là xa xỉ! Thế nhưng, đấy là mơ ước! Sao lại cấm công nhân mơ ước! Nếu mỗi công nhân sở hữu một căn hộ, dù nhỏ, thì vợ con họ có thể ra thăm chồng dài ngày mà không ngại phiền toái đến ai; thậm chí họ có thể ở hẳn với chồng, để chăm chút cho chồng, cùng nuôi dạy con cái. Nếu mặt bằng lương thợ lò như những năm gần đây thì một thợ lò đi làm chăm chỉ, nuôi được vợ con với mức sống trung bình. Thực tế, những khu nhà cấp bốn trước đây đã thanh lý, thợ lò mua lại, đưa vợ con ra, cả nhà mỗi suất lương, cuộc sống của họ dù đạm bạc vẫn yên ấm, hạnh phúc, các con học giỏi (Tạp chí Vinacomin đã có phóng sự “Những “nhà báo” xóm thợ). Nhiều thợ lò tâm sự với chúng tôi, họ đi làm dưới hầm lò nhưng tâm trạng luôn ngóng về vợ con ở quê. Nếu có nhà, có vợ con ở đây, họ tình nguyện “chung thân” với mỏ. Rồi họ hiến kế, doanh nghiệp muốn “giữ chân” thợ lò, ngoài cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức thu nhập, cần có chỗ ở độc lập, lâu dài để họ “hợp lý hóa” gia đình. Đã đành, doanh nghiệp không có vốn, thì huy động vốn theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước ở đây là doanh nghiệp. Doanh nghiệp lo thủ tục cấp đất, lo các thủ tục đầu tư và ứng một phần vốn. Nhân dân ở đây là thợ lò. Thợ lò ứng vốn ra, phần còn lại trừ dần vào thu nhập hàng tháng. Khi đã có nhà, có vợ con thì ai còn muốn rời bỏ doanh nghiệp nữa!
Đấy là mơ ước của nhiều thợ lò. Nhưng để ước mơ đó thành sự thật trước mắt còn khó lắm. Đại đa số thợ lò cũng hiểu và chia sẻ với cái khó của Tập đoàn thời điểm hiện tại. Nhưng hoàn toàn có thể hy vọng, khi nền kinh tế phục hồi, một trong những danh mục đầu tư cho sự phát triển bền vững, giữ chân thợ lò, sẽ có nhiều công ty sản xuất than quan tâm đến đầu tư nhà ở cho công nhân theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Và như vậy, điều ước trên của thợ lò có thể trở thành hiện thực.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-trong-khu-tap-the-va-dieu-uoc-cua-tho-lo-4873.htm” button=”Theo vinacomin”]