Báo chí sống bởi sự kiện, luôn theo sát, nắm bắt những sự kiện để thông tin đến công chúng nhanh nhất, chân thật nhất, bảo đảm tính khách quan, toàn diện… Có thể thấy từ yêu cầu và cách tiếp cận sự kiện, qua lăng kính nghề nghiệp, nhà báo mang tới nguồn thông tin phong phú, nhiều chiều, thời sự và khách quan cho công chúng hiểu biết, đánh giá sự kiện, bày tỏ thái độ, tạo dư luận và làm cơ sở cho những nhận định về những sự kiện đang diễn ra trong đời sống xã hội. Để thực hiện sứ mệnh cao cả đó
“Vinh quang” – một từ cao quý dành cho mọi nỗ lực, thành quả mà nhà báo với “mắt sáng, lòng trong, ngòi bút sắc” đã góp phần làm cho xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Nhưng để làm nên hai chữ “vinh quang” cao quý ấy, nhà báo phải đánh đổi bằng nhiều thứ. Nghề báo không chỉ chịu sức ép và áp lực lớn về thời gian công việc mà đôi khi còn chứa đựng cả hiểm nguy. Tác nghiệp trong môi trường thời tiết khắc nghiệt, có mặt tại những điểm nóng nhằm đưa thông tin chính xác, kịp thời, tính chất công việc đòi hỏi nhà báo xông pha vào cuộc sống. Trong đó, chiến trường là một trong những môi trường tác nghiệp nguy hiểm nhất. Để ghi được những hình ảnh chân thực nhất về tình hình chiến sự tại các điểm nóng trên thế giới, nhiều phóng viên đã chấp nhận liều mình. Dấu chân nhà báo có thể thấy ở mọi cuộc chiến từ chiến tranh thế giới đến Libya, Syria và Iraq… Mỗi khi được đọc những thông tin nóng hổi từ chiến trường hay xem những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh, liệu có bao nhiêu người hiểu được rằng để cung cấp chúng cho người đọc, những phóng viên chiến trường chấp nhận xả thân và có thể hy sinh tính mạng mình để đưa tin trên tuyến đầu nơi bom rơi đạn nổ?
Phản ánh sự thật khách quan về Biển Đông
Sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam làm dư luận trong nước và quốc tế dậy sóng. Hằng ngày, hằng giờ cả nước ngóng về biển Đông, chờ mong tin tức. Và người đưa tin, không ai khác là những nhà báo đang có mặt ở điểm nóng, cập nhật từng giây, từng phút tình hình diễn biến một cách khách quan, chân thực nhất. Giữa trùng trùng khó khăn, nguy hiểm ngoài khơi xa, cũng như lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân, các nhà báo cũng là những người lính đi đầu trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền.
Tác nghiệp ở Hoàng Sa, họ đã trực tiếp chứng kiến, ghi nhận hành động tấn công, uy hiếp hung hăng, quyết liệt của các tàu Trung Quốc cũng như những phản ứng bình tĩnh kiềm chế của lực lượng chấp pháp Việt Nam. Những ngày lênh đênh trên biển, các nhà báo đã không ít lần phải đối mặt với hiểm nguy bất trắc. Trong sáng 13/5, tàu Trung Quốc 2411 trực chỉ mũi cabin lái, nhằm thẳng các cửa kính chịu lực, thiết bị trên tàu kiểm ngư Việt Nam HP 926 để xịt vòi rồng, Nhà báo Đình Thiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam (văn phòng tại Đà Nẵng) bị hất văng xuống dưới sàn. Nhà báo Văn Sơn của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Đà Nẵng không ngại nguy hiểm, mặc tàu chao nghiêng vẫn cố bám trụ để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về những hành động ngang ngược của phía Trung Quốc.
Nhà báo Nguyễn Hồng Lam của Báo Công an Nhân dân tác nghiệp trên tàu cảnh sát biển 4033 liên tục bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bao vây, chiếu đèn pha và đâm va gây hư hỏng nặng, nhưng anh và các đồng nghiệp trên tàu vẫn không nao núng. Niềm say nghề đã vượt qua cơn say sóng, qua những hiểm nguy và cả những điều kiện tác nghiệp khó khăn, thiếu thốn.
Theo Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son, những ngày qua, báo chí về cơ bản đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, qua đó góp phần củng cố sự đoàn kết toàn dân, tạo dũng khí, chí khí và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, báo chí đã kịp thời truyền tải lòng yêu nước, tiếng nói ủng hộ của mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc, của kiều bào ta ở nước ngoài đối với Đảng và Chính phủ.
Đáng chú ý là không chỉ có báo chí Việt Nam mà chính lực lượng báo chí nước ngoài đã giúp thông tin chính xác, khách quan, kịp thời về những gì xảy ra ở biển Đông để cộng đồng quốc tế thấy rõ âm mưu đen tối và hành động sai trái của Trung Quốc. Những bài viết và bài bình luận liên tục xuất hiện trên các tờ báo lớn hàng đầu thế giới như trang tin Bloomberg, AP, BBC, AFP, The New York Times và một số hãng thông tấn hàng đầu của Pháp, Đức… Rõ ràng, việc báo chí nước ngoài thông báo, đưa tin về các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc một cách trung thực là bước đi quan trọng, nhằm giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về tình hình biển Đông. Bằng sự thật khách quan, cộng đồng báo chí quốc tế đang giúp Việt Nam có thêm tiếng nói công luận để bảo vệ chủ quyền của mình. Quả thực, trong “cuộc chiến truyền thông này”, báo chí đã góp phần đem sự thật lại gần với công luận.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/long-dung-cam-cua-nha-bao-8327.htm” button=”Theo vinacomin”]