Điểm lại các công trình do Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại (Tổng công ty Đông Bắc) đảm nhận thi công thực sự là những công trình “khó nhằn” tại các vùng xa xôi khắc nghiệt, miền núi, hải đảo. Tuy vậy, công trình nào cũng được đơn vị đưa về đích một cách “ngon lành”, thậm chí là vượt tiến độ nhiều tháng. Ý chí vượt khó dường như đã trở thành thương hiệu của đơn vị này.
Còn nhớ, khi Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại thi công xây dựng tuyến đê bao lấn biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam trước đây với chiều dài hơn 3,3km trên mặt biển địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (thuộc Dự án Trung tâm điện lực Vĩnh Tân). Khối lượng công việc rất lớn, địa hình phức tạp, vậy mà Công ty đã khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm cho lễ hợp long tuyến đê bao hoàn thành vượt tiến độ 5 tháng, góp phần giảm gần một nửa giá thành so với các nhà thầu nước ngoài, bảo đảm chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật công trình.
Ngày đang thi công, chúng tôi đến mà nhìn đã thấy “ngán”. Một vùng bờ biển mênh mông nhưng có khi nửa năm không có một giọt mưa. Xung quanh là những dãy núi bao bọc. Từ xa, nhìn những chiếc máy xúc nhỏ như bao diêm, nhưng cần vươn dài hàng chục mét bì bõm làm việc sát bờ biển. Đến gần, những thợ lặn thay nhau lặn xếp những tấm tetapot chắn sóng, nhìn xa như những chú chim cánh cụt. Trung tá Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty trực tiếp chỉ huy công trình này cho biết, sau khi hợp long hệ thống đê bao, đơn vị tiếp tục thi công xây dựng công trình kè bảo vệ hai đầu kênh lấy nước và thoát nước của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Đây là gói thầu EPC được đơn vị ký trực tiếp với nhà thầu SEC với giá trị 200 tỷ đồng. Công trình này, đơn vị phải thi công ở độ sâu gần 10 mét nước, phải dùng những máy xúc cần dài khoảng 35 mét để xúc đất đá dưới đáy biển. Công trình cũng được đơn vị đưa về đích trước 1 tháng và vừa bàn giao cho chủ đầu tư tháng 9-2013 vừa qua, được EVN, SEC đánh giá cao về chất lượng và tiến độ công trình.
Trung Tá Nguyễn Văn Cường cũng cho hay, hiện nay đơn vị đang thi công công trình đường vận hành tuyến 2, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 thuộc địa bàn giáp ranh tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng. Đây cũng là công trình khó khăn về địa hình, mở đường cho việc thi công xây dựng nhà máy của các gói thầu khác. Nhưng đơn vị vẫn đang “giữ nhịp” một cách an toàn. Đặc biệt, với hạng mục ép cọc bê tông dự ứng lực thuộc Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Amon nitrat công suất 200.000 tấn/năm cùng các sản phẩm hóa chất khác tại xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với chiều sâu cọc 36-37m, chiều cao móng 1,7-1,9m, tổng chiều dài cọc phải ép 134.000m; nhiều hố móng khối lượng hơn 200 tấn thép, 1.830m3 bê tông, thời gian đổ bê tông không ngắt quãng kéo dài trong 18 giờ đồng hồ với diện tích của 5 hố móng chính là 4.200m2, lượng bê tông phải đổ là 12.500m3 trong điều kiện nguồn cấp vật tư trên địa bàn rất khan hiếm. Nhưng Công ty vẫn quyết tâm hoàn thành vượt tiến độ, được MICCO và các nhà thầu nước ngoài đánh giá cao. Ngoài ra, các công trình tại cảng Làng Khánh, cảng Điền Công, nhà ở tập thể công nhân tại phường Quang Hanh, Khe Chàm, Đồng Rì (Bắc Giang)… cùng hàng loạt công trình san gạt mặt bằng các Dự án nhiệt điện của Vinacomin đã và đang là những minh chứng rõ nhất về bản lĩnh vượt khó, làm nên thương hiệu với những công trình chất lượng để đời, được các chủ đầu tư thừa nhận.
Mới đây nhất, đơn vị đã đưa trang thiết bị, vật tư, máy móc ra đảo Trần, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh để thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển dân cư trên hòn đảo không người này. Giai đoạn một, đơn vị sẽ triển khai xây dựng 17 căn nhà ở để giúp dân chài có thể sinh sống trên đảo. Đại tá Nguyễn Đức Giang, Bí thư Đảng ủy, phó Giám đốc Công ty tâm sự, Công ty tự hào được đảm nhận xây dựng 17/30 nhà (giai đoạn 1) thuộc Dự án di dân ra đảo Trần sinh sống, làm cơ sở cho việc thành lập Trung tâm hành chính – kinh tế – văn hóa tại đảo, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Cô Tô đến năm 2020. Đảo Trần giữ một vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh biển, đảo, cách thành phố Hạ Long 150km. Việc thi công ngoài đảo xa rất khó khăn nhưng đơn vị sẽ nỗ lực, tập trung trang thiết bị, máy móc để thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Bí quyết “hành binh”
Khi nói về bí quyết “hành binh” để một đơn vị 12 năm tuổi mà đã có tới 11 năm liên tục đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, 12 năm liền được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2010), Huân chương Lao động hạng Nhì (2013)… Đại tá Bùi Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc kiêm Giám đốc Công ty chỉ cười khiêm tốn. Nhưng qua những trao đổi, tôi hiểu bí quyết “hành binh” của ông đều xuất phát từ chữ tâm. Có tâm với anh em đồng nghiệp, có tâm với công việc thì việc gì cũng trôi. Và ở đây, yếu tố quan trọng chính là việc đơn vị đã tập trung vào phát triển nguồn nhân lực. Trong sản xuất, đơn vị chú trọng đến chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ, thợ kỹ thuật lành nghề đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu quản lý, thi công, sản xuất. Trong huấn luyện quân dự bị, với phương châm huấn luyện “Cơ bản – thiết thực – vững chắc”, đơn vị luôn đảm bảo huấn luyện hết nội dung, khoa mục theo chỉ đạo của cấp trên, sẵn sàng động viên cơ động lực lượng phối hợp với các đơn vị khác bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống…
Đơn vị đã phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua quyết thắng với các nội dung, chỉ tiêu sát với từng vị trí sản xuất. Đặc biệt, các phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị đã gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mọi CBCS. Cán bộ, đảng viên đã phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tận tụy với công việc. Nhờ vậy, đã phát huy vai trò chủ động của cán bộ chủ chốt để phân tích, dự đoán tình hình, xác định những khó khăn, thuận lợi, các yếu tố chủ quan, khách quan tác động đến quá trình sản xuất, kinh doanh, từ đó xây dựng nghị quyết lãnh đạo và kế hoạch sản xuất, kinh doanh sát với thực tế, phù hợp với khả năng. Công ty đã kiện toàn tổ chức, biên chế, sắp xếp lại lực lượng lao động, tăng cường công tác quản lý, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân từ Ban giám đốc đến các phòng, ban, phát huy tính năng động, tự chủ của mọi cá nhân; quan tâm xây dựng nguồn nhân lực, đảm bảo phục vụ phát triển lâu dài. Đó chính là bí quyết hành binh của một đơn vị luôn vượt qua những công trình “khó nhằn” một cách ngoạn mục, nâng tầm thương hiệu của mình.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thuong-hieu-tu-nhung-cong-trinh-6643.htm” button=”Theo vinacomin”]