Nghề báo được đi nhiều, được… bắt tay nhiều. Có người cho rằng, bắt tay chỉ là nghi thức trong giao tiếp, quan trọng gì. Thưa, không phải vậy. Đọc sách hay lướt trên mạng, thấy nhiều chuyện tày trời chỉ vì cái bắt tay. Trên thế giới, có những cái bắt tay thể hiện sự nồng ấm trong quan hệ ngoại giao, mang đến hòa bình cho cả dân tộc; nhưng cũng có những cái bắt tay đẩy nhân loại vào cuộc chiến tranh đẫm máu.
Lại chuyện rằng, ở một doanh nghiệp bên Tây, có ông chủ sáng nào cũng ra cổng nhà máy tươi cười bắt tay từng ông nhân. Hôm nào ông không ra cổng nhà máy bắt tay thì năng suất lao động hôm đó giảm khoảng 5 % (?).
Đấy là chuyện trên thế giới, cái bắt tay gắn với ý nghĩa to lớn về chính trị, ngoại giao, kinh tế. Ở đây, xin được tản mạn về cái bắt tay mà Nhân Văn đã biết, đã cảm nhận trong những lần tác nghiệp, qua đó muốn luận về tình đồng đội, tình anh em của những người Thợ mỏ trong lúc khó khăn này.
Nhân Văn và những đồng nghiệp của Tạp chí đã không ít lần chứng kiến những vụ cứu hộ hầm lò căng thẳng, đầy hiểm nguy. Xúc động và lắng đọng! Những lần như thế, lãnh đạo Tập đoàn, các ban, các tổ chức trong hệ thống chính trị Tập đoàn, các đơn vị bạn, dù xa xôi đến mấy đều có mặt. Nhiều đồng chí giám đốc hầm lò sẵn sàng lăn xả vào nơi nguy hiểm nhất không ngần ngại. Những chị em không được trực tiếp tham gia cứu hộ thì nấu cháo, nhặt rau, rửa bát, thậm chí…. lau mồ hôi, quạt cho lực lượng cứu hộ từ dưới lò lên. Dường như, đã là người của Tập đoàn, của Vùng than, không ai có thể thờ ơ, có thể dửng dưng trước đồng đội đang gặp nguy nan. Lều bạt che tạm, lúc mỏi mệt bóc thùng mì tôm trải ra ngả lưng mà ấm cúng, tràn ngập tình thương yêu. “Tướng sỹ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…” là ở đây đây, Nhân Văn nghĩ. Mặt ai cũng phờ phạc, đen nhẻm, không phân biệt đâu là sếp, đâu là quân. Tất thảy đều hướng về đồng đội đang gặp hiểm nguy dưới hầm lò. Trong không khí căng thẳng, thắm tình đồng đội như vậy, cái bắt tay trở nên khách sáo, xa lạ.
Nhân Văn cũng đã được gặp và bắt tay những người thợ đào lò lâu năm như ông Đỗ Tiến Phùng (Vàng Danh), ông Lại Thế Bình (Hầm lò 1), ông Nguyễn Văn Phượng (Hầm lò 2)… và đã viết bài về họ. Các ông đều có đặc điểm giống nhau là ít nói; mu bàn tay nhằng nhịt vết xước, bàn tay họ thô ráp, ấm và siết chặt. Không biết đó có phải là đặc thù của người làm lò lâu năm với tấm lòng chân thật, nồng hậu hay không?
Vậy mà có những lúc Nhân Văn đã rùng mình khi chạm vào những bàn tay hờ hững, nhũn nhẽo và lạnh toát; Nhân Văn cũng đã từng “tụt cảm xúc” khi được ông lãnh đạo bắt tay, khen, giỏi lắm, phong độ lắm nhưng mặt ông ta phẳng lặng, khép kín, nghếch đi đâu, lúc sau, gặp lại, ông hỏi như kẻ xa lạ: “Cậu tên gì nhỉ? Làm đâu nhỉ?”. Lại có những cái bắt tay vô hình – theo nghĩa bóng – đó là thái độ thờ ơ, dửng dưng, bất hợp tác, bắt cho gọi là bắt nhưng vô cảm, vô hồn…
Nhân Văn cũng đã từng râm ran, âm ỉ mãi khi được bắt bàn tay ấm áp của ông lãnh đạo cấp trên và cử chỉ thân thiện của ông như sửa lại cổ áo, vỗ vỗ vào vai, hỏi thăm công việc, gia đình… Những cái bắt tay ấy cứ đọng mãi, đọng mãi và có sức động viên ghê gớm khiến Nhân Văn thấy mình thật nhỏ bé, phải phấn đấu nhiều hơn cho xứng đáng với những gì lãnh đạo đã gửi gắm, tin tưởng nhất là khi được làm việc trong một ngành mà tính kỷ luật và đồng tâm như sợi chỉ đỏ xuyên suốt…
Có ai đó đặt câu hỏi làm Nhân Văn trăn trở: phải chăng gặp lúc khó khăn, tình đồng đội đang bị phai nhạt? Thưa, không! Trong lúc khó khăn, chúng ta càng thương nhau hơn, gắn bó bền chặt hơn mới tập hợp thành sức mạnh đoàn kết để vượt qua khó khăn. Tập hợp sức dân đâu chỉ huy động nguồn lực vật chất trong dân mà hơn thế, đó là phải tập hợp được lòng dân. Nhân Văn nghĩ rằng, đằng sau những cái bắt tay thân thiện, chân thành là sức mạnh của tình đoàn kết! Trong lịch sử dân tộc, lòng dân là sức mạnh vô địch, vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù. Ngành Than được ví như “Quân đội đánh giặc”, “Thợ mỏ vào ca cũng là chiến sỹ”, phải xây dựng mọi thế trận mới chiến thắng được biết bao thử thách, nguy nan… mà “thế trận lòng dân” đóng vai trò quan trọng hơn cả.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/sau-nhung-cai-bat-tay-5136.htm” button=”Theo vinacomin”]