Mùa mưa bão năm nay với những diễn biến rất phức tạp. Những ngày gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh, đặc biệt là tại Quảng Ninh, nơi có nhiều đơn vị ngành than đứng chân, đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, kèm theo tố lốc. Đến nay, Tập đoàn và các đơn vị đã triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) như thế nào? Chúng tôi vừa có cuộc phỏng vấn ông Vũ Thành Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, Trưởng ban PCTT & TKCN Tập đoàn về vấn đề này.
PV: Vậy đến nay, công tác PCTT & TKCN của Tập đoàn cũng như các đơn vị đã triển khai đến đâu?
Ông V.T.L: Về công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo, Chỉ huy PCTT – TKCN các cấp, đến nay 100% các đơn vị trong TKV đã rà soát, kiện toàn, thành lập Ban Chỉ huy PCTT & TKCN năm 2014. Ban chỉ huy làm nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng Giám đốc/Giám đốc các đơn vị chỉ đạo, chỉ huy thực hiện công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị và phối hợp với đơn vị bạn, địa phương khi có yêu cầu. Thực hiện kế hoạch, phương án PCTT – TKCN năm 2014, các đơn vị đã triển khai cơ bản Kế hoạch phòng chống lụt bão năm 2014. Giá trị phần việc cần thực hiện phòng chống trước mùa mưa bão ước đạt khoảng 110 tỷ/tổng giá trị kế hoạch lập cho toàn mùa mưa bão năm 2014 là 205,8 tỷ đồng. Trên 80% số đơn vị đã lập phương án giả định các tình huống trong mùa mưa bão. Một số đơn vị đã tổ chức huấn luyện, phổ biến, thực tập các tình huống giả định cùng với huấn luyện định kỳ công tác ATVSLĐ. Trong thời gian quý 3 các đơn vị còn lại triển khai tiếp công tác huấn luyện. Về cơ bản các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc, chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự phòng, phương tiện, nhân lực ứng phó với mùa mưa bão với phương châm: 3 trước (chủ động phòng chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ)…
PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về các công việc của Ban PCTT & TKCN Tập đoàn đã triển khai?
Ông V.T.L: Cụ thể, ngoài công tác triển khai, các đơn vị lập kế hoạch và duyệt các phương án chi tiết ngay từ đầu năm, Ban PCTT & TKCN Tập đoàn đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, hướng dẫn và tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện các công trình tại những vị trí trọng điểm. Chẳng hạn như, gần đây nhất, từ 20/5 – 30/6 Ban PCTT &TKCN và các ban của Tập đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác PCMB cùng với công tác ATVSLĐ ở tất cả các đơn vị sản xuất, chế biến than và một số đơn vị thuộc TCT khoán sản, hóa chất. Tiến hành kiểm tra các vị trí trọng điểm, xung yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và có chỉ đạo thực hiện. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết đầu mùa, Ban PCTT & TKCN Tập đoàn cũng đã ban hành văn bản số 3447/TKV-MT V/v tăng cường các biện pháp cấp bách đề phòng mưa, lốc, úng lụt, sạt lở đất, ứng phó các tình huống siêu bão từ đầu tháng 7 vừa qua.
Ông V.T.L: Công trình đưa ra thì nhiều, nhưng có thể kể một vài công trình lớn như: Khu vực địa hình Đông Bắc Mông Dương, thuộc Công ty than Mông Dương, tình huống nếu mưa to kéo dài nước thẩm thấu từ bề mặt địa hình từ các khu tụ thủy xuống dưới phần hầm lò mỏ Mông Dương; Khu vực bãi thải Đông Cao Sơn, tình huống đưa ra là nếu mưa to kéo dài có nguy cơ trôi đất đá bãi thải và thẩm thấu nước xuống khu vực khai thác hầm lò Công ty 790 (TCT Đông Bắc); Khu vực mương thoát nước Anpha – Đèo Nai, do độ dốc mương lớn, khi mưa to dễ tạo dòng chảy với tốc độ cao có nguy cơ phóng qua tường kè, cuốn trôi đất đá làm thay đổi dòng chảy, gây bồi lấp cho khu vực hạ lưu; Khu vực suối thoát nước Đá Mài, thuộc Công ty CP than Tây Nam Đá Mài, suối Đá Mài chảy qua tuyến cống thoát nước khu vực Cầu Giám đốc cũ có tiết diện không lớn. Khi mưa to kéo dài dễ gây ngập lụt mỏ hầm lò khu Cẩm Thành thuộc Công ty than Hạ Long và khai trường các mỏ Đông Đá Mài, Tây Đá Mài; Đập ngăn đất đá chân bãi thải Chính Bắc khu vực Giáp Khẩu khi mưa to kéo dài có nguy cơ sạt lở bãi thải, cuốn trôi đất đá bồi lấp hố lắng, tràn qua đập ảnh hưởng đến mặt bằng SCN mỏ Giáp Khẩu v.v. Các tình huống này đều đã có giải pháp khắc phục khi có mưa lớn xảy ra.
PV: Ông mới nói đến các công trình thuộc các đơn vị sản xuất, kinh doanh than tại vùng Quảng Ninh. Vậy còn các đơn vị khác thuộc khối khoáng sản, điện lực, hóa chất trên địa bàn các tỉnh khác thì sao?
Ông V.T.L: Tương tự, các khối khác cũng được triển khai chi tiết theo kế hoạch và các công trình cụ thể với những tình huống giả định để có biện pháp phòng chống. Chẳng hạn như: Khu vực phía Tây bãi thải Tây, Công ty than Khánh Hòa – Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc từ những năm 2011 đơn vị đã tích cực đền bù, di dời dân cư xã An Khánh gần khu vực chân bãi thải ra khỏi vùng ảnh hưởng của bãi thải, khi có mưa đã tổ chức phối hợp cùng với chính quyền địa phương thông báo cho từng hộ gia đình xung quanh, bố trí người cảnh giới tại bãi thải. Tương tự các khu vực như suối Ngòi Lẹm, Khuôn Phầy – Tuyên Quang, thuộc Công ty Kim loại mầu Tuyên Quang, suối Ngòi Phát – Lào Cai, thuộc Công ty Mỏ – Tuyển đồng Sin Quyền của TCT Khoáng sản đều đã có phương án ngăn chặn đất đá làm bồi lấp gây nguy cơ ngập lụt mặt bằng lân cận. Ngay cả đối với các đơn vị thuộc Tổng Công ty Điện lực cũng đã tính đến tình huống ngập lụt mặt bằng Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động, bồi lấp hồ chứa nước và mặt bằng Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động v.v.
Tất cả các vị trí trên đều đã được lập kế hoạch phòng chống chi tiết, Tập đoàn tập trung, ưu tiên chỉ đạo cao nhất về PCMB nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chu-dong-phong-chong-mua-bao-8638.htm” button=”Theo vinacomin”]