Kíp ta có ba người
Một anh thì hay cười
Một anh thì hay nói
Còn tôi thì rất trẻ
Hiền hòa và siêng năng
Ba ta ba tỉnh ba quê
Về đây hợp lại làm gì chẳng xong
Và lại cùng tất bật khi “năm hết Tết đến” – không khỏi bâng khâng khi những ca từ “em ơi, mùa xuân đến rồi đó… xúc động lòng ta trước cuộc đời…” cứ ngân vang, ngân vang…
Lỗ khoan “xương” mấy cũng phải hoàn thành!
Tổ khoan 18 (XN Địa chất Đông Triều – Công ty Địa chất mỏ) đang thi công Lỗ khoan 2218 để phục vụ cho việc khai thác xuống sâu dưới mức -140, dự án Khe Chàm II – IV, chủ yếu khai thác bằng cơ giới hóa hầm lò. Tổ khoan có 14 người do anh Đỗ Minh Long làm Tổ trưởng. “Lỗ khoan này khó quá!” – anh Long khẳng định chắc nịch. Và anh kể, lỗ khoan có chiều sâu 630m nhưng phải khoan qua nhiều tầng thải, tính sơ sơ khoảng 270m thải và lại qua một phay đứt gãy khó khoan, do đó tiến độ khoan rất chậm. Với lỗ khoan như thế này bình thường chỉ mất một tháng rưỡi là xong, vậy mà đến nay, chúng tôi đã làm hơn 3 tháng – nghĩa là gấp đôi thời gian mà vẫn chưa xong. Cũng chưa có lỗ khoan nào tiêu tốn vật tư nhiều như vậy, phải chống đến 4 tầng ống mới qua được thải thay vì thông thường các lỗ khoan chỉ cần chống một ống nhỏ qua lớp phủ; chưa kể tốn mũi khoan khủng khiếp, bình thường chỉ 6-7 mũi khoan/lỗ khoan mà hiện tại đã dùng đến hơn 42 mũi khoan, rồi tốn nước…
– Thời gian khoan lâu thế này, tốn vật tư thế này, lương của anh em có bị ảnh hưởng nhiều không? – tôi hỏi.
– Ảnh hưởng rất nhiều là khác. Đặc thù của nghề địa chất chúng tôi là cứ lỗ khoan càng khó lương càng thấp, nhiều khi làm xong còn lỗ. Vậy nên anh em vẫn cứ nói vui với nhau “nhàn hạ – có tiền, vất vả – không có tiền”. Tất nhiên là tùy từng lỗ khoan vì Xí nghiệp đã khoán nhưng nhìn chung lương thợ khoan bây giờ thấp lắm, trung bình thợ khoan 2 – 3 triệu, tổ trưởng chỉ khoảng 5 triệu đồng.
– Tôi hỏi thật, các anh có khi nào nản và bỏ cuộc không?
– Cũng có chứ (cười) – nhưng chỉ thoáng qua thôi, chúng tôi xác định khi nghề đã là nghiệp, đặc thù vất vả là vậy thì phải biết chấp nhận thôi. Còn bỏ cuộc thì không bao giờ.
Như đọc được những băn khoăn từ ánh mắt của chúng tôi, người tổ trưởng đã gần như cả cuộc đời gắn bó với nghề khoan địa chất bộc bạch, anh em cũng đã từng “chiến đấu” với nhiều lỗ khoan khó như ở Dương Huy, Mạo Khê… nhưng chưa bao giờ gặp lỗ khoan “xương” thế này. Thực ra, ở khu vực này, trước đã từng có một đơn vị địa chất khác, 4-5 tổ khoan vào làm nhưng đều gặp trượt tầng, phải dịch chuyển, khoan đi khoan lại… và bỏ cuộc.
-Thế các anh khắc phục bằng cách nào? – Bằng kinh nghiệm!
Anh Long chỉ vào những chiếc chăn bông được lót làm đệm cho thợ khoan ngủ và nói: “kinh nghiệm là đây” – rồi anh giải thích, với những lỗ khoan sâu qua nhiều tầng thải phải có “mẹo” và kỹ thuật. Chúng tôi đã dùng những chiếc chăn này để nút lỗ khoan và thực hiện theo phương pháp khoan chống đuổi, khoan đến đâu chống ống đến đấy. Và thực tế đã phát huy hiệu quả, Lỗ khoan 2218 chắc chắn sẽ chỉ còn 4-5 ngày nữa là hoàn thành.

Lại nhớ, trong một lần trao đổi với Giám đốc Công ty Địa chất mỏ Vũ Văn Mạnh, ông cho biết, Địa chất mỏ là đơn vị được Tập đoàn giao thi công chủ yếu khối lượng của Dự án Khe Chàm II – IV, đến nay đã thực hiện được 46.830 mk/75 LK. Việc thi công trong các khai trường đang khai thác của các mỏ lộ thiên Cao Sơn, Tây Nam Đá Mài… gặp nhiều khó khăn như địa tầng phức tạp, hiện tượng trượt tầng thường xảy ra, nhiều lỗ khoan phải khoan lại nhiều lần; công tác vận chuyển máy khoan, thiết bị và nhân lực thi công có khi phải thực hiện bằng phà, bè qua moong nước để đến vị trí thi công (Lỗ khoan CGH 151)… Tuy vậy, xác định rõ tầm quan trọng của công tác thăm dò phục vụ Dự án, Địa chất mỏ đã khắc phục mọi khó khăn để thi công, đảm bảo thời gian triển khai dự án. Với Công ty đây không chỉ là nhiệm vụ địa chất nữa mà là nhiệm vụ chính trị Tập đoàn giao.
Còn đó những nhọc nhằn…
Đó mới chỉ là những cực nhọc, áp lực trong công việc, anh em thợ khoan địa chất nơi đây còn phải chịu nhiều thiệt thòi, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ thứ. Trong căn lán được lợp tạm bằng bạt, trời rét buốt, gió giật phần phật, dù đã cẩn thận chọn một chiếc áo phao dày để mặc tác nghiệp vậy mà khi trò chuyện với thợ khoan, chân tay tôi tê cứng, run cầm cập; nước chè rót ra đến chén đã nguội lạnh. Trong lán, trừ những anh em đã mặc áo bông dày (Công ty trang bị) ra tháp khoan làm việc, còn lại đều trùm chăn kín đầu để ngủ.
Tổ phó Nguyễn Đức Quyền – người có duyên với phóng viên Tạp chí TKV vì đây là lần thứ 2 chúng tôi gặp anh. Vẫn với khuôn mặt tươi, nụ cười hiền, anh chia sẻ, ở đây đi lại rất khó khăn. Anh em muốn đi chợ phải đi bộ khoảng 10km đường mỏ gập ghềnh xuống đường QL 18 mới mua được thức ăn, hôm nào may mắn, “căn” đúng giờ đổi ca của mỏ thì đi nhờ được. Do vậy, anh em chủ yếu tích trữ đồ ăn khô, nhiều nhất là mì tôm. “Cái khó ló cái khôn” nên anh em còn nghĩ ra nuôi thêm gà, chó… nhiều khi cải thiện cho anh em ăn tươi.
– Lãnh đạo Công ty có quan tâm đến đời sống của các anh không? – tôi hỏi.
– Quan tâm chứ, nhất là với những lỗ khoan khó như thế này, lãnh đạo Xí nghiệp và Công ty theo dõi rất sát sao. Năm nào, Công ty cũng tổ chức cho anh em đi nghỉ mát. Nhưng mà tôi đi nghỉ mát “hụt” ba lần rồi. Lần thì đi Đà Nẵng, lần thì đi Cát Bà… nhưng toàn vào thời điểm lỗ khoan anh em chúng tôi thi công gặp trục trặc thế là đành ngậm ngùi – công việc là trên hết mà – Tổ trưởng Long nói.
Đón tết bên tháp khoan – nhớ nhà da diết
Với thợ khoan địa chất, đón Tết bên tháp khoan là chuyện bình thường. Đặc biệt có những lỗ khoan đang dở dang, anh em phải làm thông Tết. Anh Long, anh Lực, anh Quyền… đều đã trải qua cảm giác đón giao thừa ở tháp khoan. Mặc dù vẫn có mâm ngũ quả, vẫn có bánh chưng, khoanh giò… nhưng sâu thẳm trong các anh là nỗi nhớ nhà da diết. Một cuộc điện thoại, những lời chúc của vợ con ở thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với các anh chưa bao giờ thấy ý nghĩa và thiêng liêng đến thế. Các anh vẫn truyền nhau đọc bài thơ mà thợ địa chất hay gửi về tặng vợ: “Anh đi công tác lâu ngày/ Nhớ anh nửa đêm con khóc hoài/ Thôi anh gửi về manh áo cũ/ Đắp cho con để mẹ ấm nhờ hơi”.
Vậy là, trong giá rét, tại đỉnh gần như cao nhất của bãi thải Đông Cao Sơn, chúng tôi cảm nhận được nhiều điều, về nỗi vất vả, về bản lĩnh, hay đơn giản chỉ là những vui buồn bình dị của anh em Tổ khoan 18 cũng như thợ khoan Công ty Địa chất mỏ nói chung. Càng đến, càng thấy mới càng trân trọng những người lính tiên phong đi giải những “bài toán hóc búa” trong lòng đất cho ngành Than – Khoáng sản. Năm 2013, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn chồng chất nhưng Địa chất mỏ vẫn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Bên lề một Hội nghị, Giám đốc Công ty Vũ Văn Mạnh đã bộc bạch rằng “Làm lãnh đạo Công ty không phải để “oai” mà phải thấy được trách nhiệm của mình với người lao động. Cần nhất là đên với họ bằng cái “tâm” – và chúng tôi tin thợ khoan địa chất sẽ bớt đi nhọc nhằn, sẽ đón một năm mới ngập tràn niềm vui khi mùa xuân đã đến gõ cửa từng nhà…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mua-xuan-den-roi-do-7172.htm” button=”Theo vinacomin”]