Tôi làm ở báo Bắc Cạn từ ngày đầu thành lập lại tỉnh Bắc Cạn (1/1/1997 đến năm 2003). Trong thời gian ấy, tôi đã tới hầu hết các địa phương trong tỉnh. Địa phương nào cũng nghèo, trong đó Ba Bể là một trong những huyện đặc biệt khó khăn. Đây là một trong 3 huyện nghèo: Mèo Vạc (Hà Giang); Đam Rông (Lâm Đồng) được Tập đoàn đỡ đầu, đồng hành cùng địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội.
Nói tới “người đẹp” tôi lại chạnh nhớ tới những cô giáo ở phân trường nọ. Lần ấy, anh Lê Văn Hội, làm ở Văn phòng UBND huyện Ba Bể và anh Duyệt, làm ở phòng Công nghiệp huyện (tôi không nhớ họ) đưa chúng tôi tới một xã vùng cao phía Bắc của huyện. Để đến được trung tâm xã, chúng tôi phải trèo đèo suốt cả buổi, trên chặng đường chừng 15 cây số. Từ trung tâm xã tới các phân trường chúng tôi còn phải tiếp tục leo núi hàng giờ đồng hồ. Phân trường chúng tôi đến có mấy cô giáo ở trong ngôi nhà lụp xụp. Năm đó các cô nuôi được con lợn. Con lợn đã to nhưng không bán được, vì dân bản chủ yếu tự cung tự cấp; mà mang lợn về xuôi thì các cô không thể khênh lợn vượt qua chặng đường đèo cheo leo hiểm trở như vậy. Cuối cùng, các cô giáo trói lợn, thả lên bè, theo sông Năng về xuôi.
Trạm xá xã ngày ấy cũng đa số là nhà tạm, phương tiện khám chữa bệnh thô sơ. Trong chuyến tác nghiệp ấy, anh Hội, anh Duyệt và ông chủ tịch xã đưa tôi đi dọc sông Năng để ghi lại cảnh khai thác vàng trái phép. Sơ ý, tôi dẫm vào vật sắc, máu lênh láng. Các anh dìu tôi tới trạm xá xã để chữa trị. Trạm xá nằm ở mé đồi chơ vơ trống hoác. Trong cái tủ nép ở góc nhà, lủng củng chai lọ…
…Đã lâu lắm tôi không có dịp trở lại Ba Bể. Nhưng qua báo Bắc Cạn, qua trang điện tử của huyện và qua bạn bè đồng nghiệp, tôi được biết, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong huyện, Ba Bể đã thu được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Riêng về kết cấu hạ tầng, nhiều xã trong huyện “trường trạm” không kém các xã miền xuôi. Sự đổi mới ấy có một phần công sức của công nhân cán bộ ngành Than – Khoáng sản. Ông Bùi Văn Khích, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, từ năm 2009 -2013, Tập đoàn đã hỗ trợ huyện Ba Bể 39 tỷ đồng để giúp đỡ 346 hộ nghèo, xóa nhà tạm và đầu tư xây dựng mới, cải tạo nhiều trường học, trạm xá cho các xã trong huyện đạt chuẩn Quốc gia. Ngoài ra, Tập đoàn còn hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho 74 thanh niên trong độ tuổi lao động của huyện. Trên Tạp chí Công thương, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, hiện nay, tất cả các công trình trên đã bàn giao đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác khám chữa bệnh, công tác dạy và học tại các cơ sở địa phương. Ông Bùi Văn Khích, tâm sự, có thể sự giúp đỡ ấy, về giá trị vật chất chưa phải là lớn, nhưng được lãnh đạo và nhân dân địa phương nâng niu, trân trọng. Vẫn theo ông Kích, trước khi triển khai công trình, cán bộ lãnh đạo Tập đoàn và địa phương xuống tận nơi, khảo sát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân; “ba cùng” với dân nên được dân tin yêu.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nho-ve-ba-be-7336.htm” button=”Theo vinacomin”]