Ghi nhận những thành tích trong suốt hành trình hai thập kỷ xây dựng và phát triển, Công ty Than Hồng Thái đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba – đây là phần thưởng cao quý cũng là niềm tự hào với tập thể các thế hệ CBCNV – LĐ đơn vị. Và, trong 20 năm ấy, Than Hồng Thái đã có những bước đi vững chắc.
Đi lên từ gian khó
Tiền thân là mỏ than Hồng Thái, Công ty Than Hồng Thái thành lập ngày 1/8/1996 trực thuộc Công ty Than Uông Bí. Năm đầu thực hiện nhiệm vụ sản xuất than, sản lượng than của mỏ chỉ đạt trên 90 ngàn tấn than nguyên khai, nhân lực có 543 CBCNV – LĐ, doanh thu 12 tỷ đồng và thu nhập bình quân là 1 triệu đồng/người /tháng. Thời điểm ấy, toàn mỏ chỉ có 11 phòng ban và 9 phân xưởng. Cơ sở vật chất nghèo nàn với mấy dãy nhà cấp 4. Công nghệ khai thác khi đó chủ yếu là đào lò và khai thác lò chợ chống bằng gỗ. Điều kiện làm việc và ăn ở của CNCB vô cùng khó khăn.
Nhận thức được nhiệm vụ chính trị của mình, các thế hệ lãnh đạo và thợ mỏ trong Công ty lúc đó đã xây dựng cho mình từng bước đi thích hợp trong công tác đầu tư và phát triển SXKD lâu dài. Giá trị cốt lõi để Hồng Thái vươn lên như ngày hôm nay, có thể nói chính là tinh thần tự chủ, sáng tạo, đoàn kết rất cao của tập thể CBCNV – LĐ Công ty Than Hồng Thái. Trong đó, điều đáng tự hào là Than Hồng Thái luôn tích cực đổi mới công nghệ khai thác, chủ động mở diện sản xuất để vươn lên trở thành một đơn vị sản xuất Than thực thụ.
Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên và đáp ứng với tình hình mới của thị trường trong nước và nước ngoài, ngành Than tiếp tục đổi mới sắp xếp lại các đơn vị cấp dưới. Ngày 04/10/2001 Tổng Công ty Than Việt Nam có Quyết định số 432/QĐ_TCCB về việc đổi tên “Mỏ Than Hồng Thái” thành “Xí nghiệp Than Hồng Thái” kể từ ngày 16/10/2001 với chức năng nhiệm vụ được giữ nguyên như cũ và là doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc vào Công ty than Uông Bí. Lúc này sản lượng than khai thác một năm cũng chỉ đạt 125 ngàn tấn than khuyên khai; mét lò đào mới đạt 3.500 mét lò; doanh thu đạt 38 tỷ đồng; nhân lực có trên 1.000 người; thu nhập bình quân đạt 1,1 triệu đồng/ người – tháng. Xí nghiệp có 11 phòng ban và 7 phân xưởng.
Năm 2002, Xí nghiệp Than Hồng Thái được nhận lại vùng than Tràng Khê với dự án Tràng Khê II và III do Công ty than Mạo Khê bàn giao. Thời gian này, đơn vị tăng cường đưa công nghệ hiện đại vào khai thác và đào lò như Máy đào lò AM-50Z của Ba Lan, sản lượng đến tháng 10/2005 đã đạt 500.000 tấn than nguyên khai.
Ngày 27/4/2006, Bộ Công nghiệp đã có quyết định số 1086/QĐ – BCN về việc chuyển “Xí nghiệp than Hồng Thái” thành “Công ty TNHH MTV than Hồng Thái”, có tư cách pháp nhân đầy đủ, hạch toán độc lập, ngành nghề kinh doanh chính là khai thác, chế biến than hầm lò, sản lượng năm 2006 đã đạt 793.135 tấn than nguyên khai: mét lò đào mới đạt 13.127 mét lò; doanh thu đạt 255 tỷ đồng; nhân lực có 1.926 người; thu nhập bình quân đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng; Công ty có 15 phòng ban và 15 phân xưởng.
Năm 2006, Công ty tiếp tục mở rộng các dự án đầu tư, áp dụng công nghệ khai thác mới như cột thủy lực đơn, dàn chống 2ANSH, giá khung di động, áp dụng công nghệ kiểm soát khí Mỏ tập trung, nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn. Sản lượng đến năm 2009 đã vượt ngưỡng 1 triệu tấn, đạt 1.080.000 tấn. Để tiếp tục phát triển sản xuất, đáp ứng việc điều hành của Công ty, tháng 2/2010, dự án Nhà điều hành 7 tầng được khởi công xây dựng trên mảnh đất mà các thế hệ đi trước đã đặt nền móng và dày công xây dựng. Đến cuối năm 2012, trụ sở được xây dựng hoàn thành khang trang như ngày hôm nay.
Để đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ hội nhập của đất nước, Chính phủ đã có đề án tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào các Tập đoàn lớn để sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Thực hiện chủ trương này, ngày 7/2/2013, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 314/QĐ – TTg, “Về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015”. Tiếp sau đó, ngày 14/3/2014, Tập đoàn TKV có Quyết định số 499/QĐ – TKV “Về việc thành lập Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – Công ty Than Hồng Thái – TKV”. Thực hiện Quyết định này, từ ngày 1/4/2014, Công ty trở thành Chi nhánh của Tập đoàn TKV. Sản xuất năm 2014 đạt 1.270.000 tấn than nguyên khai; đào lò 15.460 mét; doanh thu 927 tỷ đồng; tổng số CBCNV trong Công ty là 3.247 người với 17 phòng ban chức năng. Năm 2015 sản lượng 1.289.602 tấn than nguyên khai; mét lò mới là 14.731 mét; doanh thu 1.205 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/ người/tháng.
Tương lai phát triển bền vững
Hiện nay, Công ty đang sản xuất tại 2 khu vực chính là Hồng Thái công suất 500.000 tấn/ năm, Tràng Khê công suất 600.000 tấn/ năm và khu Đông Tràng Bạch công suất 200.000 tấn/năm với sản lượng hằng năm khoảng 1,3 triệu tấn.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như chất lượng than xấu, khó tiêu thụ và giá bán thấp; địa chất biến động phức tạp, các vỉa có chiều dày trung bình và góc dốc nghiêng đến đứng, than có tính tự cháy (V10 Tràng Khê II)… nên khó khăn trong việc áp dụng công nghệ mới vào khai thác. Tuy nhiên với sự nỗ lực vượt khó, Công ty đã nghiên cứu áp dụng nhiều công nghệ phù hợp đến nay 12/12 lò chợ được cơ giới hóa bằng các công nghệ (Lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm ZRY; lò chợ bằng tổ hợp giàn chống 2ANSH; Lò chợ chống bằng thủy lực đơn).
Mặt khác, Công ty đã phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu lựa chọn, áp dụng các công nghệ cơ giới hóa khai thác phù hợp với điều kiện địa chất thực tế của các vỉa than (công nghệ khai thác bằng giá thủy lực liên kết xích cho các vỉa 43T, vỉa 40; công nghệ khai thác bằng máy cưa than cho điều kiện vỉa 22…). Để phát triển lâu dài Công ty đã xây dựng và báo cáo TKV phương án duy trì sản xuất và phát triển Công ty giai đoạn 2016 – 2020 xét triển vọng đến năm 2030 và đã được Tập đoàn thông qua. Theo đó Công ty tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư khai thác mỏ mới như: Dự án khai thác hầm lò Nam Tân Yên với công suất 450.000 tấn/ năm, Bắc Tân Yên với công suất 300.000 tấn/ năm; Dự án khai thác hầm lò dưới mức +131 mỏ Đồng Vông công suất 600.000 tấn/ năm; Dự án khai thác hầm lò khu Đông Tràng Bạch công suất 200.000 tấn/ năm; Dự án Tận thu Lộ vỉa khu Tràng Khê, Hồng Thái…. Duy trì sản lượng 1,3 triệu tấn/năm. Ngoài ra hằng năm Công ty cũng đầu tư mua sắm trang thiết bị và xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ duy trì sản xuất nhằm hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, nâng cao điều kiện làm việc và sinh hoạt cho CBCNV của Công ty.
Với những đầu tư phù hợp và ngày càng mở rộng sản xuất, hiện đại hoá nhiều mặt trong sản xuất và đời sống, Than Hồng Thái đang bước những bước đi vững chắc trong tương lai của mình.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/20-nam-ay-201607281901360306.htm” button=”Theo vinacomin”]