Ngày 14/6/2015, sau khi ký kết biên bản nghiệm thu bàn giao Nhà máy, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat chính thức đi vào vận hành. Đánh giá khái quát sau hơn 2 tháng vận hành thương mại, ông Trần Đăng Phi – PTGĐ TCT CN Hóa chất mỏ – Giám đốc Công ty CN Hóa chất mỏ Thái Bình cho biết: dù còn rất nhiều khó khăn nhưng cơ bản CBCNV – LĐ đã tự tin làm chủ công nghệ, Nhà máy vận hành ổn định, đảm bảo công suất, chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn về môi trường.
Cùng với nhiều biện pháp duy trì đảm bảo Nhà máy vận hành ổn định, TCT CN Hóa chất mỏ (MICCO) cũng đặc biệt tập trung xây dựng và triển khai chiến lược thị trường với phương châm “Chủ động – Linh hoạt” – coi đây là yếu tố sống còn. Qua tìm hiểu, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ Amon Nitrat trong nước vào khoảng 95.000 – 100.000 tấn/năm (trong đó MICCO tiêu thụ khoảng 65.000 – 70.000 tấn/năm); sản lượng Amon Nitrat còn lại cần tìm thị trường xuất khẩu là từ 25.000 – 100.000 tấn/năm tùy thuộc vào việc phát huy công suất Nhà máy, các thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước có ngành khai khoáng phát triển đó là: Úc, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Lào…, tuy nhiên để thâm nhập vào các thị trường trên đòi hỏi sản phẩm phải chấp nhận cạnh tranh về giá, chất lượng với các nguồn cung cấp truyền thống.
Từ việc nhận định sát tình hình như vậy, MICCO đã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cụ thể. Với thị trường trong nước, phối hợp với các Nhà máy sản xuất VLNCN quân đội nhận tối đa sản lượng Amon Nitrat… Để chuẩn bị tốt cho công tác xuất khẩu, TCT đã tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, làm việc với các hãng sản xuất thuốc nổ và doanh nghiệp thương mại tại nhiều nước (Úc, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Lào…) để giới thiệu thông tin sản phẩm và gửi mẫu theo đề nghị của khách hàng. Hiện nay, MICCO đã ký được một số hợp đồng xuất khẩu sản phẩm Amon Nitrat, thuốc nổ ANFO, nhũ tương, phụ kiện nổ năm 2015… Đặc biệt, giữa tháng 9 vừa qua, MICCO đã xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên sang Philippin với sản lượng cao – hơn 600 tấn Amon Nitrat.
Ngoài ra với thị trường như phân bón – thị trường rất nhiều tiềm năng, có khả năng đẩy mạnh sản lượng lên vài chục ngàn tấn Amon Nitrat/năm, MICCO đã làm việc với một số nhà sản xuất phân bón trong nước thúc đẩy nghiên cứu phát triển thêm các dòng phân bón mới có sử dụng thành phần Amon Nitrat như phân bón NPK, phân bón lỏng… Hay thị trường sản phẩm trung gian Axit Nitric (HNO3) với nhu cầu trong nước ước tiêu thụ khoảng 5.000 – 8.000 tấn/năm, chủ yếu là hàng nhập khẩu, MICCO sẽ đầu tư lắp đặt hệ thống sang chiết axit Nitric để thuận tiện cho việc vận chuyển tiêu thụ sản phẩm. Phương thức phân phối sẽ kết hợp phân phối trực tiếp và thông qua các doanh nghiệp kinh doanh hóa chất trong nước đã có sẵn thị trường tiêu thụ ổn định và các phương tiện vận chuyển chuyên dụng.
Mấu chốt thành công – yếu tố con người
Như đã khẳng định, dự án Nhà máy sản xuất Amon Nitrat là một trong những dự án trọng điểm được Tập đoàn TKV giao cho MICCO làm chủ đầu tư. Dự án được đánh giá triển khai bài bản, “thuận buồm xuôi gió” từ đầu đến cuối, trong đó đặc biệt đảm bảo những tiêu chí quan trọng về tiến độ, chất lượng cũng như hài hòa mối quan hệ với địa phương. Sau 27 tháng kể từ ngày Hợp đồng EPC có hiệu lực, dự án đã chạy thử và đến ngày 14/6/2015 – chính thức bước vào vận hành thương mại. Sau hơn 2 tháng vận hành, CBCNV – LĐ đã tự tin làm chủ công nghệ, Nhà máy vận hành ổn định, đảm bảo công suất, chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn về môi trường.
Nhìn lại cả chặng đường triển khai xây dựng Nhà máy, có rất nhiều yếu tố góp phần làm nên thành công của dự án này, tuy nhiên nhấn mạnh về điểm mấu chốt nhất – ông Trần Đăng Phi – Giám đốc Công ty CN Hóa chất mỏ Thái Bình – người tâm huyết, gắn bó với dự án từ đầu đến cuối – khẳng định, đó chính là yếu tố con người. Nói rồi, ông chia sẻ với phóng viên Tạp chí rất nhiều những câu chuyện: Việc tuyển dụng công nhân vận hành, đội ngũ kỹ sư đầu vào được làm rất cẩn trọng, kỹ lưỡng, không tuyển ồ ạt, tràn lan; chẳng hạn với những vị trí quan trọng như kỹ sư điều khiển, quan điểm của lãnh đạo đơn vị là ngoài những vấn đề về chuyên môn, bằng cấp thì người kỹ sư ấy còn phải hội tụ cả những yếu tố như khả năng tư duy độc lập, khả năng làm việc nhóm, khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và rất cần thiết là niềm say mê nghề nghiệp.
Trong quá trình làm việc, lãnh đạo đơn vị luôn tạo cho người lao động một môi trường làm việc thực sự chuyên nghiệp – nơi người lao động được khuyến khích, được “truyền lửa”, được thể hiện bản thân mình và được lãnh đạo ghi nhận đúng mức. Đặc biệt với lực lượng trẻ, lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện tối đa để anh em không ngừng tự học hỏi, hoàn thiện bản thân, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo như Phân xưởng Axit thành lập một Câu lạc bộ “1h chỉ có tiếng Anh”, hay những ý tưởng đột phá trong công việc… Khi các kỹ sư trẻ tự tin chứng minh được năng lực của mình, lãnh đạo đơn vị cũng sẵn sàng bổ nhiệm vào các vị trí công tác then chốt trong nhà máy. Trên thực tế hiện nay, hầu hết các cán bộ đảm trách trưởng phó các phòng ban, quản đốc phân xưởng, tuổi đời đều còn rất trẻ nhưng đã và đang khẳng định được năng lực của mình và không ngừng trưởng thành…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/lam-chu-cong-nghe-van-hanh-on-dinh-201510131605073376.htm” button=”Theo vinacomin”]