Xí nghiệp Xây dựng Mỏ than Cao Sơn (nay là Công ty CP than Cao Sơn-Vinacomin) thành lập ngày 6.6.1974 do Liên Xô thiết kế và đầu tư xây dựng. Ngày ấy, nói đến Mỏ Cao Sơn, người ta “chiết tự” rằng, “Cao Sơn” nghĩa là núi cao, núi cao là … cáo lui! Nơi này cao quá, khí hậu khắc nghiệt quá, đá rắn quá, nhiều người xin … cáo! Vậy mà giờ đây, sau 40 mươi năm, từ núi cao này, các thế hệ CNCB Cao Sơn đã khai thác được 54,17 triệu tấn than; bốc xúc vận chuyển trên 405 triệu m3 đất đá và đạt nhiều th
Những năm đầu mới thành lập, cán bộ, công nhân kỹ thuật còn thiếu; cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và đời sống công nghèo nàn; nơi làm việc, nơi ở của thợ mỏ chỉ là những lán tranh ẩm thấp, chật hẹp; điện nước thiếu v.v. Dù vậy, thợ mỏ Cao Sơn đã đoàn kết vượt khó, tự lắp đặt hàng trăm ngàn tấn thiết bị khai thác mỏ hiện đại; mở những con đường xuyên rừng, qua suối; bạt núi cao để mở những tầng than; đánh thức một vùng Than với trữ lượng khoảng trên 70 triệu tấn. Sau hơn 5 năm xây dựng, đúng vào ngày 19-5-1980 kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ lần thứ 90, Công ty đã sản xuất tấn than đầu tiên, được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi.
Các thế hệ lãnh đạo Than Cao Sơn
Những năm tiếp theo, tầng than ngày một xuống sâu và khai trường mỏ ngày một rộng, những con đường mới mở, hàng vạn cây xanh được mọc lên, hàng triệu tấn than về bến để rồi đi đến mọi miền đất nước, vượt qua đại dương đến những đất nước xa xôi. Hòn than Cao Sơn đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và trên thế giới. Khách mua hàng than tìm đến Cao Sơn ngày một đông hơn vì than Cao Sơn có chất lượng đặc biệt riêng của mình, phù hợp và đáp ứng những yêu cầu của người tiêu dùng. Chất lượng than Cao Sơn được thị trường trong nước và thế giới đánh giá cao. Ngày 21.4.1997, tại Hội nghị chất lượng Quốc tế ở Mađrit Tây Ban Nha đã trao giải thưởng Khải Hoàn Môn Châu Âu về chất lượng than cho Mỏ than Cao Sơn.
Thắng thầu quốc tế, vươn lên tầm cao mới
Để sản xuất được một tấn than ở Than Cao Sơn thật khó khăn. Hệ số bóc bình quân 40 năm phải chi phí bóc gần 8m3 đất đá mới khai thác được một tấn than (có những năm phải khai thác 10 m3/tấn). Đất đá rắn nhất trong vùng, riêng chi phí khoan nổ mìn chiếm 24 – 25% tổng chi phí sản xuất của Mỏ. Đường vận chuyển than từ khai trường đến cảng từ 15 đến 20km. Năm 1999, khó khăn lại nối tiếp khó khăn khi các cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu Quốc tế chọn đối tác khai thác Mỏ Đông Cao Sơn. Đây là hình thức hoàn toàn mới trong ngành Than ở nước ta. Song, một thực tế mà những người làm nghề kỹ thuật khai thác mỏ đều hiểu rõ: Mỏ Đông Cao Sơn là một phần không thể tách dời Khu Cao Sơn, nó có quan hệ mật thiết với Mỏ Tây Cao Sơn về trình tự khai thác, khoáng sàng, địa hình, địa chất, biên giới, bóc đất khai thác xuống sâu, thoát nước, đổ thải, vận tải và các cơ sở hạ tầng, tài chính và những vấn đề khác. Nếu không thắng thầu Mỏ Đông Cao Sơn thì Tây Cao Sơn sẽ rất khó khăn trong quá trình khai thác và sớm phải ngừng hoạt động do không thể khai thác xuống sâu được.
Nếu không thắng thầu Mỏ Đông Cao Sơn thì hàng trăm thiết bị xe máy ngừng hoạt động, hàng ngàn CNCB của Mỏ sẽ không có việc làm, các vấn đề đời sống xã hội trong CNCB sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp khó lường trong lúc ngành Than đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ (năm 1999).
Vấn đề đặt ra là phải thắng thầu quốc tế Mỏ Đông Cao Sơn! Phải làm sao để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ công nhân viên ngày một tốt hơn là câu hỏi luôn được đặt ra cho tập thể lãnh đạo Công ty và những người thợ Mỏ Cao Sơn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ Công ty, sự phối kết hợp của các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên Công ty và tinh thần đoàn kết, đồng tâm của thợ mỏ. Liên danh Cao Sơn – Đèo Nai – Cọc 6 đã thắng thầu Quốc tế Mỏ than Đông Cao Sơn và Cao Sơn đã nhanh chóng tổ chức sản xuất có hiệu quả trong toàn khai trường Mỏ Than Cao Sơn. Phải nói rằng, nếu không thắng thầu quốc tế Mỏ Đông Cao Sơn thì Than Cao Sơn không thể phát triển mạnh mẽ và ổn định như ngày hôm nay. Từ năm 1999 đến nay, Công ty đã bóc trên 337,5 triệu m3 đất đá, khai thác trên 43,5 triệu tấn than; Khu vực Bàng Nâu có 6,2 triệu tấn, nếu Cao Sơn khai thác thì đến nay đã kết thúc Khu Bàng Nâu; còn Khu Tây Cao Sơn đến nay phải ngừng vì không thể xuống sâu tiếp được. Hiện nay Công ty chủ yếu tập trung khai thác ở Đông Cao Sơn.
Tinh thần lao động sáng tạo của những người thợ mỏ, công tác điều hành sản xuất kinh doanh của Công ty đã được tiếp thêm nguồn sinh khí mới vượt qua những giai đoạn đầy khó khăn và thử thách, khơi dậy và phát huy được truyền thống tốt đẹp, những gương sáng trong phong trào thi đua lao động sản xuất được động viên kịp thời đã khích lệ mọi cán bộ công nhân viên phấn khởi đóng góp khả năng trí tuệ của mình cho sản xuất. Nếu tính từ giai đoạn 10 năm (2004 đến 2014), Công ty đã bốc xúc trên 371 triệu m3 đất đá, bằng 91,6% sản lượng của 40 năm; khai thác gần 37,7 triệu tấn than bằng 69,56% sản lượng than khai thác của 40 năm…Bên cạnh những thiết bị chủ yếu của khoan, xúc, ô tô do Liên Xô trang bị vẫn đưa vào tham gia sản xuất, Công ty đã đầu tư mới thêm 115 xe ô tô trọng tải 55 – 96 tấn và 12 máy xúc thủy lực có dung tích gầu 3,1 m3/gầu đến 12m3/gầu để tăng sản lượng bóc đất và khai thác than. Năm 2003, Công ty đã đạt công suất thiết kế do Liên Xô lập về sản lượng than khai thác là: 1.550.000 tấn (trừ khu vực Bàng Nâu đã chuyển cho Công ty Đông Bắc). Năm 2014, Công ty bốc xúc vận chuyển 33,3 triệu m3 đất đá và khai thác 4,15 triệu tấn than, vượt gần gấp ba lần công suất thiết kế của Liên Xô cũ về sản lượng bóc đất cả mỏ và than khai thác ở khu Cao Sơn.
Với năng suất cao nhất của các thiết bị đã đạt được: máy khoan đạt trên 62.000 mks/năm, xe ô tô benlaz trọng tải 30 – 40 tấn đạt trên 850.000 Tkm/năm, xe ô tô CAT trọng tải 58 tấn đạt trên 2.200.000 Tkm/năm, xe ô tô HD 91 tấn và xe CAT 777D 96 tấn đạt trên 3.600.000 TKm/năm và đặc biệt là sản lượng bóc đất tháng 12 năm 2005 đạt 3 triệu m3; tháng 11 năm 2008 đạt trên 3,2 triệu m3; tháng 12 năm 2013 đạt trên 3,8 triệu m3 đất đá đã nói lên sự tiến bộ về công tác quản lý, tổ chức sản xuất và tinh thần lao động sáng tạo của tập thể thợ mỏ Cao Sơn hôm nay.
Hiện nay Công ty có một số lượng máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến gồm: 38 máy xúc điện, thủy lực các loại có dung tích gầu 3,8 – 12m3; 04 hệ thống sàng tuyển công suất lớn; 20 máy khoan xoay cầu, thủy lực, 66 xe ô tô có trọng tải 35 – 37 tấn, 130 xe có trọng tải 55 – 58 tấn; 28 xe ô tô có trọng tải 91-96 tấn, là loại xe lớn nhất Việt Nam và các loại thiết bị khác có thể sản xuất 3,5 – 4 triệu tấn than/năm và bóc xúc vận chuyển trên 25 triệu m3 đất đá/năm. Đội ngũ cán bộ, công nhân được rèn luyện thử thách qua khó khăn và thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề có thể làm chủ được các loại thiết bị máy móc hiện đại tiên tiến đáp ứng được yêu cầu sản xuất than ngày càng tăng cho nền kinh tế quốc dân.
Công tác quản lý kỹ thuật, kinh tế, nghiệp vụ được củng cố và đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu của công tác điều hành sản xuất kinh doanh có hiệu quả phù hợp với cơ chế mới. Công nhân kỹ thuật được đào tạo và bố trí cân đối giữa các ngành nghề. Máy móc thiết bị được chăm lo sửa chữa sử dụng một cách có hiệu quả những thiết bị hiện có. Đồng thời lựa chọn đổi mới đầu tư thiết bị phù hợp với công nghệ khai thác của mỏ đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ và đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Với những biện pháp kinh tế kỹ thuật và cơ chế quản lý khoa học đã tạo ra sự đồng bộ giữa các khâu trong dây chuyền sản xuất, nâng cao được năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Từ xóm thợ nghèo…
Có lẽ ở nước ta chưa nơi nào có làng công nhân đẹp, trữ tình và hiện đại như Làng mỏ Cao Sơn. Nơi đây, khi mới thành lập mỏ là những dãy nhà tồi tàn bên bãi sú vẹt. Trong thời kỳ trước năm 1995, Công ty đã đổ đất lấn biển khoảng 30 ha phân cho công nhân làm nhà. Năm 2002, Công ty tiếp tục đổ đất lấn biển trong quy hoạch trên 82 ha để làm nhà theo mẫu biệt thự và làm hồ sinh thái tạo cảnh quan môi trường hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống của con người; xây dựng “Công viên văn hóa Cao Sơn-Lưu thủy”; sân vận động đa năng có sức chứa 8.000 người, xây dựng và hoàn thành phần mặt sân đưa vào sử dụng năm 2012 tạo thành quần thể khu rèn luyện sức khỏe của người lao động và nhân dân địa phương. Từ một xóm thợ nghèo nàn, lạc hậu đến nay thành làng mỏ khang trang, hiện đại. Phần lớn là những ngôi nhà cao tầng với tổng diện tích trên 25.000m2 đẹp không kém gì với những khu nhà công nhân ở các nước phát triển. Làng mỏ có hệ thống đường khá hoàn chỉnh với trên 25.000m2 đường nhựa, gần 40.000m2 đường bê tông. Hệ thống đường chiếu sáng dài trên 5.000 với gần 100 cột đèn cao áp và trên 4.000m đường ống dẫn nước, chấm dứt được tình trạng thiếu điện, thiếu nước triền miên của những năm trước đây. Làng mỏ có hồ nước mặn rộng 6 ha thường xuyên thay nước biển đảm bảo sạch sẽ cho công nhân và người dân tắm mát mỗi khi hè về. Câu lạc bộ văn hóa thể thao với diện tích 1.600m2 có nhà thi đấu bóng bàn, thư viện, sân khấu, sân cầu lông, sân chơi bóng chuyền, bóng đá đã thu hút hàng trăm cán bộ, công nhân viên tập luyện và thi đấu sau giờ làm việc. Công ty có trạm thu phát truyền thanh với hàng chục km đường dây, hàng chục loa công cộng, hàng ngày phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa mới trong công nhân mỏ. Công ty chủ động phối hợp với Phường Cẩm Sơn xây dựng mô hình cộng quản an ninh đảm bảo trật tự, trị an bảo vệ tốt tài nguyên ranh giới mỏ, tích cực đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, hạn chế và ngăn ngừa các tệ nạn xấu xâm nhập vào làng mỏ. Công ty xây dựng nhiều công trình phúc lợi phục vụ sản xuất, đời sống cho công nhân lao động. Đó là khu nhà trạm xá 2 tầng khang trang, có 20 giường với gần 700m2 đủ điều kiện tiêu chuẩn chữa bệnh, điều trị chăm sóc sức khỏe cho công nhân; Trường đào tạo công nhân và thư viện với diện tích gần 600m2 có các phòng học, phòng đọc sách đạt tiêu chuẩn để bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công nhân nâng cao hiểu biết về mọi mặt. Ngày 12 tháng 12 năm 2013, nhà điều hành mới với tổng diện tích sàn trên 9.000 m2, 11 tầng, kiểu dáng hiện đại được khánh thành sau gần hai năm quyết tâm xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng một lần khẳng định sự phát triển đi lên của Công ty, cũng như văn phòng, nhà xưởng, nhà ăn các công trường, phân xưởng ngày càng được tu sửa, tôn tạo, nâng cấp, trồng cây xanh tạo cảnh quan sạch, đẹp, thoáng mát, khuôn viên văn phòng Công ty. Phong trào thể dục thể thao văn hoá văn nghệ của Công ty được duy trì thường xuyên, trong các ngày kỷ niệm, lễ, tết, các hội nghị đội văn nghệ nghiệp dư của Công ty đã biểu diễn nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, nhiều tiết mục tham gia hội diễn của tỉnh Quảng Ninh và ngành Than đoạt Huy chương Vàng; Bằng khen của Bộ Văn hoá thông tin và Cục biểu diễn nghệ thuật…Các câu lạc bộ thể thao (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông-bóng bàn, tennis, cờ vua-cờ tướng) luôn được quan tâm, thường xuyên luyện tập và tham gia giao hữu, thi đấu giành thành tích cao tại các giải của Tập đoàn và của tỉnh Quảng Ninh.
Công ty tích cực trong việc trồng cây bảo vệ môi trường, trên 80 ha với hàng chục vạn cây xanh các loại đã được phủ xanh trên các tuyến đường, bãi thải và xung quanh nơi làm việc từ trên khai trường đến khu dân cư làng mỏ. Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải công nghiệp; nhà máy sản xuất nước lọc tinh khiết mang nhãn hiệu Cao Sơn đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu ăn, uống cho CNVC-LĐ toàn Công ty.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/40-nam-than-cao-son-661974-662014-cao-son-nguoi-cao-hon-nui-8144.htm” button=”Theo vinacomin”]