Bộ đội tiếp quản Hòn Gai
Theo Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954 hòa bình được lập lại ở Việt Nam, Khu mỏ Hồng Quảng (tên gọi của Hòn Gai, Cẩm Phả lúc bấy giờ) và Thành phố Hải Phòng nằm trong vùng tập kết 300 ngày. Như vậy, ngày 25/4/1955 mới được giải phóng hoàn toàn. Trong những ngày này, ở Vùng mỏ đã xảy ra nhiều sự kiện quan trọng. Bọn chủ mỏ thực dân Pháp sợ hãi, hối hả vơ vét của cải, vàng bạc kim cương, châu báu và những đồng tiền Franc cuối cùng chuẩn bị xuống tàu về nước.
Ngay sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, tên cố đạo, đồng thời là tên đại Việt gian Lê Hữu Từ đã đến khu mỏ lập nên cái gọi là Tổng ủy di cư gồm những tên đầu sỏ trong chính quyền bù nhìn, mật thám, cai ký, giám thị, đứng đầu là tên Voòng A Sáng. Tổ chức này có rất nhiều chi nhánh ở khắp các thị xã, thị trấn, xóm thợ. Nhân ngày lễ, ở Cẩm Phả, con chiên từ khắp các ngõ phố đến nhà thợ dự lễ. Trần Bình Trọng, cha xứ mỏ Cẩm Phả, đã nói với giọng lưỡi lừa đảo: “Đức Bà Maria đã vào Nam, các con yêu kính Chúa hãy vào Nam, nếu ở lại sẽ bị Cộng sản phá đạo, không cho đọc kinh, ở lại sẽ có tội với Chúa, mất nước còn hơn mất Chúa…”.
Dụ dỗ và phản tuyên truyền không xong, bọn phản động dùng bạo lực để cưỡng ép những người thợ mỏ. Chúng đập phá nhà cửa, cướp tài sản, bắt giam nhiều công nhân ở Núi Trọc, Cẩm Phả. Phẫn nộ trước hành động khủng bố trái với Hiệp định Giơ-ne-vơ của bọn tay sai phản động, công nhân mỏ đã tổ chức đấu tranh, làm đơn gửi Chính phủ ta và Ủy ban Quốc tế tố cáo những thủ đoạn dã man, lợi dụng tôn giáo cưỡng ép di cư và tình nguyện ở lại xây dựng Vùng mỏ, xây dựng miền Bắc XHCN. Trong bức thư của Nguyễn Văn Đạo, nhà ở Núi Trọc, gửi Ủy ban Quốc tế có đoạn viết: “… Hồi 6 giờ tối ngày 3/3/1955, tôi đang ăn cơm thì bọn Tổng ủy di cư bắt tôi đi đến bàn giấy di cư tại Nhà thờ, chúng trói tôi lại và đánh tôi tàn nhẫn…”.
Đồng thời với việc chống cưỡng ép di cư, những người thợ mỏ đã kiên quyết chống Chủ mỏ di chuyển máy móc thiết bị. Nếu trong thời kỳ kháng chiến, việc phá hoại máy móc, phá hoại sản xuất than của Chủ mỏ là một thành tích, thì lúc này, khi tình thế thay đổi, người công nhân mỏ đã chuyển cuộc đấu tranh phá hoại kinh tế địch thành cuộc đấu tranh giữ máy, bảo về tầng lò. Khi rút chạy, chủ mỏ người Pháp đã mang theo các máy móc thiết bị khai thác và tài nguyên than đã khai thác. Căm phẫn trước hành động đó, những người thợ mỏ đã đoàn kết ngăn cản không cho mang theo thiết bị. Dưới sự chỉ đạo của Đặc khu ủy Hòn Gai, công nhân ở khắp các nơi đã tổ chức các đội bảo vệ máy. Ở Cẩm Phả, ngày 17/12/1954, hàng trăm công nhân tập trung vây quanh chiếc xe ô tô cỡ lớn chở những thiết bị và máy móc đưa ra cảng Cửa Ông chuyển xuống tàu về nước, đó là những thiết bị theo Hiệp định chủ mỏ không được phép mang đi. Những cuộc đấu tranh như vậy của công nhân mỏ đã mang lại những thắng lợi vẻ vang, bảo toàn được thiết bị để tiếp tục duy trì sản xuất ngay sau ngày tiếp quản.
Ở Hòn Gai, Công ty Pháp Mỏ than Bắc Kỳ (Societé Francaise des charbonnages du Tonkin) viết tắt là SFCT do người chủ mỏ tên là Cờ Léc giê (Clerget) đã ký biên bản bàn giao Vùng mỏ cho trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam vào tiếp quản. Đoàn tàu há mồm đỗ ở Bến phà Bãi Cháy, những tên thực dân Pháp lặng lẽ cúi đầu xuống tàu rút lui khỏi Vùng mỏ. Đó là những tên Pháp cuối cùng rút khỏi đất nước ta, chấm dứt 70 năm đô hộ Việt Nam.
Ngày 25/ 4/1955, bộ đội ta vào tiếp quản Vùng mỏ. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban Quân quản Nguyễn Ngọc Đàm đứng trên xe mui trần chào nhân dân và những người thợ mỏ Hòn Gai. Thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông và trên khắp các tầng bè, nhà máy rợp bóng cờ bay. Nhân dân, công nhân reo hò, vui mừng phấn phởi, những cánh tay dơ cao mũ nón, mũ lò chào đón anh Bộ đội cụ Hồ. Trên đỉnh núi Bài Thơ (Hòn Gai), trên đỉnh cầu trục số 4 (Cửa Ông) – nơi chiến tích của các chiến sỹ cách mạng Ngô Huy Tăng, Nguyễn Văn Thành treo cờ búa liềm năm xưa – hôm nay những lá cờ lớn tung bay trong nắng gió.
Bắt đầu từ hôm nay, Vùng mỏ thuộc về ta, những người thợ mỏ thoát khỏi ách nô lệ, lầm than, thực sự được làm chủ, cuộc đời đã đổi mới. Lúc này toàn Vùng mỏ gọi là Xí nghiệp Quốc doanh khu Hồng Quảng, cả Cẩm Phả gọi là Xí nghiệp than Cẩm Phả. Đến ngày 1/8/1960 mới chia cắt ra làm nhiều mỏ và xí nghiệp thuộc Công ty than Hồng Gai. Khi tiếp quản, cả Công ty than Hòn Gai chỉ có một kỹ sư người Việt. Trước khó khăn đó, chuyên gia Pháp Frô- măng còn ở lại giúp ta cho rằng, việc khôi phục sản xuất ở các mỏ phải ít nhất 6 tháng hay vài năm. Nhưng với tinh thần làm chủ, vượt khó khăn sáng tạo, phát huy sáng kiến, chỉ sau 20 ngày, công nhân Đèo Nai đã khắc phục xong Hệ thống đường trục vận chuyển than số 2. Hệ thống Đường trục số 2 được khôi phục, khai thông sản xuất của các mỏ than thuộc vùng Cẩm Phả lúc đó, tiết kiệm được hơn 1.170 công lao động, hơn 832 vạn đồng nguyên vật liệu, làm tăng sản lượng than của Vùng mỏ từ 2.400 tấn/ngày đến 3.000 tấn rồi 3.400 tấn, gấp 1,5 lần so với trước đó. Ngày 29/9/1955, trong dịp đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thăm cán bộ, công nhân khu Hồng Quảng đã biểu dương: “Việc khôi phục Đường trục đã nêu gương sáng về tinh thần thi đua ái quốc của anh chị em công nhân và tỏ rõ thái độ lao động của công nhân đã thay đổi…”.
Ở Tuyển than Cửa Ông, khi rút đi toàn bộ sơ đồ hệ thống điện cung cấp điện năng cho các tàu điện kéo than cho vùng Cẩm Phả bị tê liệt. Bác Lê Văn Hiển, công nhân điện Cửa Ông, đã dùng trí nhớ của mình khôi phục lại hệ thống điện. Chỉ sau ít ngày các tàu điện chạy bình thường. Năm 1958, bác Lê Văn Hiển được phong danh hiệu Anh hùng Lao động đầu tiên của Vùng mỏ.
Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế, Nghị quyết Trung ương lần thứ 14/11/1958 đã nêu rõ: “Phải nêu cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ở các xí nghiệp, đưa nghị quyết về với công nhân; tăng cường giáo dục xã hội chủ nghĩa, nâng cao ý thức công nhân là người chủ; nâng cao tinh thần trách nhiệm, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ và kỹ thuật cho cán bộ; thực hiện chế độ công nhân tham gia quản lý, cán bộ tham gia lao động; tăng cường mối quan hệ nhất trí giữa lãnh đạo và quần chúng để đẩy mạnh cải tiến quản lý xí nghiệp…”. Thực hiện Nghị quyết của trung ương, Ban thường vụ khu ủy Hồng Quảng đã tổ chức thí điểm ở Công trường Bàng Danh A, Hà Tu. Cán bộ công nhân ở đây đã hăng hái tham gia học tập. Từ tổ sản xuất đến công trường phân xưởng đã mở hội nghị công nhân viên chức để kiểm điểm nâng cao giác ngộ XHCN, nâng cao hiểu biết về vai trò trách nhiệm làm chủ của công nhân, từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN. Thực chất đây là một cuộc đấu tranh nhằm phát hiện ra những phần tử phá hoại do thực dân Pháp cài lại để thanh lọc hoặc giáo dục. Điển hình là công nhân mỏ Cẩm Phả đã trừng trị đích đáng âm mưu phá hoại của tên Phan Năm do địch để lại, ngóc đầu dậy chống phá Vùng mỏ.
Tiếp theo Công trường Bàng Danh A, toàn bộ Vùng mỏ đã sôi nổi tham gia học tập quản lý xí nghiệp. Nó đã trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị lớn lần đầu tiên được tổ chức trong công nhân mỏ. Các tổ chức sản xuất mới từ tổ sản xuất đến công trường, phân xưởng, xí nghiệp được xây dựng theo một sơ đồ hoàn chỉnh toàn Vùng mỏ. Các tổ sản xuất được tổ chức theo nguyên tắc: Dây chuyền hoàn chỉnh, theo nghề nghiệp theo thiết bị. Công nhân được tham gia các công tác quản lý như quản lý kế hoạch, quản lý kỹ thuật, quản lý vật tư, quản lý kinh tế và quản lý lao động… Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và định mức sản xuất đã được xây dựng. Các tư tưởng tiên tiến, tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa đã chiến thắng những tư tưởng bảo thủ, ngại khó, tự ty, bản vị và cục bộ
Phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa đã hình thành và trở thành cao trào rộng khắp toàn Vùng mỏ. Năng suất lao động tăng dần, chất lượng sản phẩm tốt hơn và tiết kiệm nhiều hơn vì vậy mà trong những năm khôi phục sản xuất đã đạt sản lượng cao hơn năm 1939 là năm cao nhất trong hơn 70 năm khai thác than của Thực dân Pháp.
Những ngày này Vùng mỏ dấy lên một phong trào thi đua mới “Phong trào phá kỷ lục” lấy đà để tiến quân vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1960 -1965.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/2541955-lich-su-vung-mo-sang-trang-201805031631300484.htm” button=”Theo vinacomin”]