Thợ lò Nguyễn Trọng Thái có lẽ là cái tên quen thuộc không chỉ với Than Hà Lầm mà còn cả với ngành Than – Khoáng sản Việt Nam bởi anh vinh dự được chọn là thợ lò đầu tiên đặt chân xuống mức -300 – độ sâu kỷ lục của ngành Than vào thời điểm năm 2011, mở ra giai đoạn chinh phục độ sâu mới của toàn ngành. Và chính mẫu chân của anh ở độ sâu -300 ấy đã được đúc bằng đồng và hiện nay đang được trưng bày trang trọng tại phòng Truyền thống của Công ty CP Than Hà Lầm.
Còn tự hào hơn khi mới đây, anh
Được biết, đến nay anh đã có hơn 20 năm là thợ đào lò. Tuy nhiên, điều đặc biệt là trong gần như cả cuộc đời công tác ấy anh chỉ gắn bó duy nhất với một đơn vị – Công trường Kiến thiết cơ bản 1?
Tôi nghĩ đúng là mình có duyên nợ sâu nặng với Công trường Kiến thiết cơ bản 1. Đây chính là “mái nhà” đầu tiên đón tôi khi tôi về đầu quân cho Than Hà Lầm. Rồi trong suốt hơn 20 năm ở đơn vị, đã có những thời điểm khi tôi là người duy nhất được cử đi học về máy xúc lật hông tại Ba Lan để về thành lập một công trường mới, và khi tất cả các thành viên trong tổ Nguyễn Trọng Thái đều chuyển sang Công trường Kiến thiết cơ bản 3… tôi chắc mười mươi sẽ phải chuyển sang đơn vị khác, vậy mà cuối cùng, tôi vẫn ở lại với Kiến thiết cơ bản 1, gắn bó đến nay cũng gần như cả cuộc đời công tác của mình.
Nguyễn Trọng Thái (mũ trắng) cùng đồng đội trước giờ giao ca
Tổ của anh mang tên “Nguyễn Trọng Thái”?
Đúng vậy! Ở Than Hà Lầm, ai làm tổ trưởng thì tổ mang tên người đó. Điều đó không chỉ gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu mà còn như một cách hữu hiệu để khích lệ tinh thần làm việc của anh em chúng tôi. Khó mấy cũng phải vượt qua vì đó còn là lòng tự trọng, là “màu cờ sắc áo” của mình mà.
Yêu nghề thì nghề chẳng phụ mình
Là thợ lò vốn đã vất vả, lại là thợ đào lò đá như anh có lẽ vô cùng khó khăn?
Công trường Kiến thiết cơ bản 1 là đơn vị chuyên mở những đường lò cơ bản phục vụ các đơn vị khai thác than. Do đó chúng tôi được coi là những người tiên phong đi mở đường. Chỉ riêng sức nóng và độ ngạt thôi cũng đã kinh khủng rồi vì thông thường, chúng tôi chỉ mở đường lò chính tới các vỉa than nên hầu hết các đường lò đều là đường độc đạo, chứ không có phần thoáng và mát như sau khi các đơn vị khai thác mở thông nhiều đường.
Gian nan vậy, có khi nào anh có ý định tìm cho mình một công việc nhàn nhã hơn?
Ngay khi bước chân vào nghề, tôi đã xác định trước những khó khăn, vất vả mà mình sẽ phải đương đầu. Nhưng tôi nghĩ rằng nghề nào mà chẳng có những nhọc nhằn riêng nên quan điểm của tôi là cứ “thẳng đường mà bước”.
Dù đã có thời điểm khủng hoảng, Than Hà Lầm nói riêng và cả ngành Than nói chung cực kỳ khó khăn, phải giãn sản xuất, công nhân không có việc làm, nhiều thợ lò bỏ việc; rồi cũng có lúc lúc gia đình quá khó khăn, đi làm ca về tôi phải chạy thêm xe ôm, đội than thuê, chạy hàng giúp vợ buôn bán để có thêm đồng ra, đồng vào… nhưng tôi vẫn quyết tâm trụ lại với nghề, “không ngó nghiêng” tìm chốn mới. Thực sự tôi rất thích công việc đòi hỏi sự đồng tâm của cả một tập thể như nghề thợ lò, vả lại thu nhập của thợ lò cũng khá. Tôi nghĩ rằng nếu mình cứ yêu nghề, làm thật tốt thì nghề sẽ chẳng phụ mình.
Với rất nhiều nỗ lực, cố gắng như vậy, Tổ Nguyễn Trọng Thái đã đạt những thành tích gì?
Thực ra Tổ của tôi chưa bao giờ hết khó khăn nhưng cũng luôn là Tổ đạt năng suất cao nhất và ít sự cố nhất trong đơn vị. Liên tục 7 năm liền (2001 – 2007), Tổ luôn dẫn đầu Tập đoàn về sản lượng đào lò với mức bình quân từ 2,1 – 2,4m/ca, tính bình quân mỗi năm Tổ đào được khoảng hơn 3.000 m đường lò. Trong sản xuất, tôi và anh em cũng có khá nhiều sáng kiến, mỗi năm tôi phấn đấu có khoảng 3 – 4 sáng kiến, mong muốn góp phần nhỏ bé vào sản xuất chung của đơn vị.
Nhìn “bảng thành tích” đáng nể của anh và Tổ đúng là “một người lo bằng kho người làm”?
(Cười) Không, không, có lẽ bạn nói hơi quá rồi. Ở Than Hà Lầm còn rất nhiều người xứng đáng hơn tôi nhưng có thể tôi là người may mắn hơn chăng. Với lại, thành tích của Tổ là nỗ lực chính của anh em, chứ một mình mình thì làm được gì.
Thích làm “lính chiến” hơn!
Là tổ trưởng của Tổ có khoảng 30 anh em, để đạt hiệu quả cao nhất, anh phân công và bố trí công việc ra sao?
“Có nhiều bạn nhưng không có “bè” chính là quan điểm tôi áp dụng trong việc ứng xử với anh em trong Tổ. Hiểu một cách đơn giản rằng, trong công việc tôi không coi ai là “người đặc biệt”, đã là thành viên trong Tổ thì ai cũng như ai, ai cũng có quyền được đối xử công bằng. Mỗi người đều có cái tốt, cái xấu, đều có sở trường, sở đoản vậy làm sao mình phải nhìn vào những mặt tích cực của anh em, vào khả năng của từng người để bố trí công việc trong từng ca cho hợp lý. Mình là tổ trưởng mà lại kéo “bè” thích người này thì cho việc nhẹ, không thích người kia thì dồn việc nặng… thế thì chẳng ai còn phục và tôn trọng mình được. Nhất là với lớp thợ trẻ, mình càng đặc biệt phải quan tâm hơn.
Anh “truyền lửa” cho lớp thợ trẻ như thế nào?
Khi mới vào nghề, còn trẻ tuổi, còn ít kinh nghiệm, tôi đã được các anh, các chú, các bác truyền nghề rất nhiệt tình. Tôi thực sự biết ơn những thế hệ cha anh như vậy và thấy mình cũng phải có trách nhiệm “nối dài” ngọn lửa yêu nghề ấy cho các em, các bạn thợ lò trẻ hôm nay. Muốn “truyền lửa” thì chính mình phải yêu nghề, phải đến với các em bằng cái tâm, bằng nhiệt huyết…
Không thể kể hết những lần anh được đứng trên những vị trí trang trọng nhất với những phần thưởng “hoành tráng” nhất, đã bao giờ anh thấy “chai lỳ” cảm xúc chưa?
Lúc nào cũng là sự hồi hộp, run run và đầy tự hào!
Hỏi thật anh nhé, nhiều thành tích vậy, đã khi nào anh nghĩ mình sẽ được lên làm “Sếp” không?
(Cười tươi) Câu hỏi hóc búa quá! Đúng là cùng trang lứa với tôi, rất nhiều người đã lên làm sếp, còn tôi thật lòng, có lẽ thích làm “lính chiến” hơn…
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thang-duong-ma-buoc-8468.htm” button=”Theo vinacomin”]